Hơn 20 năm qua, bài toán này vẫn chưa có lời giải thấu đáo. Rừng giữ tốt nhưng thu ngân sách thấp nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao, có tới hai huyện đặc biệt khó khăn.
Bài toán từ thực tiễn
Bắc Kạn hiện đứng thứ 31 trên cả nước về tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp hơn 417.000ha, chiếm 86% tổng diện tích cả tỉnh. Diện tích đất sản xuất chỉ chiếm hơn 3% diện tích tự nhiên.
Với dân số hiện tại, bình quân mỗi người dân Bắc Kạn sẽ có gần 1,5ha rừng. Với 266 kiểm lâm hiện có, trung bình mỗi kiểm lâm viên sẽ phải quản lý khoảng 15.000ha rừng. Tuy nhiên, những diện tích “rừng vàng” này lại chưa đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng cho người dân và địa phương.
Mức khoán bảo vệ rừng hiện rất thấp. Đối với xã khu vực II, khu vực III được khoán 400.000đồng/ha/năm; xã khu vực I khoán 300.000 đồng/ha/năm. Ban quản lý rừng đặc dụng được cấp 100.000 đồng/ha/năm. Cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm rừng đặc dụng được hỗ trợ 40 triệu đồng/năm. Đến nay, Bắc Kạn vẫn còn nợ khoảng 50 tỷ đồng kinh phí khoán bảo vệ rừng của người dân vì không có tiền chi trả.
Trưởng thôn Thẳm Mu, xã Văn Lang (Na Rì) Bàn Văn Quốc cho biết, mức khoán như vậy là quá thấp. Người dân luôn hết lòng giữ rừng nhưng lại không biết làm việc gì khác khi mà bước ra khỏi thôn là chạm tới rừng.
Bắc Kạn hiện có khoảng 15.000ha rừng tự nhiên không có khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng. Những diện tích này phần lớn đã giao cho người dân quản lý, sử dụng. Người dân giữ rừng nhưng không có sinh kế nên đã phát, phá để trồng rừng, dẫn tới vi phạm pháp luật. Hầu hết các vụ phá rừng ở Bắc Kạn trong vài năm qua đều thuộc dạng này. Người dân bị phạt còn ngành chức năng sau xử phạt cũng không thu được tiền phạt do người dân quá nghèo.
Dự án đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) đi qua nhiều diện tích ruộng, rừng nhỏ, lẻ. |
Rừng chiếm tới ¾ diện tích cả tỉnh vô tình lại “bó buộc” chính quyền địa phương khi tìm cách phát triển kinh tế. Hầu hết các dự án đầu tư đều phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, ít thì vài trăm mét, nhiều thì vài ha.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư đều phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Dự án lớn nhất là đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) có tổng diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên khoảng 10ha. Tuy nhiên, những diện tích rừng này không tập trung mà nằm xen kẽ, nhỏ, lẻ với các loại đất khác. Riêng quá trình hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng các diện tích rừng này đã mất gần tám tháng.
Dịch vụ môi trường rừng là cách để chi trả kinh phí cho những tỉnh giữ rừng tốt. Tuy nhiên, Bắc Kạn mới chỉ thu được tiền dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở thủy điện và sản xuất nước sạch. Tỉnh chưa thu được từ các đối tượng còn lại theo quy định tại điều 63 Luật Lâm nghiệp do diện tích lưu vực liên tỉnh thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, công bố ký hợp đồng ủy thác. Do vậy, Bắc Kạn mới chi trả được dịch vụ môi trường rừng khoảng 123.000đồng/ha là rất thấp.
Bắc Kạn đang rất khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư do không có mặt bằng sạch. Địa phương này đang có chủ trương đầu tư mở rộng khu công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Tuy nhiên, Trung ương đã quy định: “…không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt cấp thiết do Chính phủ quyết định)”. Do vậy, việc đầu tư mở rộng khu, cụm công nghiệp bế tắc. Không có các dự án kinh tế tầm cỡ, Bắc Kạn hiện là tỉnh duy nhất trên cả nước thu ngân sách hằng năm chưa đến 1.000 tỷ đồng.
Cần sớm có lời giải
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Hà Sỹ Huân cho biết, giữ rừng và làm giàu rừng là điều cốt yếu và quan trọng nhất. Sở sẽ tham mưu, kiến nghị tỉnh và Trung ương, đối với rừng đặc dụng phải bảo vệ nghiêm ngặt gắn với phát triển du lịch sinh thái. Bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ nhưng phải nâng mức khoán bảo vệ. Rừng tự nhiên nghèo kiệt định hướng cải tạo theo hướng làm giàu rừng, trồng dược liệu, cây đa mục đích để người dân có thu nhập từ rừng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh nội dung Chỉ thị số 13/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; sửa đổi khoản 2 điều 14 luật Lâm nghiệp năm 2017 theo hướng mở, cho phép các tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ rừng cao được thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sản xuất ở mức độ phù hợp và phân cấp thẩm quyền quyết định cho tỉnh.
Bắc Kạn kiến nghị nâng mức khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ thôn, bản ở vùng đệm rừng đặc dụng. (Trong ảnh: Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ giúp người dân đổ bê-tông đường thôn). |
Tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn nhiều hơn tỷ lệ che phủ rừng bình quân toàn quốc tới hơn 31% nhưng so với các tỉnh ít rừng thì địa phương này đang khá thiệt thòi. Định mức phân bổ ngân sách theo luật ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực chi thường xuyên được phân bổ theo tiêu chí chính là dân số và một số tiêu chí bổ sung. Chỉ riêng chi sự nghiệp môi trường được phân bổ theo tiêu chí diện tích rừng tự nhiên và Bắc Kạn được phân bổ 109 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm 3% chi thường xuyên cả tỉnh.
Điều này chưa thật sự bảo đảm công bằng khi mà cứ địa phương đông dân thì sẽ được phân bổ lớn. Do vậy, Bắc Kạn kiến nghị Trung ương xem xét đưa tiêu chí diện tích đất lâm nghiệp và tỷ lệ che phủ rừng bổ sung vào tiêu chí định mức phân bổ chi thường xuyên.
Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện đầy đủ các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đặc biệt là dịch vụ nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon, tương tự như các tỉnh Bắc Trung Bộ. Nâng mức khoán bảo vệ rừng lên 1.000.000đồng/ha/năm để người dân yên tâm giữ rừng.
Bắc Kạn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép được thực hiện chính sách đặc thù cải tạo rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa có trữ lượng và trữ lượng thấp đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất canh tác, sinh sống ổn định tại các khu vực giáp ranh rừng tự nhiên.
Việc hài hòa giữa quản lý, bảo vệ rừng với phát triển kinh tế đang là bài toán cần sớm có lời giải cho tỉnh khó khăn Bắc Kạn.