
Sự căm thù những kẻ cướp nước, hại dân, giam cầm, tra tấn dã man người yêu là chiến sĩ biệt động khiến bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) sục sôi ý chí đứng lên cầm súng cùng Đội 5 Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập dù biết một đi khó có ngày trở về. Bị bắt sống cùng 6 đồng chí, trải qua tù đày, giam cầm, tra tấn dã man, nữ chiến sĩ biệt động kiên trung tới cùng, không chịu khuất phục. Cuộc đời của bà, hệt như một cuốn tiểu thuyết.

Người yêu bị bắt tù đày, nữ biệt động quyết tâm cầm súng ra trận
Vũ Minh Nghĩa lớn lên từ quê hương đất Thép Củ Chi. Năm 1959-1960, phong trào đồng khởi ở Bến Tre lan rộng tới Củ Chi, ngày một sôi nổi, mọi người hăng say tham gia nhiệm vụ đào đường, đào địa đạo. Cô bé Nghĩa thoăn thoắt làm giao liên, mang cơm, nước cho bộ đội. Lúc nào các chú nghỉ tay ăn trưa, cô bé lại say sưa hát góp vui.
Sau những ngày làm giao liên, Nghĩa tâm tư: “Gia đình mình ngồi ăn cơm thoải mái mà những cô, bác lại cứ phải núp lén ở những nơi hẻo lánh. Có lẽ những người đó họ làm có gì ích nước, lợi dân nên được dân mến, dân thương?”.
Tôi nguyện đóng góp cho cách mạng, nhưng phải được tham gia đơn vị chiến đấu như Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, còn làm văn phòng thì thôi.
Cứ thế năm tháng qua đi, cảm tình với cách mạng ngày càng lớn mạnh trong tâm trí của thiếu nữ. Nhất là khi được nghe kể về tấm gương hy sinh kiên trung, không chịu khuất phục của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi khi bị xử bắn, cô gái 16 tuổi quyết tâm phải đi theo cách mạng. “Tôi nguyện đóng góp cho cách mạng, nhưng phải được tham gia đơn vị chiến đấu như Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, còn làm văn phòng thì thôi”, khẩu khí bà Nghĩa đầy chí khí.
Lúc này, Đội 5 của Biệt động Sài Gòn-Gia Đình về địa phương, chiêu mộ thêm những chiến sĩ mới. Khi đó, người về tuyển quân cho Đội 5 là ông Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) – đội trưởng. Được tận mắt chứng kiến những chiến sĩ biệt động bằng da, bằng thịt, bà rất ngưỡng mộ về khả năng “xuất quỷ nhập thần” nên xin tham gia đội bằng được.
Bà Chín Nghĩa (trái) chụp cùng đồng đội. (Ảnh: NVCC)
Bà Chín Nghĩa (trái) chụp cùng đồng đội. (Ảnh: NVCC)
Trải qua thử thách học khóa trinh sát 3 tháng, cô bé 17 tuổi chật vật tìm hiểu về các ngõ ngách ở Sài Gòn, học cách chạy xe gắn máy, học cách dùng súng. Nhiệm vụ ban đầu của bà là làm giao liên cho đơn vị, chuyển thư từ căn cứ về thành phố và ngược lại. Khó khăn vô chừng với cô gái 17 tuổi chưa từng va vấp, nhưng Chín Nghĩa không nản lòng.
Để che tai mắt của địch, ông Bảy Bê cùng bà Chín Nghĩa thường xuyên được tổ chức phân công đóng cặp tình nhân. Từ đây, tình yêu giữa hai người bắt đầu nảy nở.
Mối tình của bà không chỉ có tình yêu của nam-nữ, mà còn lớn hơn đó là tình yêu đồng đội. Bà thầm ngưỡng mộ người đội trưởng Bảy Bê đã hoạt động cách mạng từ rất sớm, gan dạ, mưu trí, từng bị địch bắt vào tù tra tấn dã man nhưng vẫn không hề nao núng.
Mối tình của bà không chỉ có tình yêu của nam-nữ, mà còn lớn hơn đó là tình yêu đồng đội.
Bà kể lại, năm 1964, Bảy Bê được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội 5, F100 do các đồng chí Tư Chu (Anh hùng Nguyễn Đức Hùng), Ngô Thanh Vân (Ba Đen), Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Tư Tăng chỉ huy mạng lưới Biệt động Sài Gòn với những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay giữa nội thành gây chấn động một thời.
