Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tuân thủ đúng cấu trúc như đề thi minh hoạ đã công bố, với mỗi môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút.
Theo nhận xét của các giáo viên Tổ Tự nhiên, Hệ thống giáo dục Học mãi, đề thi môn Vật lý ổn định về cấu trúc như đề thi chính thức năm 2022 và tương đồng với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Có khoảng 43% (17 câu) số câu hỏi trong đề là bài tập tính toán, 57% (23 câu) số câu hỏi lý thuyết.
Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, không có loại câu hỏi kết hợp kiến thức của nhiều chuyên đề. Các câu hỏi khó của đề thi vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình Vật lý 12 là: Dao động cơ, Sóng cơ và sóng âm, Điện xoay chiều và Hạt nhân nguyên tử.
Với môn Hóa học, theo các giáo viên, đề thi không quá khó, với 75% câu hỏi (30/40 câu) thuộc mức độ nhận biết-thông hiểu, 25% câu hỏi (chiếm 10/40 câu) thuộc mức độ vận dụng-vận dụng cao.
Trong các câu thuộc khoảng điểm 7,5-10 điểm có 3 câu thuộc chương trình lớp 11, còn lại thuộc chương trình lớp 12 với độ khó tương đương đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Hóa năm 2022.
Đề thi không có câu hỏi rơi vào phần kiến thức đã được giảm tải. Tương tự đề minh họa, đề thi chính thức môn Hóa năm 2023 có một số câu hỏi tính toán gắn liền với đời sống thực tế, nhằm giúp học sinh vận dụng tốt hơn các kiến thức đã học vào cuộc sống.
Ở môn Sinh học, các giáo viên đánh giá 75% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. 25% câu hỏi dùng để phân hóa, trong đó khoảng 10% câu hỏi là vận dụng cao.
Có 4 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 nằm trong chương I – Chuyển hóa vật chất và năng lượng, câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 90% số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12.
Các câu khó nhất của đề thi vẫn nằm trong phần quy luật di truyền và di truyền quần thể và di truyền người ở mức vận dụng cao như truyền thống.