Bảo đảm an ninh nguồn nước

Nước là nguồn tài nguyên quý giá, có vai trò quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Nhà máy nước An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) vận hành máy cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Công nhân Nhà máy nước An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) vận hành máy cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Mặc dù vậy, nguồn nước của Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức do sụt giảm về trữ lượng, ô nhiễm, nước biển dâng hay sự phụ thuộc vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ… Bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cấp bách, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị cũng như toàn dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có.

Hiện nay, 56/63 địa phương có chương trình, kế hoạch hành động hoặc đề án để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Các địa phương đã thực hiện việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Các cơ quan chức năng đã tích cực phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn nguồn nước và đập. Công tác giám sát, kiểm kê, điều tra cơ bản liên quan đến số lượng, chất lượng và kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường; qua đó, cung cấp kịp thời số liệu phục vụ nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và hỗ trợ cơ quan quản lý xử lý các nhiệm vụ cấp bách về cấp nước, tiêu thoát nước, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.

Một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Ðồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư xây dựng công trình bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, cấp, trữ nước cho các vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu; hiện đại hóa vận hành hệ thống công trình, bảo đảm chủ động trữ nước ngọt, điều hòa, phân phối nguồn nước trong tỉnh, liên huyện.

Mặt khác, các địa phương đã nghiên cứu xây dựng các chương trình phát triển khoa học-công nghệ và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý nguồn nước; khuyến khích, ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ để tái sử dụng nước, phát triển, tạo nguồn nước mới, thu, tích trữ, điều tiết, điều hoà, chuyển nước, liên kết nguồn nước; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…

Tuy nhiên, việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ và sử dụng nước chưa được triển khai sâu rộng. Hơn nữa, nội dung bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời.

Nguồn nước đang được nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, trong khi cơ chế phối hợp trong quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ nguồn nước còn có mặt hạn chế. Việc quy hoạch hạ tầng kết cấu ngành nước còn thiếu đồng bộ, thiếu sự điều phối chung; các hoạt động phát triển kinh tế, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân trong thời gian qua đã và đang tạo sức ép lớn đến cơ sở hạ tầng ngành nước; xung đột về khai thác, sử dụng nước giữa các ngành kinh tế trong nội tại lưu vực như giữa thủy điện với thủy lợi, giao thông thủy, thủy sản... đang diễn ra.

Riêng khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước như: Sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác; suy giảm chất lượng môi trường đất và nước; mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước và hiệu quả sử dụng nước thấp; khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng…

Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho rằng: “Ðồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô có 2 đợt triều cường lớn nên gây xâm nhập mặn cao. Vì vậy rất cần các giải pháp tổng thể liên quan nguồn nước. Các giải pháp vận hành và khai thác phải được đồng bộ và triển khai liên hệ thống để mang lại hiệu quả cao. Ðồng thời, việc truyền thông rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin về giải pháp khắc phục cho người dân”.

Còn theo Phó trưởng Phòng An ninh nguồn nước (Cục Thủy lợi) Ðinh Thanh Mừng: “Vấn đề thiếu nước tại Ðồng bằng sông Cửu Long thường chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019-2020, vai trò của việc tăng cường chỉ đạo trong quản lý nguồn nước trở nên cấp thiết. Khác với các loại cây trồng khác, cây ăn quả tại khu vực này là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, khó phục hồi hơn”.

Nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nguồn nước, các bộ, ngành, địa phương cần xem xét, nghiên cứu thống nhất tổ chức quản lý khai thác vận hành công trình thủy lợi vùng Ðồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực cho sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi, nhất là công trình hồ, đập nhỏ xuống cấp, nguy cơ mất an toàn; đồng thời, tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ, sử dụng nước tiết kiệm, sử dụng nước sạch.

Các cơ quan chức năng cần tập trung nghiên cứu giải pháp lâu dài chủ động ứng phó với tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu; giải quyết vấn đề khó khăn lấy nước ở hạ du do hạ thấp mực nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước.

Ðịa phương và các doanh nghiệp nên đầu tư các hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, quy mô lớn phục vụ sinh hoạt của người dân; trữ nước ngọt mùa lũ phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô; chuyển đổi sản xuất khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long và phòng chống ngập các khu đô thị, công nghiệp do mưa lớn, triều cường dâng. Cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu ban hành quy định, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ bảo vệ các nguồn nước hiện có, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm…