Còn nguyên mùi bánh chưng Tết xưa

Cảm giác háo hức chờ Tết năm xưa vẫn vẹn nguyên trong tôi. Hồi hộp, nôn nao khi những chiếc bánh chưng bốc hơi nghi ngút lần lượt được bố vớt ra xếp thành hàng ngay ngắn, ép cho ráo nước, đúng lúc Giao thừa vừa tới.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: KHIẾU MINH
Ảnh: KHIẾU MINH

1/Ngày trước, các gia đình lựa chọn gói riêng hoặc đóng góp nguyên liệu, công sức để gói chung nồi bánh. Ở một số cơ quan, đơn vị, khu tập thể, xóm thôn, từng nhóm phân công, cắt cử nhau quây quần gói bánh rồi lèn chặt vào những chiếc thùng phuy to đùng, nhóm lửa đun nấu. Khi thành phẩm đã chín, mọi người hào hứng tụ tập cùng phân chia bánh, tiếng cười nói vang vọng không gian.

Xóm tôi, có hai chị em không may mồ côi cha mẹ từ sớm, được rèn giũa ý thức tự lập từ nhỏ nên dù mọi người rất nhiệt tình rủ gói chung bánh chưng nhưng vẫn một mực từ chối. Hai chị em tự tay tất tả gói cả buổi được bốn chiếc bánh xinh xắn đem luộc. Củi đun giữa chừng thì hết, cậu em rút rơm khô đem vào cho chị hì hụi nấu bánh suốt đêm. Để hai chị em nhà kia đỡ buồn tủi, chị tôi sang ngồi đun cùng.

Nhà tôi đông người nên bố mẹ thường gói bánh riêng thì mới đủ dùng trong mấy ngày Tết. Nguyên liệu làm nên chiếc bánh chưng gồm những thứ sản phẩm của nhà nông: gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu, lá dong, lạt giang. Ấy thế mà để có được nồi bánh tươm tất, mẹ tôi đã phải kỳ công chuẩn bị chu đáo ròng rã cả tháng. Thứ nào của nhà làm ra được thì dành dụm mẻ ngon nhất cất kỹ, còn nếu phải đi mua thì chắt chiu sắm sửa dần dần, tỉ mỉ từng ít một.

Nếp cái hoa vàng nhà tôi được cấy ở những thửa ruộng trũng, màu mỡ, hạt mẩy chắc, nhưng vào các năm có mưa lũ, thường bị ngập lụt mất trắng hoặc thất thu. Tôi nhớ rất rõ, vào vụ mùa năm đó, mưa trắng xóa cánh đồng, thửa ruộng ngập sâu, bố và anh tôi phải bơi thuyền ra ruộng chới với lặn ngụp cố vớt vát những bông lúa nếp thoi thóp trong nước. Hạt thóc ẩm mốc, gạo nếp bị hỏng không thể gói bánh được, năm ấy, mẹ tôi phải để dành tiền đong gạo ngoài chợ.

Đỗ xanh trồng ở ngoài mảnh ruộng đất bãi ven đê thoáng đãng hạt nhỏ, ruột óng vàng, chiều chiều mẹ khom lưng hái về phơi khô cất kỹ vào chai lọ. Khi chuẩn bị gói bánh thì đem ra nhặt bỏ các hạt lép hoặc bị sâu mọt còn sót lại, đổ lên thớt gỗ, rồi dùng vỏ chai thủy tinh lăn qua lăn lại vừa tay cho vỡ mảnh nhưng không bị vụn, rồi đem ngâm nước, vo sạch, đồ chín. Thịt lợn dùng làm nhân bánh không có sẵn mà phải chờ được hợp tác xã mổ lợn chia theo nhân khẩu. Hạt tiêu mua ngoài chợ, về nhà rang đều lửa, tỏa hương thơm lừng thì đem giã nhỏ để ướp thịt.

Khung cảnh mổ lợn ồn ào, náo nhiệt chẳng hề thua kém cảnh tượng cùng nhau gói bánh chưng. Cả xóm xúm lại mổ chung một con lợn, rồi phân chia đều đặn từ những bộ phận nhỏ nhất. Hồ hởi nhận khẩu phần thịt tươi rói vừa được bố mang về, mẹ lựa ra những miếng vuông vắn, ngon lành để làm nhân bánh chưng.

Chất đốt nấu bánh chưng đã được chuẩn bị trước Tết khá lâu. Tranh thủ lúc rảnh rỗi ngoài công việc đồng áng, bố cặm cụi dùng chiếc búa chim bằng sắt nặng trịch bổ củi gộc ở rặng tre ngoài bờ ao. Bổ được đến đâu, bố giao nhiệm vụ cho anh em tôi lễ mễ bê củi về sân phơi phóng, cuối ngày lại bê vào chất đống, đậy điệm cẩn thận, cứ thế phơi đi phơi lại cho đến khi củi khô nỏ thì thôi.

Thứ không thể thiếu nữa của công đoạn gói bánh chưng là lá dong và lạt giang. Lá dong thường mẹ mua ngoài chợ vào dịp giáp Tết, có năm khan hiếm, lá chỉ đủ bao phủ bên ngoài, đôi khi phải tận dụng thêm lá chuối tươi để độn bên trong chiếc bánh. Ống giang do người buôn lấy ở miền rừng núi về bán, đã chặt sẵn từng đoạn có độ dài vừa đủ buộc chiếc bánh, mang về pha thành sợi lạt mảnh dẻ để dùng.

