Đó là thông điệp được đưa ra tại cuộc gặp mặt giữa đông đảo đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn Hải Phòng với lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố do Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng tổ chức sáng 11/6.
Đây cũng là hoạt động thiết thực của những người làm báo tại Hải Phòng nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022) và kỷ niệm 61 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2022).
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hải Phòng: trên địa bàn thành phố có hơn 17 nghìn người nhiễm, di nhiễm trong tổng số hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc hóa học trên cả nước. Trong đó, 10 nghìn người nhiễm trực tiếp, hơn 6 nghìn người là thế hệ thứ 2, thứ 3 và hơn 1 nghìn người đã qua đời. Phần lớn những nạn nhân này đều mắc bệnh, suy giảm khả năng lao động; vô sinh hoặc sinh con dị dạng, dị tật…
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hải Phòng chia sẻ, nạn nhân da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Nạn nhân chất độc da cam cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ của các cấp, các ngành; của mỗi tổ chức,đơn vị, doanh nghiệp; của cả cộng đồng và mỗi chúng ta…
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng Đào Văn Hoàn đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực này. Đồng thời cho rằng, khắc phục hậu quả thảm họa da cam là trách nhiệm của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, là lương tâm và trách nhiệm của toàn xã hội…
Tại buổi gặp mặt, đại diện các cơ quan báo chí khẳng định sự đồng hành, sẻ chia với hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hải Phòng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm phối hợp tuyên truyền và hành động để “không để nạn nhân chất độc da cam/dioxin nào bị bỏ lại phía sau”, góp sức để “nỗi đau da cam” thật sự lùi xa khỏi đời sống của người dân thành phố Cảng…