Báo động chất lượng kính của các công trình cao tầng

Những lời kêu ca, phàn nàn về tình trạng cửa kính chung cư bị vỡ, ngấm, thấm, dột, nứt tường… của người dân sống trong các chung cư tràn khắp các trang mạng xã hội sau khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội. Người dân rất lo lắng về chất lượng của cửa kính, vách, khung kim loại, hệ thống vách kính che phủ mặt tiền các chung cư cao tầng.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân có thể gia cố bằng cách dán băng dính để giảm áp suất gió tác động lên bề mặt cửa kính.
Người dân có thể gia cố bằng cách dán băng dính để giảm áp suất gió tác động lên bề mặt cửa kính.

Khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, chị Hồng và hàng xóm sống tại tầng 25 một chung cư tại quận Thanh Xuân liên tục thông báo cho nhau về tình hình căn hộ. Những tấm cửa kính rung lên bần bật, gió rít, nước đi qua khe cửa tràn vào nhà.

Mọi người càng lo lắng hơn khi nhìn thấy clip quay cảnh nguyên tấm vách kính bao mặt đứng của một khách sạn 5 sao tại thành phố Hạ Long bị gió bão "tháo rời" khỏi công trình.

Chị Vui, chủ sở hữu một căn hộ chung cư có vị trí đầu hồi đắt giá tại quận Nam Từ Liêm than vãn "sợ căn đầu hồi rồi" vì lo lắng trước sự an toàn của hệ thống cửa kính khi phải chống chọi với bão số 3.

Khi bão số 3 đổ bộ, không ít sáng kiến được áp dụng, phát minh nhằm giảm khả năng bị vỡ, bong kính tại các chung cư. Dán băng dính vào kính, khoan lỗ ở khung nhôm… Người dân còn mách nhau cách hé cửa làm giảm chênh lệch áp suất giữa bên trong và bên ngoài.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối cách làm này. Việc cửa khung kim loại, cửa kính, vách kính mặt tiền nhà chung cư bị rung lắc, vỡ, cuốn bay trong giông lốc, bão có nhiều nguyên nhân như: Chất lượng vật liệu kém, thi công lắp đặt không bảo đảm, độ vênh, dơ giữa các cấu kiện lắp ghép lớn, thi công lắp đặt không bảo đảm…

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, cửa làm bằng kính tại chung cư được ưa chuộng vì giúp cho căn hộ có tầm nhìn tốt hơn. Nhưng khi xây dựng hay chọn lựa căn hộ, phần lớn mọi người sẽ không nghĩ đến tình huống phải với ứng phó với những điều kiện khí hậu bất thường như bão lũ hay những tác động thông thường như bức xạ nhiệt do nắng. Hơn nữa, kính lắp đặt ở các chung cư cao tầng nếu như được lắp đặt chủng loại tốt, đúng quy phạm thì giá thành đắt gấp nhiều lần so với các loại kính thông thường đang được sử dụng. Trong khi đó, đáng lý việc bảo đảm an toàn phòng, chống bão lũ, thiên tai nói chung và an toàn của các hạng mục kính trong công trình cao tầng cũng phải được quan tâm thường xuyên như an toàn cháy nổ, cũng phải phòng ngừa các vấn đề, sự cố, rủi ro có thể xảy ra.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, tất cả các công trình xây dựng bao gồm cả chung cư đều phải tuân thủ theo QCVN 02:2022/BXD (quy chuẩn quy định các số liệu điều kiện tự nhiên áp dụng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên trong xây dựng). Theo đó, các công trình phải tuân thủ thiết kế bao gồm cả chống bão và động đất tính đến các vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cũng đặt vấn đề quy chuẩn đã có, nhưng việc thiết kế, thi công và nghiệm thu có đúng hay không?

Thực tế cho thấy, việc có được một bộ quy chuẩn là rất cần thiết nhưng như vậy chưa đủ. Cần có được quy trình, có nhân lực được gắn với chức danh, trách nhiệm để thực thi giám sát việc thực hiện quy chuẩn.

Khu vực của cửa kính bao quanh mặt ngoài tòa nhà được gọi là mặt dựng công trình. Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nguyên lý, mặt dựng công trình đều phải được thí nghiệm tỷ lệ 1:1 trong phòng thí nghiệm. Nhưng quy chuẩn lại không có điều khoản bắt buộc phải làm thí nghiệm.

Nhiều công trình cao tầng có chiều cao lớn, với hình dạng phức tạp đã được thiết kế và xây dựng như: Tổ hợp công trình Keangnam, Tòa nhà trung tâm thương mại Vietinbank, Landmark 81…, việc xác định tải trọng gió bằng thí nghiệm trong ống thổi khí động đã được tiến hành; nhưng với các công trình dân dụng, nhà ở cao tầng, do không có điều khoản bắt buộc nên thí nghiệm này hầu như không được thực hiện.

Cũng vì thế, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng, những quy định hiện hành về tải trọng gió trong các tiêu chuẩn ở Việt Nam vẫn chưa "phủ" được các tòa nhà cao tầng.

Biến đổi khí hậu khiến cho tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Trong khi đó, xu hướng xây dựng nhà cao tầng, chung cư cao tầng, thậm chí siêu cao tầng lại ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội. Do đó, về công tác quản lý chuyên ngành, cần sớm có những thay đổi, nâng cấp hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế bảo đảm an toàn chống chịu cho nhà chung cư cao tầng.

Cần coi trọng việc lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu từ khâu thiết kế, chọn vật liệu đến thi công công trình. Vai trò của Sở Xây dựng không chỉ là giám sát và nghiệm thu chặt chẽ mà còn phải đề ra yêu cầu, quy trình cho công tác bàn giao, vận hành và hướng dẫn người dân sử dụng.