Trong cuốn “Lịch sử lực lượng biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định” ghi lại, đội F21 của Biệt động Sài Gòn (sau này là Đội 5) do Bảy Bê chỉ huy đã tiến hành nhiều vụ đánh bom gây chấn động như đánh sập 43 phòng của khách sạn Caravelle cao 10 tầng. Ngày 24/12/1964, Bảy Bê cùng biệt động Tư Mập (Nguyễn Văn Hòa) lái xe chở hơn 100kg thuốc nổ trà trộn vào cư xá Brink 168 phòng là nơi cư trú của sĩ quan Mỹ. Ngày 30/3/1965, Bảy Bê lái xe chở 150kg thuốc nổ cùng đồng đội biệt động Sài Gòn chia thành 3 mũi tấn công vào tòa Đại sứ Mỹ trên đường Hàm Nghi. Trận đánh đã khiến cho cơ quan đầu não Mỹ CIA phải điên tiết lồng lộn lên vì đội quân biệt động Sài Gòn xuất quỷ nhập thần.
Năm 1966, Bảy Bê bị một tên phản bội chỉ điểm và bị địch bắt, đày ra Côn Đảo, tra tấn dã man. Đội 5 khi đó có chỉ huy mới.
Nén đau thương vì người yêu bị bắt, bà Nghĩa càng nung nấu ý chí trả thù. Từ một cô gái chưa từng cầm súng chiến đấu, bà đã trở thành một nữ chiến sĩ anh hùng trong trận đánh vang dội đúng Tết Mậu Thân.
Nén đau thương vì người yêu bị bắt, bà Nghĩa càng nung nấu ý chí trả thù. Từ một cô gái chưa từng cầm súng chiến đấu, bà đã trở thành một nữ chiến sĩ anh hùng trong trận đánh vang dội đúng Tết Mậu Thân.


Nghẹt thở cuộc “tẩu thoát” của 7 chiến sĩ biệt động trong đêm Mậu Thân ở cổng Dinh Độc Lập
Trong căn nhà vừa mới khánh thành ở quận Gò Vấp, bà Chín Nghĩa bồi hồi nhớ lại cuộc tẩu thoát nghẹt thở nhưng không thành của các thành viên Đội 5 Biệt động Sài Gòn.
Bà chậm rãi kể: Cuối năm 1967, các đơn vị Biệt động Sài Gòn được rút về Rạch Bắp, Sông Bé, Bến Cát, học sa bàn để chuẩn bị cho cuộc đánh lớn vào năm Mậu Thân.
Đêm 30 Tết Mậu Thân, cả đơn vị đón giao thừa tại Trảng Bàng. Sau khi nghe Bác Hồ chúc Tết, thủ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị, hành quân ngay trong đêm bằng mọi phương tiện về nội thành. Các cánh chia về các hầm vũ khí, lau chùi súng, kiểm tra mìn, thuốc nổ chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công.
Biết là khó khăn, nhưng chúng tôi xác định dù nơi đó nguy hiểm gấp trăm nghìn lần, cũng không thể qua được lòng quyết tâm của cả đội.
Thủ trưởng Đội 5 Trương Hoàng Thanh gọi 15 người trong đội, trong đó có một nữ duy nhất là bà Chín Nghĩa giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu. Mục tiêu không phải đánh quận 5 như ban đầu, mà đội có trách nhiệm rất lớn tấn công vào một nơi có quy mô gấp trăm ngàn lần quận 5 – tấn công vào Dinh Độc Lập. Tất cả anh em đều ngỡ ngàng vì so tương quan lực lượng và vũ khí, đội biệt động sức vô cùng nhỏ bé.
“Biết là khó khăn, nhưng chúng tôi xác định dù nơi đó nguy hiểm gấp trăm ngàn lần, cũng không thể qua được lòng quyết tâm của cả đội. Tất cả anh em không ai bảo ai, nhìn nhau và cuối cùng báo thủ trưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, đơn vị giao cho, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng dù phải hy sinh”, bà Nghĩa kể. Còn riêng bà Nghĩa, dù là thân con gái chưa từng ra trận, nhưng cũng rất khẩu khí: “Em hứa sẽ hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà đơn vị giao cho, thể hiện được mình là con của Bà Trưng, Bà Triệu, là con gái quê hương Củ Chi”. Bà trở thành nữ tay súng duy nhất cùng các nam đồng đội trực tiếp tấn công Dinh Độc Lập.
