Thông qua buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu về an toàn thực phẩm sẽ cung cấp thông tin chính xác dựa trên nghiên cứu về những thách thức do thực phẩm không an toàn gây ra đối với sức khỏe con người. Đồng thời, thảo luận những cách thức truyền thông các thông điệp về an toàn thực phẩm đến công chúng một cách hiệu quả hơn.
Theo ông Trần Thái Sơn, Phó trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), tại Việt Nam, an toàn thực phẩm là vấn đề được Chính phủ, cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm và là một trong các chủ đề được nhiều cơ quan báo chí chú trọng khai thác. Trách nhiệm và nghĩa vụ của báo chí đối với truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm một phần là thông tin, chia sẻ nhằm mở rộng sự hiểu biết về kiến thức, thay đổi nhận thức, mặt khác là diễn đàn rộng lớn, thu hút các cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm đang báo động như hiện nay.
Để làm được điều đó, ông Trần Thái Sơn nhấn mạnh, báo chí cần năng động hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học để đạt được những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Do vậy, diễn đàn là dịp để các nhà báo đang theo dõi mảng nông nghiệp-thực phẩm trong nước, các chuyên gia và những đơn vị phát triển sản phẩm nông nghiệp chia sẻ thông tin, trao đổi các góc nhìn chuyên môn đánh giá về an toàn thực phẩm cho một số sản phẩm đầu vào nông nghiệp. Qua đó, thảo luận xu hướng truyền thông trong vấn đề này và nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí-truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học và có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khỏe con người.
TS Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y tế công cộng và hệ sinh thái (CENPHER) thuộc Trường đại học Y tế công cộng nhận định, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về an toàn thực phẩm, cách thức lựa chọn thực phẩm an toàn… Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình qua các thực hành bảo quản, chế biến tốt, phòng tránh những thực phẩm không an toàn. Chính vì vậy, cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm hiệu quả hơn, đáp ứng được những yêu cầu thông tin của công chúng.
Đáng chú ý, trong các mối quan tâm về an toàn thực phẩm, người Việt Nam hiện có nhiều quan tâm và lo lắng tới các nguy cơ ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây trên chuỗi thực phẩm có nguồn gốc động vật đã chỉ ra được các mức độ ô nhiễm vi sinh vật trong các mẫu thịt lợn, thịt gà, thịt bò… Ngoài ra, các thông tin đầy đủ về nguy cơ và mức độ ô nhiễm vi sinh và hóa chất trong thực phẩm để phục vụ cho công tác quản lý (các nhà quản lý về an toàn thực phẩm) và truyền thông (báo chí) vẫn còn nhiều hạn chế.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nghiên cứu, quản lý và các nhà báo đã cùng nhau trao đổi, thảo luận những khó khăn, thách thức trong truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm; tìm hiểu sự khác biệt giữa các biện pháp truyền thông nguy cơ trong khoa học và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, khuyến nghị các chiến lược tiềm năng giúp chuyển tại thông tin khoa học về an toàn thực phẩm đến công chúng thông qua các công cụ truyền thông hiện đại một cách hiệu quả hơn; sử dụng những kênh và chiến lược phù hợp cho từng đối tượng cụ thể đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay.