Chiều 13/6, Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau 3 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến cụ thể với từng nội dung
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại đợt 2 Kỳ họp thứ 7 liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm theo dõi. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận rất kỹ lưỡng và cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung.
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 8 dự án luật gồm: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Đồng thời, cho ý kiến vào 3 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận rất kỹ lưỡng và cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung. (Ảnh: DUY LINH) |
Đây là 11 dự án luật, nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua trong đợt 2 của kỳ họp. “Nhìn chung các nội dung được chuẩn bị tương đối tốt, hồ sơ tài liệu đầy đủ, chất lượng, cho thấy tinh thần tích cực, chủ động của các cơ quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý các nội dung theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận vừa qua”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban chủ trì thẩm tra bám sát chất lượng, khẩn trương phối hợp với cơ quan hữu quan hoàn chỉnh báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, nghị quyết, bảo đảm chất lượng, sớm gửi đến đại biểu Quốc hội bảo đảm đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, và 2 dự án luật, nghị quyết mới được Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội xem xét, bố trí cụ thể trong chương trình đợt 2 của kỳ họp để báo cáo Quốc hội quyết định việc điều chỉnh chương trình.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 3 nội dung thuộc thẩm quyền gồm: xem xét, quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023; xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, xem xét Tờ trình số 173/TTr-CP ngày 23/4/2024 của Chính phủ về điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 ngày 11/7/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở tờ trình, báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, đề nghị các cơ quan hữu quan hoàn thiện các dự thảo nghị quyết trên, xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội chủ trì nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ tập trung cao độ để tiếp thu, chỉnh sửa toàn diện về nội dung và kỹ thuật của các dự thảo luật, nghị quyết để bảo đảm chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Trên cơ sở ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sớm phát hành các thông báo kết luận mỗi nội dung, đồng thời khẩn trương hoàn thiện báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan tổ chức thực hiện theo quy định.
Nêu rõ khối lượng nội dung về công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 7 là nhiều nhất tại một kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt các cơ quan liên quan cần chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung để kỳ họp thành công tốt đẹp.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ 1/8/2024
Trước đó, cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Dự thảo Luật đề xuất điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1/8/2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng: “Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Kết luận nội dung này sau khi Thường vụ Quốc hội thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong đẩy nhanh hiệu lực thi hành pháp luật; báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng thể hiện quan điểm ủng hộ chủ trương để 4 Luật sớm đi vào cuộc sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp; đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành luật từ 1/8/2024; rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại từng luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần nhận diện rõ đầy đủ rủi ro, thách thức, tác động tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật để có biện pháp kiểm soát và khắc phục. Chính phủ cần cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.