Bài toán khó của y tế châu Âu

Sự thiếu hụt về nhân lực, thuốc thiết yếu và nguy cơ cao từ các bệnh không lây nhiễm đang đặt ra thách thức với ngành y tế của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Nhằm thúc đẩy nỗ lực tìm giải pháp cho các bài toán nan giải này, giới chức châu Âu vừa qua nhóm họp tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Y tế EU diễn ra ở thủ đô Brussels của Bỉ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức ngày 28/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức ngày 28/4/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra áp lực chưa từng có và phơi bày “lỗ hổng” trong ngành y tế của các nước thành viên EU.

Các hệ thống y tế tại EU phải đối mặt những khó khăn về nhân lực, như sự thiếu hụt và phân bổ không đồng đều hay kỹ năng của nhân viên y tế chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và sự tiến bộ của công nghệ.

Thách thức này đòi hỏi các hành động không chỉ ở cấp quốc gia, mà cần cả sự phối hợp của khu vực và quốc tế. Thực tế cho thấy, các nước thành viên đang tiến hành những chiến lược riêng, song EU vẫn đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, thông qua các công cụ tài trợ và khuôn khổ pháp lý.

Tại Hội nghị ở Brussels vừa qua, với đề xuất của Bỉ là nước hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, bộ trưởng y tế các nước thành viên thảo luận về ý tưởng xây dựng một chiến lược toàn diện về nguồn nhân lực ngành y của EU, trong đó tập trung đào tạo, xây dựng kế hoạch và cải thiện quy định liên quan nhằm đáp ứng những yêu cầu mới.

Một trong những nội dung quan trọng khác được bàn thảo tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Y tế EU là về các bệnh không lây nhiễm, như tiểu đường, tim mạch, ung thư… Đây được xem là những căn bệnh gây ra phần lớn ca tử vong ở châu Âu.

Nhiều sáng kiến đã được EU đưa ra nhằm tăng cường phòng chống các căn bệnh này. Kể từ khi được khởi động vào tháng 2/2021, kế hoạch tập trung phòng ngừa ung thư ở châu Âu EBCP đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế thói quen sử dụng rượu, bia và thuốc lá, cũng như ăn uống không lành mạnh của người dân.

Tuy nhiên, chính sách của mỗi quốc gia thành viên lại có sự khác biệt đáng kể liên quan tiêu thụ thực phẩm và thuốc lá, cản trở nỗ lực chung của khối. Để EU có thể đóng vai trò then chốt giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các bệnh không lây nhiễm, sự tham gia và hợp tác tích cực từ các nước thành viên rất cần thiết.

Tình trạng thiếu các loại thuốc thiết yếu là mối bận tâm của giới chức EU thời gian qua. Các nước thành viên triển khai những biện pháp ngắn hạn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt thuốc, trong khi thúc đẩy một số chiến lược trung và dài hạn để củng cố chuỗi cung ứng thuốc.

Thông qua Hội nghị ở Brussels, bộ trưởng y tế các nước thành viên trao đổi về những bước tiếp theo nhằm tháo gỡ khó khăn ở cấp EU, trong đó có hợp tác về định giá, mua sắm và dự trữ thuốc.

Bên lề Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Y tế EU, Cơ quan ứng phó và chuẩn bị cho tình trạng y tế khẩn cấp (HERA) của Ủy ban châu Âu (EC) phối hợp Bỉ chính thức ra mắt Liên minh thuốc thiết yếu.

Theo Ủy viên y tế và an toàn thực phẩm của EU Stella Kyriakides, Liên minh thuốc thiết yếu được ra đời nhằm bảo đảm công dân của khối luôn có thể tiếp cận các loại thuốc cần thiết.

Theo bà Kyriakides, EC sẽ tập trung giải quyết những “khoảng trống” trong chuỗi cung ứng thuốc thông qua các đề xuất, như tăng cường năng lực sản xuất thuốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng quốc tế.

Với khoảng 250 thành viên đã đăng ký tham gia, Liên minh thuốc thiết yếu được kỳ vọng sẽ nhận được nguồn lực, cũng như sự hỗ trợ về chuyên môn, từ các cơ quan liên quan thuộc các nước thành viên, các công ty và tổ chức đại diện ngành công nghiệp dược phẩm, chuyên gia y tế…

Được xây dựng để trở thành một cơ chế tham vấn toàn diện và minh bạch, Liên minh thuốc thiết yếu sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân châu Âu.