Vận động viên thể dục dụng cụ sinh năm 2000 - Carlos Yulo của Philippines giành Huy chương Vàng Olympic Paris 2024. (Ảnh: Reuters)
Vận động viên thể dục dụng cụ sinh năm 2000 - Carlos Yulo của Philippines giành Huy chương Vàng Olympic Paris 2024. (Ảnh: Reuters)

Thể thao Việt Nam - nhìn từ những sự việc “nhức nhối”:

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực

NDO - Để cạnh tranh tại những đấu trường thể thao quốc tế đầy khắc nghiệt, ngoài việc làm trong sạch nội bộ và loại bỏ tiêu cực, các quốc gia cần những phương pháp như kết hợp giữa đầu tư chính phủ, sự hợp tác cùng khu vực tư nhân và quá trình đào tạo từ gốc tới ngọn dành cho vận động viên. Minh chứng tại các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines đã thể hiện rõ nét phương hướng đúng đắn nêu trên.

Đầu tháng 9 vừa qua, dư luận cả nước xôn xao khi cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi có bài viết trên Facebook cá nhân phản ánh việc cô phải tự bỏ toàn bộ chi phí khi… đại diện cho Việt Nam thi đấu tại Giải vô địch thế giới billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới 2024 tại Pháp.

Trước đó, các vận động viên đỉnh cao khác của Việt Nam như Thùy Linh, Tiến Minh (bộ môn cầu lông) cũng không ít lần “than thở” về việc họ phải “du đấu tự túc” trong nhiều giải đấu lớn tầm quốc tế.

Vấn đề liên quan đến “kinh phí hỗ trợ” thậm chí còn làm nóng nghị trường trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khi nhiều đại biểu đã lên tiếng chất vấn về thực trạng các vận động viên thành tích cao bị bớt xén tiền thưởng và… cả khẩu phần ăn.

Mặc dù, mỗi năm, ngân sách Nhà nước (chưa tính ngân sách của các địa phương) dành khoảng 900 tỷ đồng cho thể thao, nhưng những “câu chuyện buồn” kể trên vẫn đang tiếp diễn.

Loạt bài Thể thao Việt Nam - nhìn từ những sự việc "nhức nhối" đề cập về thực trạng, phân tích nguyên nhân, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển thể thao đỉnh cao của các nước trong khu vực và đề xuất giải pháp để thể thao Việt Nam vươn tầm quốc tế.

SỰ THỐNG TRỊ CỦA BÓNG BÀN TRUNG QUỐC

Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đào tạo bóng bàn cực kỳ hiệu quả, giúp đất nước này thống trị mọi cấp độ trên sân chơi quốc tế. Thành công của Trung Quốc không chỉ đến từ yếu tố tài năng thiên bẩm của các vận động viên, mà còn từ chiến lược đào tạo, đầu tư toàn diện vào cơ sở vật chất và sự phát triển tài năng trẻ.

Cơ quan Quản lý Thể thao Quốc gia Trung Quốc (GASC) và Hiệp hội Bóng bàn Trung Quốc (CTTA) đã tạo ra một hệ thống đặc biệt. Theo ông Liu Guoliang, Chủ tịch hiện tại của CTTA và là một cựu vô địch Olympic, “Thành công của Trung Quốc trong môn bóng bàn được củng cố sâu sắc trong hệ thống của chúng tôi. Ngay từ những giai đoạn đầu, chúng tôi xác định những tài năng hứa hẹn nhất và đưa họ trải qua một quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm rằng họ sẵn sàng về thể chất, tinh thần và chiến lược để cạnh tranh ở cấp độ cao nhất”.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 1

Một học viên nhí đang tập luyện bóng bàn tại Trường thể thao Shichahai ở Bắc Kinh. Theo thống kê của South China Morning Post, có khoảng 10 triệu người chơi bóng bàn chuyên nghiệp ở Trung Quốc. (Ảnh: NBC News)

Hệ thống phát hiện tài năng trẻ bắt đầu từ rất sớm, khi các huấn luyện viên tìm kiếm các tài năng tiềm năng ở tuổi lên 5. Trẻ em có khả năng được mời tham gia các trường bóng bàn chuyên biệt, nơi các em dành toàn bộ thời gian cho việc rèn luyện. Quá trình này đòi hỏi sự cam kết tuyệt đối, với những bài tập kéo dài nhiều giờ mỗi ngày. Cực khổ là vậy nhưng với sự sàng lọc mạnh mẽ, chỉ một số ít trong số hàng triệu người mới có thể thực sự vươn tới đỉnh cao và tạo nên tên tuổi.

Các huấn luyện viên Trung Quốc, đa phần là những cựu vận động viên lừng lẫy, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển này. Họ không chỉ giúp cải thiện kỹ thuật mà còn chỉ đạo chiến thuật trong các trận đấu, giúp vận động viên có thể điều chỉnh lối chơi để đối phó với đối thủ. Chẳng hạn như chính ông Liu Guoliang, Chủ tịch của CTTA và huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia, đã dẫn dắt nhiều thế hệ vận động viên vươn đến thành công, bao gồm cả những cái tên lừng danh hiện nay như Ma Long và Zhang Jike.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 2

Vận động viên đội tuyển bóng bàn quốc gia Trung Quốc Lin Shidong dạy trẻ em cách giao bóng tại Trường trung tâm Shuiman ở thành phố Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Hải Nam. (Ảnh: China Daily)

Ma Long - một trong những vận động viên bóng bàn thành công nhất của Trung Quốc đã chia sẻ về kinh nghiệm của mình khi lớn lên trong hệ thống này. “Trung Quốc cung cấp cho các vận động viên mọi nguồn lực cần thiết để thành công. Tôi rất may mắn khi nhận được sự huấn luyện tốt nhất và thường xuyên tham gia các giải đấu quốc tế. Sự hỗ trợ của chính phủ và các huấn luyện viên đã vô giá trong việc hình thành sự nghiệp của tôi”, Ma Long nói.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng tập luyện và thi đấu. Các trung tâm đào tạo được trang bị hiện đại và có sự hỗ trợ toàn diện từ y tế đến tư vấn tâm lý, bảo đảm vận động viên luôn trong trạng thái tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 3

Trải qua hệ thống đào tạo đặc biệt của Trung Quốc, Ma Long đã trở thành tượng đài của bóng bàn thế giới. (Ảnh: Reuters)

Tất cả những yếu tố này đã giúp Trung Quốc liên tục giành chiến thắng tại các kỳ Thế vận hội Olympic và các giải vô địch thế giới. Ví dụ như Fan Zhendong, người vừa giành Huy chương Vàng Olympic cá nhân đầu tiên tại Paris 2024, và trở thành một trong những vận động viên hiếm hoi đạt "Grand Slam" trong giới bóng bàn.

Từ quá trình tìm kiếm tài năng đến quá trình đào tạo và thi đấu quốc tế, hệ thống bóng bàn của Trung Quốc được thiết kế để liên tục sản sinh ra những nhà vô địch thế giới, khẳng định vị thế thống trị của họ trong môn thể thao này.

HỢP TÁC CÔNG-TƯ MANG VỀ ĐỈNH CAO CẦU LÔNG THÁI LAN

Đất nước xứ chùa Vàng đã có thể xây dựng một hệ thống phát triển bộ môn cầu lông thành công nhờ vào sự kết hợp giữa đầu tư Chính phủ và hỗ trợ của các tổ chức tư nhân. Dưới sự lãnh đạo của bà Khunying Patama Leeswadtrakul, Chủ tịch Hiệp hội Cầu lông Thái Lan (BAT), cầu lông Thái Lan đã đạt đến đỉnh cao mới, trở thành một biểu tượng của thể thao nước nhà.

Bà Khunying Patama nhấn mạnh: "Sự kết hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân là chìa khóa để đưa các vận động viên Thái Lan ra sân chơi quốc tế".

Chính phủ Thái Lan, thông qua Bộ Du lịch và Thể thao, đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, xây dựng các trung tâm đào tạo tiên tiến và cung cấp các chương trình phát triển tài năng từ cơ sở. Ví dụ như, Trường Cầu lông Banthongyord, do bà Kamala Thongkorn thành lập, là nơi phát triển nhiều tài năng hàng đầu của cầu lông Thái Lan như Ratchanok Intanon và Kunlavut Vitidsarn.

Bà Kamala chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra những ngôi sao cầu lông chuyên nghiệp, đưa Thái Lan trở thành niềm tự hào trên đấu trường quốc tế, mặc dù chi phí đào tạo rất lớn".

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 6

Logo của tập đoàn Tập đoàn Xi-măng Siam (SCG) được in trên áo thi đấu của các vận động viên đội tuyển cầu lông Thái Lan. (Ảnh: Bangkok Post)

Không chỉ dựa vào sự đầu tư của nhà nước, BAT còn thu hút các nhà tài trợ lớn như Tập đoàn Xi-măng Siam (SCG), qua đó giúp vận động viên có cơ hội tham gia nhiều giải đấu quốc tế. Nhận được nguồn tài trợ dồi dào, các giải đấu như Thailand Open đã mang lại kinh nghiệm quý báu cho vận động viên Thái Lan, nâng cao trình độ và tạo điều kiện cho họ thi đấu với những đối thủ hàng đầu thế giới, cùng với đó là lan tỏa bộ môn cầu lông tới công chúng.

Theo vận động viên Ratchanok Intanon, nữ tay vợt vô địch thế giới khi mới 18 tuổi và từng đứng trong Top 10 tay vợt nữ mạnh nhất thế giới và hiện tại đứng thứ 21: "Tôi may mắn có sự hỗ trợ đầy đủ từ Trường Cầu lông Banthongyord và các nhà tài trợ, điều này đã giúp tôi tập trung vào thi đấu mà không phải lo lắng về tài chính".

Bên cạnh Ratchanok Intanon, một ví dụ khác về thành công trong hệ thống phát triển cầu lông của Thái Lan là Kunlavut Vitidsarn, một trong những vận động viên nam trẻ xuất sắc nhất của đất nước và hiện đang đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng thế giới. Kunlavut, còn được biết đến với biệt danh "View," đã giành nhiều huy chương tại các giải đấu quốc tế và tiếp tục là niềm hy vọng lớn của Thái Lan trong môn cầu lông.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 7
Kunlavut Vitidsarn vừa giành Huy chương Bạc ở nội dung đơn nam bộ môn cầu lông tại Olympic Paris 2024. (Ảnh: Bangkok Post)

Tay vợt sinh năm 2001 đã chứng minh tài năng của mình từ khi còn rất trẻ, giành chức vô địch thế giới trẻ ba lần liên tiếp (vào các năm 2017, 2018, 2019). Sự nghiệp của anh được hỗ trợ bởi BAT và các nhà tài trợ tư nhân như Bangchak Corporation - một tập đoàn năng lượng lớn của Thái Lan, đã góp phần vào việc bảo đảm tài chính cho quá trình đào tạo và thi đấu quốc tế.

Kunlavut chia sẻ: "Sự hỗ trợ từ BAT và các nhà tài trợ như Bangchak không chỉ giúp tôi tập luyện mà còn giúp tôi có cơ hội thi đấu với những đối thủ hàng đầu thế giới, điều này là tiền đề để tôi phát triển kỹ năng của mình”.

Phương pháp toàn diện của chính phủ Thái Lan trong công tác phát triển cầu lông không chỉ sản sinh ra những nhà vô địch mà còn bảo đảm rằng các vận động viên được chuẩn bị cho cuộc sống sau thể thao. Có nhiều sáng kiến như cung cấp môi trường giáo dục và hỗ trợ nghề nghiệp cho các vận động viên đã nghỉ thi đấu, thể hiện cam kết của Thái Lan đối với sự phát triển toàn diện của các ngôi sao thể thao cả trong và ngoài sân đấu.

Ở Thái Lan, các vận động viên còn nhận được sự quan tâm được biệt của Chính phủ khi vào năm 2019, quốc gia này thành lập Quỹ Phát triển Thể thao Quốc gia (NSDF), trực thuộc quản lý của Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT). Hằng năm, NSDF được Chính phủ cấp ngân sách không dưới 150 triệu baht nhằm hỗ trợ hoạt động thể thao trong nước vào quốc tế.

Quỹ này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện thể thao, hỗ trợ các liên đoàn thể thao trong công tác chuẩn bị cho vận động viên thi đấu, cũng như cung cấp phụ cấp, trợ cấp cho vận động viên. Đồng thời, NSDF còn trang bị thêm thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học thể thao vào tập luyện và thi đấu.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 8

Quỹ Phát triển Thể thao Quốc gia (NSDF) đang hoạt động hiệu quả sau 5 năm.

Ngoài ra, NSDF còn là đơn vị chi trả tiền thưởng cho các vận động viên đạt thành tích cao tại các giải đấu lớn. Cụ thể, quỹ này thưởng cho vận động viên đoạt Huy chương Vàng Olympic số tiền 12 triệu baht (khoảng 9 tỷ đồng), Huy chương Bạc khoảng 5,4 tỷ đồng và Huy chương Đồng khoảng 3,6 tỷ đồng.

Tại các đại hội thể thao quy mô nhỏ hơn, các vận động viên cũng được nhận thưởng với số tiền lớn. Tại ASIAD 19, vận động viên đoạt Huy chương Vàng sẽ nhận thưởng 2 triệu baht (khoảng 1,5 tỷ đồng). Còn như SEA Games, mức thưởng dành cho Huy chương Vàng là 300.000 baht (khoảng 224 triệu đồng).

Không chỉ thưởng cho vận động viên và huấn luyện viên, NSDF còn có chính sách khen thưởng cho các liên đoàn có vận động viên đạt Huy chương Vàng, nhằm khuyến khích các liên đoàn nỗ lực nâng cao thành tích.

Bên cạnh đó, NSDF còn chú trọng hỗ trợ vận động viên từ cấp độ trẻ. Quỹ không chỉ bảo đảm phúc lợi cho vận động viên sau khi giải nghệ mà còn đặc biệt quan tâm đến các vận động viên khuyết tật. Đáng chú ý là việc cấp học bổng, giúp các vận động viên có điều kiện học tập và ổn định cuộc sống sau khi giã từ sự nghiệp thể thao.

CỬ TẠ INDONESIA: HÌNH THÀNH THẾ LỰC TỪ NHỮNG THẾ MẠNH NHỎ

Indonesia đã xây dựng được danh tiếng vững chắc trong lĩnh vực cử tạ, đặc biệt thông qua nỗ lực của các vận động viên như Rizki Juniansyah, người vừa giành Huy chương Vàng tại Olympic Paris 2024.

Thành công của Indonesia trong môn cử tạ có thể được quy về các khoản đầu tư chiến lược của Ủy ban Thể thao Quốc gia Indonesia (KONI) và Bộ Thanh niên và Thể thao (Kemenpora), những tổ chức đã phối hợp chặt chẽ cùng nhau để củng cố vị thế của cử tạ Indonesia trên đấu trường quốc tế.

Ông Marciano Norman, Chủ tịch KONI, là một người ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường đầu tư vào các môn thể thao như cử tạ. "Chúng ta chưa thể cạnh tranh ở nhiều bộ môn. Thế nhưng, cử tạ là một trong những môn thể thao thế mạnh của chúng ta," ông Norman cho biết. "Với sự hỗ trợ từ chính phủ để giúp cơ sở vật chất tốt hơn, chúng tôi đang thấy các vận động viên như Rizki Juniansyah tỏa sáng và làm cho Indonesia tự hào trên sân khấu quốc tế".

Chiến lược của KONI để phát triển các vận động viên cử tạ hàng đầu bao gồm việc cung cấp cơ sở vật chất tiên tiến, huấn luyện viên giàu chuyên môn và cơ hội thi đấu quốc tế phong phú.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 10

Rizki Juniansyah đã khóc khi nhận Huy chương Vàng tại Olympic Paris 2024. (Ảnh: Reuters)

Trong trường hợp của Rizki Juniansyah, hệ thống hỗ trợ toàn diện này là yếu tố quan trọng đối với thành công của anh. "KONI và Kemenpora đã bảo đảm rằng tôi được học hỏi từ những huấn luyện viên tốt nhất, trải nghiệm những chuyến tập huấn tốt nhất và cơ hội thi đấu ở nước ngoài," Juniansyah chia sẻ. "Sự hỗ trợ này đã cho tôi sự tự tin để thi đấu tại Olympic và cuối cùng giành Huy chương Vàng."

Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật, KONI cũng đã chú trọng đến việc phát triển toàn diện cho các vận động viên, bảo đảm rằng họ được chuẩn bị cả về thể chất lẫn tinh thần cho những thách thức của cuộc thi quốc tế. "Các vận động viên cần phải có sức khỏe thể chất tốt nhất, nhưng sức mạnh tinh thần cũng quan trọng không kém," ông Norman nhấn mạnh. "Các chương trình của chúng tôi tập trung vào cả hai khía cạnh, cung cấp cho các vận động viên như Rizki những công cụ cần thiết để thực hiện tốt nhất dưới áp lực".

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 11

Vận động viên Indonesia Abdullah Rahmat Erwin ăn mừng cùng huấn luyện viên sau khi lập kỷ lục thế giới mới ở hạng cân 73kg nam, tại ASIAD Hàng Châu 2023. (Ảnh: Reuters)

Sự hợp tác giữa KONI và Kemenpora cũng đã dẫn đến việc thành lập các trung tâm cử tạ trên toàn quốc, nơi các vận động viên trẻ có thể tập luyện dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm. Những trung tâm này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm rằng Indonesia tiếp tục tôi luyện ra những vận động viên cử tạ hàng đầu có thể thi đấu ở cấp độ cao nhất.

Bằng cách tập trung vào phát triển cơ sở và cung cấp nguồn hỗ trợ liên tục và dồi dào cho các vận động viên xuất sắc, Indonesia đã khẳng định danh tiếng của mình trên toàn cầu như một cường quốc của bộ môn cử tạ.

THỂ DỤC DỤNG CỤ PHILIPPINES VÀ CÁI TÊN CARLOS YULO

Philippines nổi lên như một thế lực mới trong bộ môn thể dục dụng cụ, một phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của Ủy ban Thể thao Philippines (PSC) và sự tập trung chiến lược phát triển các vận động viên như Carlos Yulo - người vừa giành cú đúp Huy chương Vàng tại Thế vận hội Olympic Paris 2024. Chàng trai sinh năm 2000 ghi nhận, thành công hiện nay của anh là nhờ vào sự hỗ trợ toàn diện mà anh nhận được từ PSC.

Chủ tịch của PSC, ông Richard Bachmann đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến phát triển thể thao của Philippines. "Thành công của Carlos Yulo là minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ các vận động viên có tiềm năng tỏa sáng trên sân khấu thế giới," ông Bachmann cho biết. "Chúng tôi đã đầu tư vào việc đào tạo của anh, gửi anh tham gia các giải đấu hàng đầu và bảo đảm anh có mọi thứ cần thiết để thành công ở cấp độ cao nhất”.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 13

Carlos Yulo ăn mừng sau khi hoàn thành bài thi tại Olympic Paris 2024. (Ảnh: Getty)

Hành trình đến thành công Olympic của Yulo bắt đầu khi bắt đầu tập luyện từ năm 7 tuổi. PSC nhận diện anh là một tài năng hứa hẹn và cung cấp cho anh các nguồn lực tài chính để được huấn luyện ở nước ngoài. Dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên người Nhật Munehiro Kugimiya, Yulo đã được trau dồi kỹ năng và trở thành một vận động viên thể dục dụng cụ đẳng cấp thế giới. "Sự hỗ trợ của PSC đã cho phép tôi huấn luyện tại Nhật Bản, nơi tôi được tiếp cận với những huấn luyện viên và cơ sở tập luyện tốt nhất," Yulo nói. "Nếu không có sự giúp đỡ của họ, tôi sẽ không thể thi đấu ở cấp độ này".

Ngoài việc đào tạo kỹ thuật, PSC cũng đã đặt một trọng tâm mạnh mẽ vào việc chuẩn bị cho các vận động viên về mặt tinh thần trước những áp lực của các cuộc thi quốc tế. "Chúng tôi hiểu rằng các vận động viên phải đối mặt với áp lực tại những sự kiện như Olympic, vì vậy, chúng tôi cung cấp các chuyên gia hỗ trợ tâm lý và các chương trình giúp điều tiết sự căng thẳng, để bảo đảm họ được chuẩn bị về mặt tinh thần," ông Bachmann lưu ý.

Bài học kinh nghiệm về phát triển thể thao từ các nước trong khu vực ảnh 14

Huấn luyện viên Munehiro Kugimiya và Carlos Yulo đạt được những thành tích từ rất sớm. (Ảnh: Rappler)

Tầm nhìn dài hạn của PSC về phát triển thể thao không chỉ dừng lại ở môn thể dục dụng cụ. Bằng cách tiếp tục đầu tư vào một loạt các môn thể thao và cung cấp cho các vận động viên những công cụ cần thiết để thành công, Philippines nhắm đến mục tiêu trở thành một thế lực cạnh tranh trong thể thao quốc tế. "Chúng tôi đang xây dựng một chương trình thể thao bền vững không chỉ sản sinh ra những nhà vô địch như Carlos Yulo mà còn nâng cao trình độ chung của thể thao Philippines," ông Bachmann kết luận.

Đó là những thành tích, kinh nghiệm rất tốt, rất đáng quan tâm và học hỏi của ngay các nước trong khu vực dành cho thể thao Việt Nam. Vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần những giải pháp gì để giúp ngành thể thao của nước nhà có thể khắc phục những tồn tại, hạn chế và vươn tầm phát triển?

(còn tiếp)

back to top