Bài toán tài chính và biên chế cho các cơ sở y tế tại Nghệ An

Thời gian gần đây, ngành y tế tỉnh Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tự chủ tài chính gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách cũng như đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ ở Bệnh viện đa khoa TP Vinh. Ảnh: MỸ HẠNH
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ ở Bệnh viện đa khoa TP Vinh. Ảnh: MỸ HẠNH

Khó khăn tinh giản biên chế

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Dương Ðình Chỉnh cho biết: Ngành y tế Nghệ An đang tập trung sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập các đơn vị, đầu mối theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương đề ra. Trong hai năm qua, ngành y tế đã giảm 11 đơn vị thuộc sở trên cơ sở hợp nhất trung tâm y tế 10 huyện với 10 bệnh viện (BV) đa khoa tuyến huyện; sáp nhập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần vào BV Tâm thần Nghệ An; ngoài ra giải thể 14 phòng khám đa khoa khu vực do hoạt động không hiệu quả. Chỉ tính riêng việc hợp nhất 10 trung tâm y tế với các BV, không chỉ giảm được 10 đầu mối mà còn giảm được 332 biên chế và quan trọng nhất là tập trung được nguồn lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo bác sĩ Hồ Sơn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Ðàn, việc thống nhất một đầu mối quản lý về chuyên môn từ xã lên huyện đã giúp công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân và việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế thuận tiện, nhịp nhàng và hiệu quả hơn. Nhiều trang thiết bị cấp cho trung tâm y tế huyện trước đây chưa được khai thác hiệu quả thì nay đã được phát huy; đồng thời huy động tối đa lực lượng để làm công tác phòng, chống dịch bệnh khi cần thiết.

Theo lộ trình, trong hai năm 2019 -2020, ngành y tế Nghệ An sẽ thực hiện bốn đề án, trong đó có hai đề án lớn là sáp nhập trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện, thị, thành vào trung tâm y tế huyện và thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (trên cơ sở sáp nhập sáu đơn vị thuộc hệ thống dự phòng). Sau khi sắp xếp lại, tổ chức bộ máy sẽ giảm 37 đầu mối. Song song với đó, từ nay đến năm 2021, sẽ tăng các đơn vị khám, chữa bệnh (KCB) thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên, chuyển 520 biên chế hưởng lương ngân sách sang đơn vị tự trả lương; giảm 68 cấp phó. Lĩnh vực dự phòng tăng dần mức độ tự chủ hằng năm; đồng thời, giảm 10% số biên chế so với năm 2015 đối với các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng. Số biên chế này điều chỉnh bổ sung tăng cho các đơn vị KCB quá tải về số giường bệnh (đơn vị chưa tự chủ chi thường xuyên)… Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Ðình Chỉnh khẳng định: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm phải làm cho bằng được trong thời gian tới.

Nghệ An có 12 trong số 21 trung tâm y tế huyện thực hiện hai chức năng vừa KCB vừa thực hiện công tác y tế dự phòng, sắp tới sáp nhập thêm phần dân số - kế hoạch hóa gia đình dễ dẫn đến tình trạng các đơn vị này tập trung vào mảng KCB mà xem nhẹ mảng dự phòng và dân số, nhất là khi được giao tự chủ tài chính. Theo đó, cơ chế tự chủ tài chính sẽ giao cho phần KCB, còn phần dự phòng và dân số thì ngân sách vẫn phải cấp, dẫn đến công việc, thu nhập giữa cán bộ, nhân viên người lao động trong một đơn vị sẽ không đồng đều. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ dân số có trình độ y tế ít và yếu, khi nhập vào sẽ khó khăn khi hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, mô hình hoạt động cũng chưa rõ ràng vì chưa có hướng dẫn của cấp trên về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm y tế huyện khi sáp nhập thêm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Việc sáp nhập sáu đơn vị thuộc hệ thống dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng sẽ dôi dư nhiều cán bộ từ cấp phó và những người làm công tác hành chính, phục vụ… Khi mới sáp nhập, việc thực hiện từng nhiệm vụ, bộ phận bước đầu gặp khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ðáng chú ý, khi sáp nhập, cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối, trong lúc cấp T.Ư lại nhiều đầu mối cho nên hoạt động khó hiệu quả.

Ðể giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, đòi hỏi ngành y tế Nghệ An phải tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, quán triệt các chủ trương, chính sách về kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế; làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động. Các đơn vị hợp nhất phải sớm xây dựng đề án vị trí, việc làm phù hợp; có phương án giải quyết số lao động dôi dư cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp cho số viên chức dân số huyện chuyển sang. Cần lựa chọn được người đứng đầu, thật sự có tâm, có tầm, năng động thì mới phát huy được tính tích cực, chủ động của các đơn vị sau khi sáp nhập, nhất là các trung tâm y tế đa chức năng…

Bài toán tự chủ tài chính

Bên cạnh tập trung tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy việc thực hiện tự chủ tài chính tại các BV công lập tại Nghệ An đã tạo ra tác dụng kép, vừa giảm được biên chế vừa tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng KCB. Muốn thu hút được người bệnh, các BV phải thay đổi toàn diện, từ chất lượng KCB đến cách ứng xử, giao tiếp.

BV đa khoa TP Vinh là đơn vị tiên phong của ngành y tế Nghệ An thực hiện tự chủ tài chính. Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc BV chia sẻ: Nhờ tự chủ tài chính, BV có điều kiện phát triển cơ sở vật chất và thiết bị y tế hiện đại. BV đã hoàn thành năm trong bảy tiêu chí "bệnh viện thông minh", góp phần tạo bước đột phá trong hoạt động KCB, nhất là tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận những dịch vụ kỹ thuật cao. Cơ chế tự chủ tài chính giúp BV giải bài toán nhân lực, có điều kiện thu hút bác sĩ giỏi về làm việc và thực hiện kế hoạch phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu… Ba năm trước, BV chỉ có 50 bác sĩ, nay đã tăng lên 150 người, trong đó có 10 bác sĩ nội trú, 22 bác sĩ tốt nghiệp bằng giỏi. Nhiều bác sĩ được gửi đi đào tạo, nâng cao trình độ và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến T.Ư, theo hình thức cầm tay chỉ việc...

Nhờ đó, đến nay, BV đa khoa TP Vinh đã làm chủ nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu như: phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối; kỹ thuật siêu lọc trong lọc máu nhân tạo... Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyển sang tư duy phục vụ, tạo sự hài lòng cho người bệnh. Hiện, trung bình mỗi ngày BV thực hiện khám cho 2.000 người bệnh ngoại trú và điều trị nội trú cho khoảng từ 650 đến 700 người bệnh; tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn khoảng 1%… góp phần giảm tải cho BV tuyến trên. Với kết quả đạt được và lộ trình đã đề ra, đến năm 2020, BV đa khoa TP Vinh sẽ tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư, hoạt động giống như mô hình doanh nghiệp.

Tương tự, BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều thay đổi lớn nhờ sự góp sức của tự chủ tài chính. BV chủ động trong việc thực hiện các kế hoạch, nhất là tuyển dụng nhân sự, thành lập các phòng, khoa mới theo yêu cầu; hợp đồng thuê chuyên gia, bác sĩ đầu ngành tuyến T.Ư để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao. BV hiện có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, trong đó gần 50% có trình độ sau đại học, làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên môn cao như: Phẫu thuật tim mạch, thụ tinh nhân tạo… BV đang phấn đấu trở thành BV khu vực Bắc Trung Bộ.

Không chỉ các BV trên địa bàn TP Vinh, mà cả các BV ở vùng đồng bằng như các huyện: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thanh Chương đến vùng miền núi như Con Cuông, Nghĩa Ðàn… đều thực hiện tự chủ tài chính gắn với đổi mới tinh thần thái độ phục vụ, cải cách thủ tục hành chính. Sự đổi mới một cách rõ nét về mọi mặt ở các BV đã được người dân đánh giá cao. Nhờ tự chủ tài chính, sau hơn hai năm, Nghệ An đã có 10 BV tuyến tỉnh và năm BV tuyến huyện dứt "bầu sữa" ngân sách nhà nước, giảm chi ngân sách hơn 429 tỷ đồng; cùng với đó, giảm 4.238 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Rõ ràng, tự chủ tài chính đã xóa bỏ cơ chế xin, cho tạo nên sự công bằng, hiệu quả.