Cả ngày mùng 1 Tết, các hàng quán chung quanh nghỉ Tết, không có gì mua bán. Mỗi người trong đội chỉ ăn được miếng bánh chưng, uống nước trà, miệt mài kiểm tra các loại súng ống, đạn dược dưới các căn hầm bí mật. Tại nhà thầu khoán Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.S.O.M), thím Lai (bà Đặng Thị Thiệp – vợ ông Lai) lén lút mang dưa hấu, nước trà tiếp thêm sức lực cho Đội 5.
Ảnh tư liệu: Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968. (Nguồn: Báo QĐND)
Ảnh tư liệu: Lính Mỹ gác cửa tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn tháo chạy trước cuộc tấn công bất ngờ của biệt động Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968. (Nguồn: Báo QĐND)
Khoảng 2 giờ đến 2 giờ 30 phút ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, các đội biệt động lần lượt tấn công các mục tiêu: Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh hải quân ngụy.
Đội 5 gồm 15 cán bộ, chiến sĩ (có một nữ) do đồng chí Trương Hoàng Thanh chỉ huy, xuất phát từ số nhà 280/70 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu - quận 3) là hầm chứa vũ khí trong gia đình đồng chí Trần Văn Lai hướng mũi tấn công phía dinh Độc Lập. Mũi này nổ súng trước các mũi tiến công khác khoảng 15 phút.
Theo kế hoạch đi chiếc xe đầu tiên chứa khối chất nổ trên 200 kíp sẽ đánh bung cổng để 2 xe sau tràn vào cổng sau của Dinh. Rất tiếc khối chất nổ để hầm lâu ngày ẩm ướt nên không nổ. Tổ xung kích không thể tấn công vào trong nên buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du. Tiếng súng rền vang toàn thành phố, các mục tiêu bị đánh trúng, nhiều kẻ địch bị tiêu diệt làm những anh em còn lại của Đội 5 phấn chấn.
Mình làm nhiệm vụ cứu thương nhưng khi thủ trưởng bị thương lại không có nổi viên thuốc cầm máu.
Nhưng lực lượng quân địch ngày một đông, năm đồng chí lần lượt hy sinh đầy thương xót. Những người còn lại không nản chí, tiếp tục đánh vào những chiếc xe Jeep của địch chi viện nhưng phía bên Tao Đàn, địch bắn xuống xối xả. Trong lúc giao tranh, thủ trưởng Trương Hoàng Thanh kêu “Nghĩa ơi, anh bị thương” rồi ngã quỵ. Nữ y tá Chín Nghĩa cùng đồng đội cố hết sức để cấp cứu nhưng không thành. Đồng chí đội trưởng thoi thóp, căn dặn: “Anh em cố gắng bám trụ trận địa, không được rút lui, phải chiến đấu tới viên đạn cuối cùng” rồi tắt thở.
Trời hưng hửng sáng, nhìn cảnh hoang tàn trước mặt, khói đạn bốc lên nghi ngút, Chín Nghĩa mặt thất thần, đau xót “Mình làm nhiệm vụ cứu thương nhưng khi thủ trưởng bị thương lại không có nổi viên thuốc cầm máu”.
Hết đạn, chúng tôi chiến đấu với kẻ địch bằng gạch, đá.
Lực lượng chi viện đã không tới theo đúng lịch, 7 anh em còn lại phân nửa bị thương, đành phải rút vào ngôi nhà cao tầng 56 Thủ Khoa Huân và tổ chức cố thủ trên lầu 3. Bất chấp cơn đói, thương tích đầy mình, 7 đồng chí bám trụ ngoan cường suốt gần một ngày, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, diệt hàng chục tên. Không đột nhập vào nhà được, địch đùng thang cứu hỏa leo lên lầu. Các chiến sĩ bắn chết nhiều tên, cho đến khi hết đạn, tháo súng vứt bỏ và dùng các đồ vật làm chướng ngại ngăn chặn quân địch.
“Hết đạn, chúng tôi chiến đấu với kẻ địch bằng gạch, đá”, bà Nghĩa kể. Đồng chí Lê Tấn Quốc, một thành viên trong đội nói với anh em lên lầu trên để tìm cách tẩu thoát, anh sẽ chốt chặn địch từ trên nóc đánh xuống và chọn hướng cho đơn vị rút quân. Chỉ tích tắc sau đó khi đồng đội đã rút lên lầu, đồng chí Quốc bị trúng đạn hy sinh trên tấm ô văng phía sau nhà (sau giải phóng mới phát hiện được bộ hài cốt và khẩu AK trên ô văng ngôi nhà này).
