Trong phiên họp sáng nay thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp các đại biểu đã nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tự quyết định trong quản lý của doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định của dự án Luật Doanh nghiệp đã thể hiện được nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tự quyết định trong quản lý của doanh nghiệp; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Dự án Luật quy định rõ ràng, đơn giản, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong quá trình gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có quyền đầu tư và kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, được lựa chọn thay đổi hình thức tổ chức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư thích ứng với yêu cầu kinh doanh và được Nhà nước bảo hộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, áp dụng phổ biến chế độ đăng ký (thay cho cấp phép), xóa bỏ những quy định "xin-cho", "phê duyệt"... bất hợp lý, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Có ý kiến đề nghị dự án Luật cần quy định rõ quyền tự do kinh doanh là quyền của doanh nghiệp được tự quyết định các vấn đề trong hoạt động kinh doanh và cho rằng các hạn chế đối với quá trình hoạt động của doanh nghiệp đều là không tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải hạn chế nào cũng là bất hợp lý, nó chỉ bất hợp lý khi mức độ hạn chế không tương ứng với lợi ích cần bảo vệ.
Hiện nay vẫn còn tồn tại các hạn chế như: Các giấy phép, chứng chỉ hành nghề (gồm 300 loại đang còn hiệu lực); Các doanh nghiệp tư nhân còn bị cấm kinh doanh một số ngành nghề mà chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước; hạn chế về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp dưới dạng các văn bản của pháp luật kinh doanh chuyên ngành; việc không cho phép cá nhân thành lập công ty TNHH một thành viên đã hạn chế các nhà đầu tư trong việc chọn lựa loại hình doanh nghiệp, không tạo điều kiện thuận lợi cho người không muốn kinh doanh chung với người khác...
Về điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, đa số ý kiến cho rằng, phải coi trọng cả hai mặt, vừa đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp hình thành và gia nhập thị trường; vừa đảm bảo hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, duy trì ổn định môi trường kinh tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang chuyển đổi của nước ta hiện nay. Vì vậy dự án Luật nên bổ sung các quy định về năng lực tài chính, trình độ quản lý, điều hành của doanh nghiệp và trong một số lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ tài chính... cần có quy định về vốn pháp định.