Bảo đảm vững chắc an ninh cung cấp năng lượng điện cho phát triển đất nước

NDO -

Sáng 12-1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, trong năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng EVN đã nỗ lực vượt qua, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt là thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống. 

“EVN đã đóng góp vai trò trụ cột trong việc phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân để phát triển nguồn điện, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất điện như than, khí, dầu, đáp ứng cho nhu cầu điện của đất nước.

Một trong những thành công mà EVN đã thực hiện được trong năm 2020 là đưa chỉ số tổn thất điện năng giảm xuống mức 6,42%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.

EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện với tổng giá trị đầu tư đạt 88.400 tỷ đồng, đã đưa vào vận hành nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “EVN hiện đang độc quyền truyền tải điện. Chính vì vậy, cần tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư điện, xây dựng hạ tầng an toàn, chất lượng để đưa điện từ các nhà máy điện vào lưới điện quốc gia”.

Bảo đảm vững chắc an ninh cung cấp năng lượng điện cho phát triển đất nước -0
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân trong ngành Điện lực Việt Nam. 

Phó Thủ tướng nhìn nhận, EVN cũng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo... góp phần nâng cao tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4, tiêu chí về điện, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới lên 87,9%. Hiện nay, 100% số xã trên cả nước có điện; 99,54% số hộ dân được sử dụng điện, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%. 

Bước sang năm 2021, năm khởi đầu cho giai đoạn phát triển 2021-2025, với mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, Phó Thủ tướng nhìn nhận, EVN sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức.  

Thứ nhất là hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành điện còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là vấn đề bảo lãnh vay vốn của tập đoàn, vốn đầu tư cho phát triển ngành điện rất lớn, nhưng việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Dự án hàng tỷ USD nhưng rất thiếu vốn.

Bên cạnh đó là yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, trong khi công nghệ của một số nhà máy đã lạc hậu, để đáp ứng yêu cầu phải đầu tư các nguồn điện sạch, giá cao như điện mặt trời… Các nguồn nhiên liệu sơ cấp truyền thống trong nước như than, thuỷ điện, khí tự nhiên ngày càng cạn kiệt… trong khi nhu cầu phát triển nguồn điện ngày càng lớn. Và EVN phải bảo đảm phát triển thủy điện mà không phá môi trường, không tạo ra lũ lụt, ảnh hưởng tới người dân.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu sơ cấp nước ngoài. Tập trung bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

“Nếu giá điện cao thì sản phẩm Việt Nam không cạnh tranh được”, Phó Thủ tướng khẳng định, đồng thời yêu cầu phải phát triển hạ tầng ngành điện đồng bộ, thông minh và hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

EVN phải khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn tham mưu, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện hoàn thành quy hoạch điện VIII, trong đó lưu ý xác định rõ quy mô, tổng công suất nguồn điện cho từng giai đoạn. Xác định rõ cơ cấu nguồn điện, ưu tiên các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo với cơ cấu phù hợp bảo đảm vận hành an toàn hệ thống trong từng giai đoạn.  

Xác định rõ không gian bố trí và thời gian thực hiện đầu tư các nguồn điện phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Quy hoạch phát triển mạng lưới truyền tải đáp ứng yêu cầu giải toả công suất nguồn điện, truyền dẫn điện đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả. Chủ động tham mưu đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện đáp ứng yêu cầu đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

EVN cũng cần đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt. Tập trung tháo gỡ các khó khăn của các dự án chậm tiến độ, kể cả các dự án của EVN, Tập đoàn Công nghiệp  Than - Khoáng sản Việt Nam, đầu tư tư nhân, nước ngoài. Riêng các dự án chủ đầu tư bỏ dở, dừng đầu tư thì xem xét chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Nghiên cứu để có công cụ tích điện, đặc biệt với năng lượng tái tạo. EVN cần đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với phát triển nguồn điện; khắc phục triệt để hiện tượng quá tải tại một số đường dây và trạm biến áp, đặc biệt chú trọng việc giải tỏa công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

"EVN cần phối hợp với Bộ Công thương để có cơ chế phù hợp bảo đảm khuyến khích người dân phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất, bảo đảm công bằng, hài hoà. Thời gian vừa qua quản lý lúng túng, nên bị phát triển theo phong trào…, cần nghiên cứu từng bước, không được để xuất hiện trục lợi chính sách mà không quản lý được”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Bảo đảm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023. 

EVN cũng cần tăng cường công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiêu thụ điện, từng bước thay thế các công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện năng bằng các công nghệ tiêu hao ít điện năng. Tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong toàn xã hội. 

* Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân trong ngành Điện lực Việt Nam. 

* Trong năm 2020, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Cùng với đó, nhằm chia sẻ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và sinh hoạt với khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tập đoàn đã chủ động báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong hai đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng.

Sang năm 2021, EVN sẽ tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân. Bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.

EVN cũng tập trung xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động. Bảo đảm kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn. Năm 2021, Tập đoàn chọn Chủ đề “Chuyển đổi số trong EVN”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn.