Chiều 30/5, phát biểu giải trình, làm rõ thêm các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc lựa chọn chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” rất phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tính cấp bách của thực tiễn hiện nay.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về tầm quan trọng của việc tích hợp quy hoạch để tạo cơ chế tăng hiệu lực, điều phối của nhà nước, tạo điều kiện cho các ngành chia sẻ dữ liệu để hình thành 1 hệ thống thông tin chung về quy hoạch, nhằm khai thác các nguồn lực một cách thống nhất, công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc tiến độ quy hoạch chậm cũng là do có tình trạng hiểu chưa đúng về cách thức triển khai quy hoạch tích hợp, dẫn đến triển khai tại một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, thậm chí làm sai lệch bản chất của Luật Quy hoạch theo phương thức tích hợp.
Tiếp thu những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, bất cập đầu tiên trong công tác quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra 1 quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp.
“Với chức năng của 1 Bộ có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ dữ liệu thông tin địa lý quốc gia để làm cơ sở nền tảng tích hợp các quy hoạch, chúng tôi cho rằng, hiện nay điều này chưa thể thực hiện được”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng, bất cập thứ hai là trong quá trình chuẩn bị, các quy hoạch hiện nay cần phải dựa trên cơ sở thực tiễn và chiến lược kinh tế-xã hội được Đại hội Đảng thông qua, trong đó, Quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác đều là những quy hoạch tích hợp. Theo Bộ trưởng, việc đưa tất cả những yêu cầu, mục tiêu phát triển cùng xuất hiện trong 1 quy hoạch là điều rất khó khăn trên thực tế.
Bộ trưởng nêu thí dụ, về Quy hoạch sử dụng đất đai, có phần về các nội hàm mang tính chất cứng, ổn định và có phần có thể thay đổi, tức là phần "tĩnh" và "động". "Tĩnh" có thể hiểu là những vấn đề mang tính chất bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn các di sản thiên nhiên hoặc những dự án có thể khẳng định có giá trị lâu dài và tính bền vững. Ngoài ra cũng cần phải "động", có nghĩa là vừa bảo đảm yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác phải theo cơ chế thị trường.
“Nếu chúng ta đưa tất cả các mục tiêu và các dự án phát triển lên 1 quy hoạch tích hợp, nói như vậy chúng ta đang đi ngược lại 1 vấn đề, đó là liên quan bảo đảm tính sáng tạo, tính phát triển của các vùng, các địa phương, các doanh nghiệp. Nói cách khác, nếu chúng ta không giải quyết được bài toán về thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa thì mặt khác chúng ta lại quay lại bài toán theo 1 nền kinh tế kế hoạch. Điều này rất khó có thể thay đổi được”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay đã có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch. Nghị quyết này đã tháo gỡ những khó khăn về mặt kỹ thuật, để giải quyết những vấn đề mới. Theo Bộ trưởng, cần thực hiện lập đồng thời các quy hoạch, tuy nhiên cũng cần phối hợp có hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành trong việc lập quy hoạch.
Cho rằng Luật Quy hoạch là rất quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý các quy hoạch, cũng như cần tích hợp các quy hoạch để bảo đảm mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, chứ không phải hướng đến 1 quy hoạch tích hợp chung cho cả nước.
Từ quan điểm đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội nên đưa ra một số nghị quyết tập trung giải quyết một số khó khăn, vướng mắc hiện nay đang hạn chế và kìm hãm sự phát triển, đồng thời tập trung nghiên cứu 1 bộ luật xác định tên, nội hàm, nội dung, phạm vi rõ ràng hơn liên quan đến quy hoạch.