Bánh chưng làng Đầm vào vụ Tết

NDO - Về làng Đầm thôn Bích Trì, xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận hương vị Tết đặc trưng từ những nồi bánh chưng đang đỏ lửa, từ sự tất bật, khẩn trương của những người thợ trong làng đang tập trung hoàn thiện các công đoạn để cho ra những chiếc bánh chưng thơm ngon, trọn vị cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Các hộ làm bánh chưng làng Đầm đang hoàn thiện các công đoạn gói bánh.
Các hộ làm bánh chưng làng Đầm đang hoàn thiện các công đoạn gói bánh.

Là một trong những gia đình làm nghề gói bánh chưng lâu năm trong làng Đầm, gia đình bà Hoàng Thị Dung ngày thường chỉ gói khoảng 100 chiếc bánh, nhưng vào dịp Tết thì số lượng đã tăng lên gấp nhiều lần.

Vừa thoăn thoắt gói bánh, bà Hoàng Thị Dung vui vẻ chia sẻ: Ngày thường thì gia đình tôi chỉ gói khoảng 100 bánh cho khách quen. Nhưng vào những ngày Rằm, mùng Một hay những dịp lễ, Tết, nhất là khoảng thời gian từ ngày 14 tháng Chạp trở đi lượng khách đặt mua bánh chưng tăng đột biến. Mỗi ngày gia đình tôi phải gói khoảng vài trăm bánh, phải thuê thêm người gói, thức trắng đêm luộc bánh để kịp giao hàng cho khách.

Bánh chưng làng Đầm vào vụ Tết ảnh 1

Mỗi ngày có hàng nghìn chiếc bánh chưng được hoàn thành cung cấp ra thị trường.

Người dân trong làng Đầm không nhớ là nghề gói bánh chưng của làng có từ bao giờ, chỉ biết rằng cùng với nghề làm bún, làm bánh phở thì nghề gói bánh chưng đã có từ rất lâu rồi và họ luôn tự hào với nghề của làng mình.

Không ai bảo ai, nhưng những người thợ gói bánh của làng vẫn giữ gìn cách gói bánh xưa, tỉ mẩn và kỹ càng từng công đoạn. Bánh được người thợ gói bằng tay, không dùng khuôn, không dùng một hóa chất nào cho vào chọn nguyên liệu.

Bí quyết để làm được những chiếc bánh chưng ngon chuẩn vị truyền thống thì khâu lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng.

Gạo nếp- nguyên liệu chính của bánh được chọn mua kỹ lưỡng, thường là gạo nếp cái hoa vàng Hải Hậu. Đỗ xanh mẩy hạt, nguyên vỏ người thợ tự tay ngâm và đãi vỏ đỗ thì đỗ mới bở và giữ được mùi thơm. Khi ngâm gạo phải dùng nước mưa để giữ được màu xanh đặc trưng của bánh khi chín. Thịt lợn ba chỉ loại tươi ngon, lá dong bánh tẻ.

Hầu hết người làng Đầm đều gói bánh chưng rất điệu nghệ theo cách riêng, không dùng khuôn mà chỉ mất 2 đến 3 phút là hoàn thành một chiếc bánh vuông vức, bằng chằn chặn.

Ở làng Đầm, nhà nào làm bánh chưng cũng có bể lớn chứa nước mưa, đủ cung cấp cho việc luộc bánh quanh năm. Công đoạn luộc bánh cũng lắm công phu, người thợ phải giữ đều lửa, sôi đủ 11 đến 12 giờ.

Trong khi luộc, người thợ phải canh chừng bếp để điều chỉnh nhiệt độ vừa đủ giữ cho nồi bánh luôn được sôi đều, khi hết nước phải thêm nước, không để bánh bị khê… Khi vớt bánh phải xếp và ép bánh làm sao cho vuông thành sắc cạnh và ráo nước nhanh. Bánh chín dền, dẻo, thơm ngậy giữ được vị ngon truyền thống.

Bánh chưng làng Đầm vào vụ Tết ảnh 2

Bánh chưng làng Đầm đều được gói vo bằng tay, bánh vuông vức và chặt tay.

Đã có thâm niên mấy chục năm gắn bó với nghề gói bánh chưng của làng Đầm, ông Phạm Văn Luân cho rằng: Ngày Tết cổ truyền của dân tộc không nhà nào là thiếu bánh chưng cả. Xã hội bây giờ không phải ai cũng biết gói bánh chưng, và muốn gói bánh vì cũng mất nhiều công đoạn. Nhưng trong dịp Tết, gia đình nào cũng cần vài ba chiếc bánh. Vì thế mà trong dịp này, chúng tôi gói số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu. Có ngày nhà tôi gói đến cả vài tạ gạo nếp mới đủ hàng trả đơn cho khách.

Làng Đầm đã được công nhận làng nghề truyền thống từ hơn 10 năm trước. Hiện, làng Đầm có khoảng 30 gia đình làm nghề gói bánh chưng. Trong dịp lễ, Tết mỗi ngày cung cấp hàng nghìn chiếc chưng ra thị trường. Nghề gói bánh chưng đã giúp nhiều hộ dân làng Đầm có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống riêng có của dân tộc, nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về.