Bản Mạ thoát nghèo nhờ cây thông Mã vĩ

Bản Mạ, bản giáp biên cũng là bản tận cùng của xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Người dân nơi đây coi cây thông Mã vĩ là “vàng xanh” của rừng. Nhờ vậy, Bản Mạ bốn mùa bạt ngàn mầu xanh, tươi tốt của cây thông Mã vĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Kỳ Dùng Phú ở thôn Bản Mạ, Bắc Xa, Đình Lập (Lạng Sơn) kiểm tra chất lượng nhựa thông trước khi đem bán.
Ông Kỳ Dùng Phú ở thôn Bản Mạ, Bắc Xa, Đình Lập (Lạng Sơn) kiểm tra chất lượng nhựa thông trước khi đem bán.

Ông Kỳ Dùng Phú, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư, (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Xa), bồi hồi nhớ lại: Năm 1968, tôi làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Bản Mạ. Xã Bắc Xa ngày đó còn cách trở, khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm, vì chưa có đường, điện, trường, trạm... Người dân muốn ra thị trấn huyện cũng phải mất ít nhất hai ngày.

Mọi thứ mang theo phải dùng sức người, sức ngựa vận chuyển. Cả thôn, bản chỉ toàn rừng núi, ruộng ít, mương nhiều, chỉ trồng được cây sắn, cây ngô, cuộc sống người dân quanh năm đói kém.

Mãi đến năm 1991, khi Nhà nước có chủ trương trồng rừng ở đầu nguồn sông Kỳ Cùng và thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng, ông Kỳ Dùng Phú lúc này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Xa, đã vận động bà con thôn Bản Mạ xung phong nhận 30 ha đất để trồng rừng. Nhờ có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng cho nên bà con hưởng ứng rất nhiệt tình.

Ông Phú là người đầu tiên học được quy trình ươm giống cây thông. Một trạm ươm giống cây thông ra đời ở Bản Mạ, nhưng phải vất vả hơn 10 năm cây thông mới cho nhựa, bà con trong bản đem nhựa thông sang chợ giáp biên với Trung Quốc đổi lấy phân bón, hàng tiêu dùng... Thấy Bản Mạ có thu nhập từ cây thông, người dân các thôn, bản khác trong xã Bắc Xa học tập và làm theo.

Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Kỳ Dùng Phú đã trồng được hơn 15 ha thông đang cho khai thác, mỗi năm thu từ 10 đến 12 tấn nhựa thông, gia đình ông Phú cũng có rừng hồi hơn 2 ha đã cho thu hoạch. Hai nguồn thu này giúp gia đình ông Kỳ Dùng Phú có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, trở thành người giàu nhất ở Bản Mạ.

Bây giờ cây thông được người dân coi như báu vật, vì rừng mang lại cuộc sống ấm no cho bà con các dân tộc nơi đây. Cũng nhờ rừng thông mà nhiều hộ gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, con em được đến trường... Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bản Mạ Kỳ Văn Bình cho biết: Trong thôn hiện có 19 hộ gia đình với 100 nhân khẩu, hầu hết là bà con dân tộc Nùng, Tày..., bình quân mỗi hộ gia đình trong thôn đều trồng, quản lý, chăm sóc từ 15-20 ha thông, hồi..., mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên. Các hộ gia đình trong thôn đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, có phương tiện đi lại, điện lưới thắp sáng, đường ô-tô đến tận bản, con em đều được đi học, cả thôn không còn hộ nghèo...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Xa Tô Đức Sơn vui mừng cho biết: Xã hiện có hơn 11.000 ha thông, trung bình mỗi hộ trồng từ 10-20 ha, nhiều hộ trồng khoảng 40 ha, trong đó diện tích rừng thông đã cho khai thác chiếm khoảng 25%. Ngoài việc xác định cây thông là cây chủ lực, người dân xã Bắc Xa còn trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chỉ sau hai năm triển khai xã đã có hơn 75 ha cây sa nhân, ba kích, bước đầu người dân đã có thu nhập.

Không chỉ đẩy mạnh trồng rừng, một số hộ dân trong xã Bắc Xa còn mạnh dạn đầu tư thành lập các tổ sản xuất, chế biến gỗ. Điển hình như hộ gia đình anh Chu Văn Tý, ở thôn Khuổi Sâu, đầu tư thiết bị máy móc, mở xưởng chế biến gỗ thông. Từ năm 2018 đến nay, xưởng chế biến gỗ của gia đình tạo việc làm cho 30 lao động, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có kinh tế ổn định, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và sự đóng góp của người dân, cuối năm 2018, xã Bắc Xa là xã thứ ba của huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây thật sự là một kỳ tích ở xã vùng cao giáp biên này.