Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải và các thành viên Đoàn giám sát yêu cầu, qua giám sát cần lý giải được nguyên nhân của luật chậm đi vào cuộc sống để từ đó có đề xuất điều chỉnh hợp lý; đồng thời đánh giá tình hình để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả của quy hoạch.
Ghi nhận về mặt hồ sơ, tài liệu, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương gửi đúng hạn, nội dung đầy đủ, bám sát kế hoạch, đề cương Đoàn giám sát yêu cầu; tuy nhiên, qua báo cáo của ba địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy còn nhiều vấn đề phải làm rõ.
Trong đó, việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thành phố, quy hoạch 2 tỉnh thời kỳ 2021-2030 hiện nay đều rất chậm, Thành phố Hồ chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tỉnh Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập quy hoạch; tỉnh Đồng Nai đang triển khai công tác này.
Đối với lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều nội dung chưa hoàn thành (đang rà soát để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung; quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức mới phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa hoàn thành; các quy hoạch khác mới hoàn thành định hướng).
Với tỉnh Đồng Nai báo cáo đã hoàn thành các quy hoạch xây dựng trọng tâm, các quy hoạch khác chưa báo cáo rõ kết quả, tiến độ…; tỉnh Bình Dương báo cáo chưa nêu cụ thể nội dung này.
Về phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030; vấn đề lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, Thành phố Hồ chí Minh chưa báo cáo cụ thể nội dung này; Đồng Nai, Bình Dương báo cáo chưa nêu kết quả đạt được, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị có báo cáo rõ thêm vấn đề tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch Thành phố (tỉnh) và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021.
Thành phố Hồ Chí Minh chưa báo cáo về lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã lập xong quy hoạch sử dụng đất cho các huyện (Đồng Nai 11/11 huyện; Bình Dương 9/9 huyện) đang hoàn thiện để thông qua Hội đồng nhân dân và trình Ủy ban nhân dân phê duyệt.
Ngoài quy hoạch chung, khó khăn, vướng mắc, các giải pháp, kiến nghị đối với từng loại như quy hoạch phân khu đô thị trung tâm, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ của Thành phố Hồ Chí Minh; quy hoạch xây dựng vùng huyện của cả 3 địa phương và các quy hoạch khác đang chậm cũng cần tập trung thảo luận để làm rõ thêm.
Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo cụ thể hơn việc trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị của Thành phố lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch Thành phố lập theo Luật Quy hoạch; đề xuất giải pháp xử lý và nêu rõ có cần phải sửa hệ thống pháp luật không, nếu sửa thì sửa luật nào, sửa như thế nào.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ thêm vấn đề nữa là lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, việc quy hoạch vùng huyện, liên huyện, trung tâm xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn… của các địa phương; dự kiến kết quả có thể đạt được đến cuối năm 2022.
Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong việc tổ chức lập quy hoạch; khối lượng công việc đã thực hiện tương đối nhiều trước những khó khăn, thách thức lớn như dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4/2021 và tiếp tục kéo dài đến nay, nhiều hoạt động bị đình trệ, phương pháp và cách thức tiếp cận quy hoạch mới, chính sách pháp luật về quy hoạch cũng còn những hạn chế nhất định.
Các địa phương đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên việc lập quy hoạch của cả 3 địa phương đều chậm, cần có giải pháp khắc phục.
Thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đề nghị các địa phương làm rõ tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, xem xét có cần sửa đổi Luật Quy hoạch hay sửa đổi các luật khác phù hợp để phù hợp Luật Quy hoạch; vấn đề sử dụng tư vấn nước ngoài trong quá trình thực hiện quy hoạch, vấn đề tích hợp quy hoạch; việc bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm và giải pháp quản lý thay thế; quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch...
Trên cơ sở làm việc với các bộ là cơ quan quản lý nhà nước, việc làm việc với các địa phương là nơi trực tiếp tổ chức thực thi chính sách đã cho thấy những bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật quy hoạch như một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất; các văn bản hướng dẫn luật ban hành chậm hoặc thiếu; nhiều nội dung cần làm rõ, hướng dẫn cụ thể hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý các kiến nghị để thực hiện được việc tích hợp quy hoạch; các quy định liên quan lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; các quy định để khi thực hiện có thể kịp thời điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp thực tiễn; các quy định để bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước khi bỏ các quy hoạch sản phẩm, như quy định về các khu công nghiệp, các khu kinh tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc công bố công khai các quy hoạch được duyệt theo quy định; chú trọng lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân. Các địa phương tổng hợp ý kiến Đoàn giám sát, ý kiến phát biểu của các đại biểu để hoàn chỉnh báo cáo. Bộ phận giúp việc của Đoàn giám sát khẩn trương tổng hợp các ý kiến để đưa những vấn đề nổi bật vào báo cáo chung. Trường hợp có những vấn đề chưa rõ, giao Tổ giúp việc trao đổi, làm việc thêm với các đơn vị chức năng của 3 địa phương để làm rõ thêm.
Đoàn giám sát sẽ căn cứ vào việc tổng hợp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm công việc và trách nhiệm liên quan từng loại báo cáo của từng địa phương.