SỐNG cùng sống
CHẾT cùng chết
Tối mùng 3 Tết, cả đội bàn nhau chui qua lỗ thủng trên mái nhà để bò sang nhà bên. Mái ngói nhiều rêu, trơn trượt, cả quãng đường ngắn phải bò mất cả tiếng. Chín Nghĩa xuống cuối cùng nhưng vì bị thương nên cô sợ làm đồng đội bị chậm trễ tẩu thoát, bèn nói: “Các anh cứ bỏ Nghĩa lại, tìm cách thoát, thà để mình Nghĩa hy sinh chứ đừng ở đây mấy anh hy sinh hết”, nhưng mấy anh quả quyết “sống cùng sống, chết cùng chết”.
Đến 3 giờ sáng, ngày 1/2/1968, 7 đồng chí còn lại (trong đó có nữ y tá Chín Nghĩa) di chuyển đến ngôi nhà 108 Gia Long (Lý Tự Trọng) ém trên tầng 5. Địch theo dấu vết máu đã phát hiện ra chỗ ẩn nấp của cả đội. Thời tiết những ngày này rất lạnh, cơ thể mang thương tích càng nặng thêm, sức cạn kiệt nên cả 7 đồng chí không thể thoát thân.
Cả đội bị đưa về Nha cảnh sát Đô Thành. Riêng bà Chín Nghĩa do vết thương nhiễm trùng nên bị chúng vất xuống nhà thương Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh).
Mũi tiến công Dinh Độc Lập của 15 cán bộ, chiến sĩ Đội 5 đã làm gần 100 tên lính chết và bị thương (trong đó có một số lính Mỹ), 3 xe Jeep bị phá hủy.
“Gần 60 năm qua, nhưng cứ mỗi lần nhắc đến Nha cảnh sát Đô Thành lại gợi cho tôi ký ức đau thương. Chúng tra tấn dã man, cứ nhằm bên vai, gối, chân và cơ chúng đánh. Chúng bảo phải đánh cho tàn tật. Chúng vứt tôi sang Chợ Quán, đắp chiếu lên mặt. Nhưng may sao bác sĩ lại kéo chiếu xuống, thấy mắt tôi vẫn mở, tim đập nên đưa tôi về Chợ Quán cứu sống. Những ngày nằm ở đây, chân tay của tôi cứng ngắc như người bị rắn độc cắn, co giật liên hồi vì nhiễm trùng”, bà Nghĩa rùng mình nhớ lại. Chữa khỏi, bà lại bị đưa về Nha Cảnh sát Đô Thành.
Cả đội xác định dù hy sinh cũng phải bảo vệ khí tiết người cách mạng, không khai báo nên chịu đủ mọi đòn tra tấn dã man. Sau khi không thu lượm được tin tức, cả đội bị đưa lên Nhà lao Thủ Đức, Tân Việt rồi đưa ra Côn Đảo giam cầm. Ở đây, không chỉ tra tấn thể xác, chúng còn tra tấn tinh thần, bắt chào cờ, hát quốc ca của chúng. Nếu ai chống, sẽ bị đưa vào biệt giam.
Cả đội xác định dù hy sinh cũng phải bảo vệ khí tiết người cách mạng, không khai báo nên chịu đủ mọi đòn tra tấn dã man.
Những bữa cơm Côn Đảo cũng vô cùng ác mộng. Bà Nghĩa không quên được cọng rau muống khô đét như dành cho ngựa ăn, miếng cá khô mốc xanh đắng ngắt như khổ qua và mắm ruốc toàn ròi lúc nhúc… Ngày ngày, chúng ra sức dùng các chiêu bài dụ dỗ để sớm được về gia đình. Nhưng bà quả quyết: “Chúng quản lý được con người nhưng không thể quản lý được trí tuệ của mình, mình phải vững”.
Nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng của 60 năm trước, bà Chín Nghĩa rưng rưng, tình thương đồng chí, đồng đội không lúc nào hơn bằng giây phút chiến đấu nghẹt thở đó. Có thời điểm, họ phải bò qua xác đồng đội để chiến đấu, nhìn thấy các anh ngã quỵ ngay trước mắt mình. Có những người hôm trước còn ngồi bên nhau, hôm sau đã cảm tử cho Tổ quốc.
Có những người hôm trước còn ngồi bên nhau, hôm sau đã cảm tử cho Tổ quốc.
“Nước mắt để dành cho ngày độc lập…”
Ở Côn Đảo, bà Chín Nghĩa không hề biết người yêu mình là ông Bảy Bê cũng bị giam cầm tại đây. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, cả hai cùng được trao trả nhưng ở 2 địa điểm khác nhau. Bà Chín Nghĩa được trao trả tại sân bay Lộc Ninh, Bình Phước; còn Bảy Bê bị quăng xuống cánh đồng chó ngáp tỉnh Hậu Nghĩa cũ (nay là Đức Hòa, Long An) trong tình trạng tàn phế.
Sau khi được trao trả tù binh, bà Chín Nghĩa về công tác tại đơn vị A34 tình báo miền, tiếp tục công việc của một cán bộ biệt động. Còn ông Bảy Bê, với ân tình được bà Võ Thị Tránh (người vợ một liệt sĩ) cứu chữa, chăm sóc sau ngày ra tù, đã cảm kích và báo cáo tổ chức lập gia đình với bà Tránh.
Bà Chính Nghĩa được trao trả tự do tại sân bay Lộc Ninh (Bình Phước). (Ảnh: NVCC)
Bà Chính Nghĩa được trao trả tự do tại sân bay Lộc Ninh (Bình Phước). (Ảnh: NVCC)
Vừa kết hôn không lâu, trong cánh rừng cao su Dầu Tiếng, ông Bảy Bê gặp lại bà Chín Nghĩa. Cả 2 mừng tủi khôn xiết, nhưng ngặt nỗi, niềm yêu thương, nhớ nhung bao lâu nay đã không thể đơm hoa, kết trái. Bà Chín Nghĩa nén nỗi buồn vì người yêu đã có vợ, tiếp tục trở lại nhiệm vụ cho tới ngày đất nước được hoàn toàn thống nhất.
Đất nước hết chiến tranh, Chín Nghĩa được giao tiếp quản khu công cụ tại Gò Vấp. Ông Bảy Bê lúc này không thể quên những năm tháng yêu thương bên nhau, tìm mọi cách để được sát cánh bên Chín nghĩa. Và rồi, họ nên duyên vợ chồng, trong khi ông Bảy Bê vẫn có bà vợ cả. Ông Bảy Bê – một biệt động Sài Gòn với những trận đánh nức tiếng có hai bà vợ và các con riêng chung sống rất vui vẻ, hạnh phúc. Bà Chín Nghĩa kể lại, ông bị địch tra tấn dã man nên sức khỏe rất suy kiệt và mất sớm vào năm 2006. Hơn 10 năm sau, bà Chín Nghĩa đã nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước truy tặng cho chồng - Đội trưởng Đội 5, F100 Nguyễn Thanh Xuân, tức Bảy Bê.
Hồi tưởng lại không khí ngày 30/4/1975 ở Sài Gòn bấy giờ, bà Chín Nghĩa nhớ như in. Trưa 29/4/1975, đoàn A34 tình báo Miền nhập cùng đoàn xe tăng từ Đồng Dù tiến về Hóc Môn. Lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Ai cũng mừng vui khôn xiết khi chứng kiến đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất.
Lúc đó, bọn lính bị lột đồ, mặc áo thun trắng, quần đùi, giơ tay lên đầu hàng như bầy cò trắng chạy trên đường. Quân giải phóng trấn an những người ở bên kia chiến tuyến: “Các anh cứ hạ tay xuống, về nhà bình thường không có gì đâu”.
Niềm vui giải phóng vào ngày 30/4 khiến cho những biệt động Sài Gòn vào sinh, ra tử, thoát từ địa ngục trần gian Côn Đảo càng gấp bội phần hạnh phúc. Hạnh phúc lớn hơn nữa của người phụ nữ kiên trung, bất khuất là được đại diện trong đoàn bộ đội ra Hà Nội dự Quốc khánh ngày 2/9/1975. “Mình lớn lên trong vùng chiến tranh, sau đó đi hoạt động biệt động, nằm tù 6 năm trời, chỉ toàn thấy đau thương, chưa được nhìn thấy hòa bình như Hà Nội bấy giờ. Đoàn chúng tôi được bác Tôn Đức Thắng đến ôm hôn thắm thiết và bắt tay rất chặt. Ai cũng mừng vui khôn xiết khi chứng kiến đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất”, bà Chín Nghĩa xúc động nói.
Gia đình bà Chín Nghĩa có tới 8 người cùng tham gia cách mạng. Mẹ bà là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Đặng có 3 người con là liệt sĩ, 5 người là thương binh trong đó có 3 anh em Chín Nghĩa cùng trong Đội 5 Biệt động Sài Gòn.
Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT