Bài học kinh nghiệm từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Sau nhiều ngày xét xử phúc thẩm, vụ án Huyền Như cũng kết thúc với bản án chung thân dành cho bị cáo này. Qua đại án này, có một số vấn đề cần phải suy ngẫm thấu đáo…

Trước hết, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tín dụng còn quá nhiều lỏng lẻo và kẽ hở, các thiết chế tự quản (phân cấp trong doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ) và hoạt động kiểm toán độc lập bị tê liệt hoàn toàn, cơ chế báo cáo và thanh tra nhiều nhưng không sớm phát hiện được các vi phạm. Nhà nước cần phải nhanh chóng hoàn thiện quy định và hoạt động quản lý trong lĩnh vực tài chính, tín dụng.

Pháp luật hiện nay thiếu hẳn một chế định về ủy thác đầu tư cho nên rất khó phân biệt như thế nào là đúng luật và thế nào là sai luật, từ đó mọi sự quản lý, giám sát đều bị vô hiệu. Thực trạng hiện nay có thể thấy “ủy thác đầu tư” là vỏ bọc nhằm hợp thức hóa của nhiều sai phạm khác (huy động và cho vay vốn sai quy định, rửa tiền, thâu tóm doanh nghiệp,...).Theo Luật Các tổ chức tín dụng thì các ngân hàng (ACB, Vietinbank, Navibank, Vietbank) phải có hệ thống kiểm soát nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ; theo Luật Chứng khoán thì công ty chứng khoán có bộ phận kiểm soát nội bộ, ngoài ra còn có công ty kiểm toán độc lập soát xét định kỳ. Rõ ràng, nếu các vị trí của các doanh nghiệp này thực hiện đúng nhiệm vụ và công ty kiểm toán độc lập không lơi lỏng thì những người như Huyền Như, bầu Kiên không thể gây ra những tổn thất hàng nghìn tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm