Bám sát thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh cho người dân

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua và sẽ sớm đi vào thực tế cuộc sống của người dân. Việc Quốc hội lựa chọn xem xét, biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 đã cho thấy Quốc hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống, của ngành y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần ở Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. (Ảnh: nhandan.vn)
Điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần ở Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. (Ảnh: nhandan.vn)

Qua đó, góp phần để ngành y thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh, trong đó hỗ trợ các bệnh viện công lập có thể giảm bớt khó khăn đã và đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có những tác động rất lớn tới công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cũng như việc khám, chữa bệnh thực tế của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, để Luật thật sự phát huy hiệu quả và mong đợi, các cơ quan chức năng, người dân cần tiếp tục quan tâm những vấn đề có thể phát sinh để tiếp tục rà soát và có hướng khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Trong quá trình xây dựng Luật những năm qua, một trong những nội dung được quan tâm là việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện, chất lượng hành nghề. Trong đó, một trong những công cụ để kiểm soát là quy định cụ thể các trình tự, thủ tục hành chính, các yêu cầu về khám, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính trong quản lý dịch vụ khám, chữa bệnh ở một số nội dung, như: Kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề, điều chỉnh chứng chỉ hành nghề, gia hạn chứng chỉ hành nghề, thử lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh…

Tuy nhiên, đây mới chỉ là các thủ tục hành chính có liên quan giữa cơ quan nhà nước và cơ sở khám, chữa bệnh. Trong thực tế, việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh lại đang là vấn đề rất được quan tâm. Vì khi có nhu cầu chữa bệnh, khám bệnh, việc nhập viện cũng như xuất viện khiến người nhà hay người bệnh gặp phải nhiều thủ tục, thời gian làm các thủ tục rất lâu.

Trong thực tế, việc rút ngắn thủ tục hành chính giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh lại đang là vấn đề rất được quan tâm. Vì khi có nhu cầu chữa bệnh, khám bệnh, việc nhập viện cũng như xuất viện khiến người nhà hay người bệnh gặp phải nhiều thủ tục, thời gian làm các thủ tục rất lâu.

Có giấy tờ, thủ tục tại các bệnh viện lớn, một người nhà của người bệnh phải xếp hàng, chờ đợi ba đến bốn giờ đồng hồ vẫn chưa xong. Vì vậy, đây là một nội dung cần được các cơ sở y tế, nhất là những nơi có đông người bệnh và người nhà đến thăm khám lưu tâm, xử lý kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng hơn nữa cho việc làm các thủ tục nhập và xuất viện.

Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay còn khoảng 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, phần lớn trong số họ là những người có thu nhập trung bình thấp, không ổn định và cơ sở khám, chữa bệnh công lập là nơi chủ yếu mà họ sẽ đến khi cần khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…

Đây sẽ là nhóm đối tượng cần được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bởi đối với các dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài phạm vi bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập thì mức chi phí y tế sẽ vượt quá khả năng của những người dân; nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhưng không thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh có nhiều quy định liên quan các luật khác nhau, như: Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Đấu thầu, Luật Giá... Vì vậy, sự thống nhất, hỗ trợ, bổ sung cho nhau của các luật nêu trên là rất quan trọng đối với quá trình triển khai công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Những quy định trùng lặp, chưa thống nhất, khác nhau cần được rà soát, xử lý kịp thời để bảo đảm sự thông suốt, không trùng chéo…■