Tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa đất...
Đáng chú ý, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu trong thời gian Ủy ban nhân dân thành phố chưa có quy định cụ thể về điều kiện tách, hợp thửa đất thì các địa phương dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có cả đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Lý do được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra là do nhận được phản ánh của một số địa phương, người dân, doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã…
Nhận thấy Văn bản số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường không đúng quy định pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 298/KTrVB-KGVX ngày 12/4/2023, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị kiểm tra, xử lý.
Bộ Tư pháp khẳng định việc tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện, được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Việc tạm dừng chia tách thửa đất không bảo đảm cơ sở pháp lý về nội dung, không thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn bản số 1685 chỉ là văn bản hành chính, nhưng lại chứa đựng quy phạm pháp luật là vi phạm vào điều cấm theo khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Ngay sau khi Bộ Tư pháp "tuýt còi", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhanh chóng bãi bỏ Văn bản số 1685.
Có thể khẳng định rằng, thời gian qua công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng chặt chẽ, đi vào nền nếp, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực ngoại thành, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, không thể vì những khó khăn mà cơ quan quản lý có thể áp dụng hình thức cấm. Bởi, hơn một năm người dân phải dừng chia tách thửa đất không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người sử dụng đất, mà còn tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Vì thế, các đơn vị chức năng khi xây dựng, ban hành văn bản cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.