Chơi tiền ảo nhưng mất tiền thật. Đó là thực tế bởi không ít người đã trở thành nạn nhân, bị mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng vì thiếu hiểu biết.
Thủ đoạn thường thấy là các đối tượng tạo lập những sàn chứng khoán, đa cấp, tiền ảo, sau đó sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tuyển người tham gia đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn như: Cam kết có lãi, lợi nhuận cao, kiếm tiền dễ dàng khiến cho không ít nạn nhân sập bẫy, mất số tiền lớn.
Hầu hết nạn nhân khi tham gia đầu tư đều được tư vấn chi tiết cách thức mở tài khoản, đầu tư các khoản tiền nhỏ để thử và nhận lại khoản lãi suất tương ứng nhằm mục đích đánh vào lòng tham.
Sau khi thấy có thể kiếm được tiền từ các sàn này, nạn nhân được mời gọi đầu tư số tiền lớn hơn và lấy nhiều lý do để không thể rút được tiền ra mà phải đóng thêm nhiều khoản phí với cam kết sẽ được nhận lại toàn bộ cả tiền phí và tiền lãi ban đầu (hệ thống thanh toán lỗi, nhập sai nội dung giao dịch, sai tài khoản, cơ quan thuế nước ngoài điều tra…) hoặc khóa tài khoản, cho sập sàn giao dịch và cắt liên lạc với nạn nhân.
Cảnh báo nhà đầu tư khi giao dịch tiền mã hóa trên các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán chưa được cấp phép
Trường hợp điển hình là một người dùng tại Việt Nam bị lừa đảo 100.000 USDT (đơn vị tiền mã hóa đại diện cho USD). Cá biệt, có nạn nhân bị lừa số tiền lên tới 57 tỷ đồng.
Tương tự, thời gian vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp xảy ra tại Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với Thân Văn Thoại (40 tuổi, trú tại Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BBA Toàn Cầu) và bảy đối tượng có liên quan đường dây tiền ảo Cashback Pro trị giá hàng nghìn tỷ đồng bị đánh sập.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam hiện có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam có thể chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, công an một số tỉnh, thành phố đã liên tiếp nhận đơn trình báo của người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Nguyên nhân do lượng người tham gia mua tiền ảo tăng mạnh, nguồn cung hạn chế.
Lợi dụng tình hình này, các đối tượng sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Telegram,… gia tăng các hoạt động quảng cáo với nhiều nội dung hấp dẫn, lôi kéo nhiều người đầu tư vào các dự án, sàn tiền ảo, ngoại hối (forex), kinh doanh đa cấp để kiếm lời, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư tài chính qua các ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để tự bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nâng cao cảnh giác trong các giao dịch tiền ảo, nhất là các nạn nhân đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuyệt đối không liên hệ các dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền trên không gian mạng, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào trên các trang mạng xã hội để hỗ trợ lấy lại tiền, kịp thời liên hệ cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ khi gặp các sự cố về giao dịch trên không gian mạng.