2/Công việc cuối năm bộn bề nên theo thường lệ đến tận ngày 30 Tết, nhà tôi mới sửa soạn gói bánh. Chúng tôi được giao nhiệm vụ mang lá dong ra cầu ao rửa, lau khô. Anh, chị tôi lớn hơn thì đem gạo nếp đã ngâm sẵn đi vo sạch. Mẹ lúi húi đồ đỗ xanh, khi đỗ chín mẹ dẻo tay đánh xéo cho nhuần nhuyễn, đổ ra chiếc mẹt tre cời bớt hơi nóng, rồi thoăn thoắt nặn từng miếng tròn trịa.

Mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, tất cả nguyên liệu bày biện ngăn nắp trên chiếc nia rộng rãi, bố tôi bắt đầu lụi cụi ngồi gói bánh chưng, không cần khuôn. Đôi tay bố thoăn thoắt xếp lá dong, đổ gạo một lớp bên dưới, dàn đỗ xanh đã đồ chín, đặt miếng thịt ở giữa, lại đổ gạo lên bên trên, gấp các đầu lá dong gói lại vuông vắn, rồi buộc chặt bằng hai sợi lạt giang óng ả. Trong lúc nhanh tay làm lụng, thỉnh thoảng bố dừng lại hướng dẫn anh em chúng tôi gói thử. Chúng tôi loay hoay vật vã với chiếc bánh méo mó, xộc xệch, nhiều khi bố tôi phải dỡ tung hết ra để gói lại cho vuông vức. Cuối buổi, thế nào cũng sót lại chút nguyên liệu thừa, bố để cho đôi tay vụng về của chúng tôi gói thêm mấy chiếc bánh kẹ bé nhỏ, xinh xinh.

Đống bánh chưng ngồn ngộn đã được gói xong, bố bắt đầu xếp tuần tự vào chiếc nồi quân dụng to bè. Dưới đáy nồi, bố đặt lổng chổng cuống lá và đám dong già bỏ đi, đề phòng bánh bị xít nồi khê cháy, rồi đổ nước vào và bắt đầu nhóm lửa. Chẳng mấy chốc, nồi bánh chưng sôi ùng ục, bố mẹ tôi quay sang tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa. Anh em tôi được cắt cử trông nom nồi bánh. Khi nào nghe tiếng sôi trong nồi ràn rạt, khô khan thì phải kịp thời chêm thêm nước lã để bánh chín đều. Chúng tôi trải chiếu dưới góc bếp, xúm xít quanh nồi bánh, chuyện trò rôm rả, thỉnh thoảng dỏng tai nghe bố mẹ kể chuyện thời xa lắc, xa lơ. Trời khuya dần, để chống buồn ngủ, chúng tôi lấy tam cúc ra chơi vui, thế mà hai mắt cứ dần nhắm tịt lại, đứa nào đứa ấy nằm ngủ lăn lóc lúc nào không hay.

Rồi trong giấc ngủ chập chờn, xen lẫn tiếng pháo nổ lộp độp, bố lay gọi chúng tôi tỉnh giấc để vớt bánh. Bếp đã được tắt lửa, chỉ còn sót lại đám than đỏ rực, vung nồi mở ra bốc hơi nghi ngút, hương thơm của những chiếc bánh chưng lan tỏa chung quanh.

3/Những năm sau này, cuộc sống dần khấm khá hơn, không còn phải chật vật chuẩn bị nguyên liệu và việc gói bánh chưng thường được khởi động sớm. Có năm, nhà tôi còn gói hai nồi bánh, cả trước và sau Tết để bánh tươi ngon hơn.

Ngày nay, cơ chế thị trường rộng mở, hàng hóa dồi dào, bánh chưng bày bán khắp các khu chợ, trung tâm thương mại, vì thế khách hàng mặc sức lựa chọn. Phương thức mua bán cũng hết sức thuận tiện, linh hoạt, ngồi ở nhà, ta có thể lên mạng đặt hàng không dùng tiền mặt mà thanh toán tức thì qua tài khoản, rồi đội quân “síp-pơ” sẽ giao bánh đến tận nơi. Bánh chưng ở một số làng nghề sản xuất đại trà từng lô bánh đều chằn chặn đem bọc hút chân không để có thể theo chân các chuyến bay vươn xa phục vụ kiều bào ta ở nước ngoài đón Tết. Thôn Tân Hà, thuộc làng bánh chưng truyền thống Chanh Khúc, ngoại thành Hà Nội, ở cách làng tôi chỉ một cánh đồng và con kênh nhỏ, cứ đến mùa Tết lại rộn ràng khung cảnh gói bánh chưng đem đi tiêu thụ khắp tứ xứ. Không khí những ngày giáp Tết ở đây đặc quánh mùi gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn đã được ninh chín dền trong những chiếc nồi luộc bánh quá cỡ đun bằng điện sạch sẽ. Hương vị bánh chưng rất đỗi thân quen cứ lan tỏa ngào ngạt quanh đây, báo hiệu Tết Nguyên đán háo hức đang gõ cửa mỗi nhà!