Bảo đảm đủ nguồn lương thực dự trữ quốc gia

NDO - Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 21/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam lại tiếp tục tăng 10 USD/tấn so với cuối tuần vừa qua, đạt mức 638 USD/tấn, trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 628 USD/tấn.
0:00 / 0:00
0:00
Các địa phương trên cả nước vẫn đang đẩy mạnh sản xuất và thu hoạch lúa.
Các địa phương trên cả nước vẫn đang đẩy mạnh sản xuất và thu hoạch lúa.

Thị trường trong nước các giao dịch cũng tiếp tục sôi động, giá gạo thành phẩm duy trì khá ổn định, còn giá lúa có xu hướng tăng trở lại. Trước tình hình đó, ngày 21/8, Bộ Tài chính đã có thông tin về việc bảo đảm đủ nguồn lương thực dự trữ quốc gia sẵn sàng ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách.

Duy trì mức tồn kho hợp lý

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ động rà soát, cân đối nguồn lực lương thực dự trữ quốc gia; bảo đảm duy trì mức tồn kho hợp lý, đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu quy định của Luật Dự trữ quốc gia, chủ động ứng phó nhanh, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất cấp bách, không để người dân thiếu lương thực thiếu gạo, khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước theo dõi sát diễn biến của thị trường, dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh lương thực, nhu cầu xuất cấp của các địa phương để phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, kịp thời tham mưu trình bộ, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch và dự toán năm 2023 để mua bổ sung lương thực dự trữ quốc gia nếu thấy cần thiết.

Đồng thời xây dựng kế hoạch mua lương thực năm 2024 với mức dự trữ phù hợp. Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng tập trung cao độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lương thực dự trữ quốc gia năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trúng thầu, khẩn trương hoàn thành nhập kho dự trữ số lượng gạo theo hợp đồng đã ký kết; thực hiện công tác bảo quản, bảo vệ an toàn số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia; tạo mọi điều kiện cho các nhà thầu trong thực hiện hợp đồng gạo. Điều hành linh hoạt việc nhập, xuất lương thực dự trữ quốc gia thuộc kế hoạch năm 2023 đúng thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia.

Cùng về vấn đề này, trước đó, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường đã thông tin, với tình hình sản xuất và thu hoạch lúa như hiện nay, năm 2023 sản lượng lúa của cả nước dự kiến đạt 43,2-43,4 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký

Trước bối cảnh thị trường có biến động mạnh về lượng cung-cầu và giá lương thực tại thời điểm đang tổ chức mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia, ngày 18/8/2023, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có Văn bản số 1259/TCDT-KH yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023.

Theo đó, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền; theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực dự trữ quốc gia để kịp thời tham mưu cho Tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; bảo đảm mức tồn kho dự trữ quốc gia...

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang lo lắng về việc hợp đồng đã ký có giá thấp, nhưng mua gạo thực hiện hợp đồng thì ở mức giá cao. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp đang tiến hành đàm phán lại về giá bán với các đối tác để hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa hai bên; giãn thời gian giao hàng để chờ nguồn cung dồi dào, giá ổn định.

Với các hợp đồng mới, một số doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng phải cân nhắc. Lý do là nếu ký tiếp với mức giá chốt tại thời điểm ký, nhưng quá trình triển khai từ hợp đồng đến đặt cọc, thu mua, lên tàu vận chuyển cũng phải mất 1 tuần đến 10 ngày - nếu khoảng thời gian này giá lúa gạo trong nước tiếp tục tăng cao thì doanh nghiệp cũng lại gặp khó.