Hội thảo tập trung đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, tiếp tục nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hỗ trợ tạo việc làm của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); đồng thời, đánh giá các quy định pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm năm 2013.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, tính đến ngày 31-10, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm gần 30 nghìn tỷ đồng, với hơn 2,8 triệu lượt khách hàng vay vốn, giúp cho hơn 4,3 triệu người được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được khách hàng sử dụng hiệu quả, nợ quá hạn của nguồn vốn là 44 tỷ đồng, bằng 0,15% tổng dư nợ. Trong tổng số vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm 4.564 tỷ đồng; nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động đạt 11.584 tỷ đồng và nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là 13.733 tỷ đồng.
Đối với bảy tổ chức chính trị-xã hội tham gia thực hiện chương trình gồm: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã đã giúp hội viên, đoàn viên, thành viên thuận lợi tiếp cận vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục việc làm Nguyễn Thị Quyên chia sẻ, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, ngày 11-4-1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình.
Qua 28 năm hình thành và phát triển, đến nay, Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động.
Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 8-11-2020) với sáu nội dung sửa đổi lớn về mức vốn, lãi suất vay, thời hạn vay, điều kiện bảo đảm tiền vay, thủ tục cho vay và phân bổ nguồn vốn bổ sung cho quỹ nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho Ngân hàng CSXH tăng cường các nguồn lực huy động, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho đối tượng vay, góp phần hạn chế nạn “tín dụng đen”.
Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần quan trọng hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần hiệu quả trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, do đó, hiệu quả tạo việc làm, hiệu quả vốn đầu tư thấp; đối tượng được vay chủ yếu là các gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận được nguồn vốn còn ít; tổng nguồn vốn còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu cần vay rất lớn của doanh nghiệp, người lao động.
Chia sẻ bất cập trong quy định cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, bà Hoàng Thị Chương, Phó Trưởng Ban tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng CSXH, cho hay, theo quy định tại Luật Việc làm, nơi thực hiện dự án và nơi cư trú của người lao động phải cùng thuộc địa bàn một xã. Nhưng thực tế, có nhiều lao động ở xã này, lại có dự án đầu tư ở xã khác thì không vay được vốn theo chương trình này, đó là một nội dung cần thay đổi trong Luật Việc làm 2013.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tham luận, thảo luận, đánh giá hiệu quả, kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm tại địa phương; phân tích những hạn chế, khó khăn gây hạn chế hiệu quả nguồn vốn, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn, trong đó, nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm. Nhiều kiến nghị cũng đề cập nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm năm 2013 cho phù hợp thực tiễn.