Bảo đảm quyền lợi của người dân tại Dự án mở rộng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội

Dự án mở rộng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội (cơ sở 1, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) được triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên, dự án này chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều hộ dân có đất bị thu hồi. Cuối năm 2022, UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để giải phóng mặt bằng khiến cho hàng chục hộ dân lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất"...
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế các công trình chưa di dời.
Lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế các công trình chưa di dời.

Theo phản ánh của bạn đọc, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Bắc Từ Liêm được thi hành chỉ bảy ngày sau khi quyết định được ban hành. Cơ quan chức năng cũng không tiến hành kiểm kê tài sản, không xây dựng phương án bảo đảm chỗ ở cho người dân theo quy định. Tại đây, hơn 40 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh, nhiều hộ đã ở ổn định từ trước năm 1993. Thời điểm lực lượng chức năng cưỡng chế phá dỡ nhà của các hộ dân thì vẫn còn nhiều đồ đạc, tài sản có giá trị... Khi lực lượng chức năng rút đi, một số hộ dân không có nơi ở phải dựng lều, che bạt làm chỗ ở tạm ngay tại chính nơi trước đó là ngôi nhà của mình.

Ðược biết, Dự án mở rộng Trường đại học Công nghiệp cơ sở 1 (Dự án) được Bộ Công thương chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016. Mục tiêu đầu tư là xây dựng một số hạng mục phục vụ hoạt động thể dục-thể thao, bể bơi, câu lạc bộ... Diện tích xây dựng là 1,84ha, do Trường đại học Công nghiệp làm chủ đầu tư. Ðáng chú ý, tại Quyết định số 14/2000/QÐ-UB ngày 14/2/2000 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch là đất công cộng, khu ở. Tại Văn bản số 7979/VP-QHKT ngày 24/11/2014 của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ phần đất này chỉ được "xây dựng cây xanh, thể dục thể thao, không xây dựng nhà học và khối tích lớn". Thế nhưng, tròn một năm sau, ngày 23/11/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 6308/QÐ-UBND, đồng ý giao khu đất có diện tích 1,84ha, ký hiệu H-1 cho Trường đại học Công nghiệp lập Dự án. Quyết định này cũng cho phép chủ đầu tư chuyển 1,84ha đất công cộng, khu ở sang chức năng đất cơ quan, viện nghiên cứu, đào tạo.

Trên cơ sở Quyết định số 6308/QÐ-UBND và đề xuất của Trường đại học Công nghiệp (chủ đầu tư), ngày 7/6/2016 Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2281/QÐ-BCT phê duyệt cho đơn vị này thực hiện Dự án. Trong đó nêu rõ, nguồn vốn xây dựng hoàn toàn là vốn do chủ đầu tư huy động. Thời điểm này, Trường đại học Công nghiệp vẫn là đơn vị công lập hoạt động sử dụng ngân sách cho nên Dự án vẫn được xem là dự án đầu tư công. Ðể phục vụ cho Dự án, nhiệm vụ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được UBND thành phố Hà Nội giao cho UBND quận Bắc Từ Liêm.

Căn cứ mà chủ đầu tư và Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bắc Từ Liêm xây dựng phương án là Quyết định số 96/2014/QÐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó mức chi trả cho các hộ dân có đất bị thu hồi là 201.600 đồng/m2, không bồi thường công trình xây dựng, không có phương án tái định cư... Như vậy, khu đất có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng/m2, trên đó có không ít nhà xây dựng kiên cố từ hàng chục năm trước bị coi là lấn chiếm và xây dựng trái phép. Nhiều hộ dân sau khi bị thu hồi đất không còn nơi ở, không có công việc và thu nhập để ổn định cuộc sống.

Chưa đồng ý với các quyết định hành chính của UBND quận Bắc Từ Liêm, các hộ dân đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết cuối cùng.

Làm việc cùng chúng tôi, ông Cao Ngọc Hạnh, Ban Quản lý bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bắc Từ Liêm cho biết: Chúng tôi đã thực hiện đúng, đầy đủ quy trình thu hồi đất đối với toàn bộ 43 hộ dân sinh sống tại khu vực đã có quy hoạch và giao cho Trường đại học Công nghiệp lập Dự án. Cho đến khi phải ban hành quyết định cưỡng chế thì chỉ còn bảy hộ. Người dân có thắc mắc về mức giá bồi thường, hỗ trợ, nhưng đó là mức giá quy định của thành phố, không có cơ sở để giải quyết phương án khác.

Ðối với ý kiến cho rằng Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị ký hợp đồng với Trường đại học Công nghiệp để thực hiện giải phóng mặt bằng là không đúng chức năng, bà Phùng Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm khẳng định: Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp có thu, được phép ký hợp đồng với Trường đại học Công nghiệp để giải phóng mặt bằng do đây là Dự án thuộc đầu tư công, phát triển giáo dục. Cũng theo bà Thanh, các quyết định về bồi thường, giải phóng mặt bằng được UBND quận Bắc Từ Liêm ban hành từ trước năm 2020. Do ảnh hưởng dịch bệnh cho nên đến cuối năm 2022 mới tổ chức cưỡng chế thu hồi. Như vậy, bảng giá đất được áp dụng theo Quyết định số 96/2014/QÐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND thành phố Hà Nội (được áp dụng từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019).

Ðại diện Trường đại học Công nghiệp cho biết: Dự án phù hợp quy định về đầu tư công cũng như nhu cầu thực sự của nhà trường về nâng cao điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho cán bộ, học sinh, sinh viên. Ngoài ra, toàn bộ mặt tiền giáp với đường 32 đều là không gian đi bộ, cây xanh chứ không có khối kiến trúc, rất phù hợp yêu cầu cảnh quan đô thị. Vị đại diện này cũng khẳng định, do Trường không có chức năng tự giải phóng mặt bằng cho nên ký hợp đồng với cơ quan chức năng của quận. Mọi vấn đề từ xây dựng phương án đến tổ chức cưỡng chế đều do UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện. Trường đại học Công nghiệp chỉ có nhiệm vụ chi tiền theo hợp đồng. Tuy nhiên, nội dung hợp đồng cũng như số tiền cụ thể vị này không tiết lộ.

Những vướng mắc trong hồ sơ thủ tục và quá trình thực hiện Dự án cần phải được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội làm rõ, đó là: Dự án mở rộng Trường đại học Công nghiệp có phải là dự án có đủ điều kiện để thu hồi đất theo Luật Ðầu tư công hay không; có cần quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố Hà Nội hay không; quyết định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục đất thu hồi đã được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội thông qua hay chưa. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân đã sinh sống ổn định ở đây từ nhiều năm trước khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất...