Bài học kinh nghiệm từ việc lây nhiễm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

NDO -

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc quản lý cách ly để không lây nhiễm trong môi trường bệnh viện như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một trong những bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Trong hai năm qua, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đặc biệt cơ sở 2 (Đông Anh) đã điều trị hơn 1.000 ca bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong, dù nhiều ca bệnh nặng. Đây là kết quả của sự nỗ lực cố gắng của tất cả cán bộ.

Bộ Y tế đánh giá rất cao tập thể y bác sĩ, những người đã quên mình hơn 1,5 năm qua trong trận chiến hết sức cam go này.

Về việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương để xảy ra lây nhiễm các ca bệnh Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo đánh giá của giám đốc bệnh viện, virus có thể lây giữa các khoa trong bệnh viện và cũng có thể lây từ người nhà bệnh nhân. Các cơ quan chức năng đang đánh giá nguyên nhân.

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm tại bệnh viện, Bộ Y tế đã yêu cầu cách ly toàn bộ bệnh viện, nội bất xuất ngoại bất nhập và sàng lọc tất cả cán bộ trong bệnh viện, người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện gửi danh sách người đến khám, chữa bệnh từ 15-4 về các địa phương để thực hiện truy vết, sàng lọc, cách ly, xét nghiệm theo các yêu cầu. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương khẩn trương tiến hành truy vết tìm ra những người có yếu tố tiếp xúc, có liên quan và có thể trở thành nguồn truyền nhiễm để cách ly, xử lý kịp thời theo quy định.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã động viên toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được rời vị trí, sẵn sàng tiếp ứng ở tất cả các vị trí trong quy trình điều trị, bảo đảm là "thành trì" điều trị bệnh nhân nặng Covid-19. Hiện bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng để bảo đảm điều trị hiệu quả theo đúng yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Qua sự việc cách ly của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh một số bài học, trong đó môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường này cần phải đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn.

Bộ trưởng nói: “Vừa qua Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, coi đây là một trong những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Mặt khác, chúng tôi cũng đã đánh giá, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến trường hợp nhiễm bệnh sau 14 ngày cách ly tập trung. Sau khi trao đổi với các cơ quan, chuyên gia, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, khâu bàn giao người hết thời hạn cách ly giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi người hết cách ly cư trú là yếu. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt vấn đề này.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải tiếp tục giám sát và theo dõi sức khoẻ người cách ly thêm bảy ngày sau khi cách ly tập trung. Đồng thời, các địa phương phải nâng tần suất xét nghiệm (có thể lên 4-5 lần) trong quá trình cách ly để bảo đảm an toàn tối đa, phòng lây nhiễm.

Theo Bộ trưởng, việc lây nhiễm trong bệnh viện cũng đã xảy ra tại một số bệnh viện, do đó Bộ Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm không có lây nhiễm trong các bệnh viện.

Lãnh đạo Bộ Y tế tiêm vaccine phòng Covid-19

Sáng 6-5, GS, TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế và các Thứ trưởng Y tế: Đỗ Xuân Tuyên, Trương Quốc Cường, Trần Văn Thuấn cùng nhiều lãnh đạo các vụ/cục/văn phòng Bộ của Bộ Y tế đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Trương Quốc Cường, Trần Văn Thuấn và những người thực hiện tiêm chủng đều cho biết sức khoẻ của họ sau tiêm bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ;

Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến ba tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đến nay, Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Theo ghi nhận đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24 giờ. Tỷ lên này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam được triển khai an toàn.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan