Bài ca của Đất

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng

NDO -

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chị Hương có mười năm làm kỹ sư cơ khí, rồi đi phiên dịch và làm việc cho các công ty nước ngoài. Như thế cũng là thành danh so với bạn bè đồng lứa. Công việc và thu nhập đều tốt, song chị luôn thấy trong sâu thẳm lòng mình thiếu một điều gì đó - như là lẽ sống, là mục đích sống. Và chị nhận ra, bình an trong chị là những khoảng khắc được về với thiên nhiên, được đắm trong những tán rừng nguyên vẹn. Xót xa trước bạt ngàn rừng quê mình cũng như bao cánh rừng dọc dài đất nước bị đốn hạ, chị bỏ tất cả, về quê nhà Thanh Hóa, quần quật gây dựng lại màu xanh trên 3 ha đồi núi ở huyện Ngọc Lặc.

Đối với chị Hương bình an trong chị là những khoảng khắc được về với thiên nhiên, được đắm trong những tán rừng nguyên vẹn.
Đối với chị Hương bình an trong chị là những khoảng khắc được về với thiên nhiên, được đắm trong những tán rừng nguyên vẹn.

Chị gọi đồi rừng của mình là Senka - bài ca của những đóa sen, luôn giản dị, mộc mạc, lạc quan và đầy sức sống.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0
 

Thời gian đầu, chị Hương bị người làng Lú Khoen gọi là “bà điên”.

“Bà điên nghĩa địa”

Chị Nguyễn Thị Thu-chuyên gia của Quỹ Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh nhớ, lần đầu tiên bà từ Hà Nội vào Ngọc Lặc, hỏi thăm vườn rừng của chị Nguyễn Thị Mai Hương ở làng Lú Khoen, người dân xã Quang Trung đã hỏi lại: “Có phải lên gặp… bà điên ở nghĩa địa không?”. Chị Thu nói: “Nghe người ta hỏi vậy, tôi xót xa lắm. Nhưng kể lại cho chị Hương nghe, thì chị ấy lại cười ha ha, khiến cả đoàn chúng tôi cũng “ha ha” theo. Người ta gọi chị là “bà điên nghĩa địa” vì mãi hỏi nhau “nó làm gì mà suốt ngày trồng cỏ”; mà để phủ được 3 ha sả đó, chị Hương đã mất đến hai năm…”

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Chị Hương (bìa phải) những ngày đầu trồng sả để tạo sinh khối cho đất đồi trơ trụi. 

Người làng Lú Khoen bảo chị dùng phân bón hoá học mà trồng lạc, trồng đỗ, dùng thuốc diệt cỏ mà phun cho đỡ mất công làm cỏ, dùng thuốc trừ sâu hóa học cho nhanh tiêu diệt cái lũ phá hoại mùa màng. Nhưng chị dứt khoát không. Chị dùng sinh khối của sả để giữ ẩm cho đất - nơi cứ trú của biết bao loài sinh vật. Chị áp dụng phương pháp Syntropy trồng xen các loại cây tầng tán để tự tạo nguồn phân xanh tự nhiên tuần hoàn, bởi tự nhiên vốn dĩ đã là hệ sinh thái cân bằng nhất. Chị dùng phân bón vi sinh từ các phụ phẩm ủ lên men, dùng cỏ cây làm thuốc trừ sâu sinh học…

Không có tiềm lực tài chính nên phần lớn công việc trên đồi, chị cứ lủi thủi làm một mình. Thi thoảng, lúc vào thời vụ mới nhờ được một vài người trong làng đến làm giúp. Ngày làm vườn, tối về chị dạy tiếng Anh để có thêm thu nhập duy trì Senka. “Thế nên những ngày đầu gây dựng hệ sinh thái thực vật cho Senka, người làng Lú Khoen bảo chị điên cũng đúng thôi”, chị Thu nói đầy thông cảm.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Công nhân của Senka chuẩn bị phân xanh ủ mục để trồng lạc.

Căn nhà sàn mái lá, vách tôn xanh của chị Hương nằm trơ trọi trên đồi. Đêm đông, xung quanh tối om, nghe rõ từng tiếng rít qua khe cửa của gió. Và tuyệt nhiên, xung quanh cũng không một bóng người. Đêm đầu tiên ngủ lại Senka, chị Thu đã rất sợ. Cổng tre khép lại, không khóa, cửa nhà cũng không, quanh nhà cũng chẳng có tường bao. Chị Hương thì cười: “Tôi ở đây hai năm rồi, chưa thấy ai “hỏi thăm” bao giờ”. Rồi chị kể: “Có những hôm trời mưa bão, sấm sét ầm ầm ngay bên cạnh, như thể sét đánh trúng nhà rồi. Có lần bão còn giật tung cái nóc nhà sấy văng xa mấy mét. Nhưng tôi không sợ những điều đó, mà chỉ sợ thiếu chân thành với cuộc sống thôi”.

Giá trị của sự chân thành

Chân thành với cuộc sống. Đó cũng chính là lý do khiến một đơn vị chuyên phân phối sản phẩm OCOOP của mọi tỉnh thành trên toàn quốc chọn để hỗ trợ chị Hương tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ nông sản. Đại diện đơn vị này xúc động nói: “Cuộc sống này vẫn có những điều mà ta nghĩ chỉ còn thấy trong cổ tích. Tôi tin câu chuyện của chị Hương chính là thông điệp về nghị lực, tình yêu và khát vọng của thế hệ trẻ - mong muốn giữ gìn và bảo vệ Đất mẹ.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Chị Hương (thứ hai từ trái qua) trong “phiên chợ nhỏ an lành” do Nhóm sản xuất bền vững xứ Thanh tổ chức.

Senka không phải là doanh nghiệp, tập đoàn lớn, chị Hương càng không phải đại gia đi làm nông nghiệp. Những sản phẩm của chị có thể chưa được đẹp mắt, máy móc có thể chưa được hiện đại; nhưng chúng tôi tin những sản phẩm đó là kết tinh từ tình yêu, từ lời hứa của chị cùng với những gì tinh khiết nhất của đất trời nơi này”.

Senka còn non trẻ, mới được 2 tuổi thôi. Song trong cộng đồng làm nông nghiệp tử tế cũng như trong nhóm sản xuất bền vững xứ Thanh, mọi người đã biết đến chị Hương từ trước nữa. Chị chính thức vận hành từ những ngày Covid-19 mới xuất hiện ở Việt Nam. Ngoài việc cạn vốn sau khi xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng; cơ hội di chuyển, quảng bá sản phẩm của Senka đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, chị Mai Hương cũng nhìn thấy cơ hội khác trong đại dịch: Covid- 19 khiến con người phải sống chậm lại, quan tâm đến sức khỏe và thiên nhiên hơn. Các kênh bán hàng của Senka như facebook cá nhân, fanpage, youtube… cũng được chị Hương xây dựng trong thời gian này.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Tin vào sự chân thành cũng như tình yêu và không ít hy sinh của chị Hương, nhiều khách hàng từ xa đã tìm về làng Lú Khoen để mua nông sản của Senka. 

Từ cây sắn dây trên đất nghèo, thay vì một cách chế biên nguyên cục truyền thống, chị Hương nghiên cứu cách nghiền bột mịn, thêm đường, thêm các hương vị tự nhiên tốt cho sức khỏe như bột bạc hà, bột dừa, bột quất (tắc) sấy… Từ vườn rừng, chị chế biến những loại gia vị đặc trưng của vùng cao (lá sả và mẻ sấy, khế chua và hạt dổi…); đậu phộng trong vườn, chị cũng không bán nhân hay củ mà chế biến thành bơ lạc - vừa dễ tiêu thụ, vừa cho giá trị kinh tế cao hơn.

Ở chốn đồng rừng Ngọc Lặc, Senka một mình một đường. Việc liên kết, nhân rộng mô hình, nguyên liệu và kiểm soát chất lượng đầu vào diễn ra không suôn sẻ do những hạn chế trong tư duy người nông dân; không dễ gì để thuyết phục họ từ bỏ canh tác lạm dụng phân thuốc hóa học sang canh tác không hóa chất trong ngày một ngày hai… Nhưng chị Hương và Senka lại luôn nhận được sự đồng hành từ nhóm sản xuất bền vững xứ Thanh, cộng đồng làm nông nghiệp tử tế… Senka non trẻ, còn khó khăn mọi bề, nhưng cũng đã nhận được sự tin tưởng của những nhóm khách hàng ở cả ba miền - họ đặt niềm tin vào con đường nông sản minh bạch gắn với kinh tế rừng bền vững mà chị Hương đang gây dựng.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Sả được trồng hai bên, sau đó cắt lá phủ đất để trồng lạc. Thu hoạch xong, thân lạc trở thành phân xanh trả lại lại dinh dưỡng cho đất.  

Hạnh phúc không nằm ở địa vị và vật chất

Chị Mai Hương tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mười năm làm phiên dịch, rồi làm kỹ sư cho một số công ty nước ngoài, công việc cũng giúp chị được nay đây mai đó. Yêu rừng từ nhỏ nên chị Hương luôn muốn sau này nghỉ hưu sẽ về sống ở rừng. Da nâu bánh mật, nụ cười tươi; gương mặt ấy, ánh mắt ấy toát lên một sự chân thành, thật thà đến ngơ ngác. Chị không giấu giếm: “Khởi đầu của tôi, chỉ đơn giản là mơ ước về già kiếm một khu vườn để trồng cây và nghỉ dưỡng thôi”.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Để những quả đồi trơ trụi có được màu xanh của sả như thế này, chị Hương đã mất hai năm.

Rồi tính chất công việc khiến chị ngày càng thấy nhiều hơn những quả đồi, dãy núi trơ trụi - hình ảnh ấy luôn khiến chị xót xa, trăn trở. Chị chia sẻ: “Tôi luôn thấy lạc lõng giữa công sở, giữa chốn thị thành. Và tôi nhận ra cuộc sống của mình ngày càng mờ nhạt, tựa như đang cố gắng để tồn tại chứ không phải là sống”. Một lần, chị Hương có 3 ngày ở Kon Tum, chị vừa choán ngợp trước những cánh rừng bạt ngàn, vừa thảng thốt chứng kiến rừng bị phá hủy để làm đất nông nghiệp. Chị nghỉ việc, dành trọn một năm đi khắp Tây Nguyên, lại chứng kiến tình trạng độc canh, lạm dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật…

Chị Hương xót xa: Không lẽ con người cứ mãi hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại luôn cả cuộc sống của chính mình và lớp lớp con cháu mình. Tại sao cứ phải phá rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, không lẽ không có phương thức canh tác nông nghiệp nào bền vững - vừa cho con người, vừa cho tự nhiên ư? Những câu hỏi ấy trở đi trở lại trong tâm trí chị đầy day dứt.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Chị Nguyễn Thị Thu (giữa, chuyên gia của Qũy Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh) đã luôn đồng hành cùng chị Hương và Senka - từ những ngày chị Hương “tầm sư” học kiến thức về nông nghiệp bền vững.

Một lần, chị đọc được cuốn “Cuộc cách mạng của một cọng rơm” của tác giả người Nhật Bản Masanobu Fukuoka, và chị thức tỉnh. Chị đã tìm đến, đã gõ cửa những người đi trước trong cộng đồng làm nông nghiệp tử tế. Sau nhiều tháng ngày, với không biết bao nhiêu chuyến “tầm sư”, dự án “Hoàn thiện mô hình canh tác vườn rừng kết hợp với chế biến nâng cao giá trị nông sản địa phương” và SenKa Hill của chị đã ra đời. Trước mắt, chị hoàn thiện mô hình vườn rừng khép kín, hỗ trợ lao động nữ tại địa phương. Với vườn rừng, chị trồng xen canh cây lâu năm và cây lương thực, dược liệu, rau màu ngắn ngày tạo thành một hệ sinh thái rừng đa tầng tán thu nhỏ.

Senka sử dụng phân bón hữu cơ tại chỗ, canh tác không thuốc bảo vệ thực vật.  Từ đó dần dần trở thành cách làm nông nghiệp bền vững, không hóa chất, tạo được sinh kế dài lâu mà không phải đốn hạ cây lâu năm, không tổn hại đến môi trường tự nhiên. Để lấy ngắn nuôi kế hoạch dài, chị Hương chế biến, hoàn thiện và nâng cấp giá trị nông sản sẵn có tại địa phương như: Sắn dây, lạc, dong, mít, quýt vòi, hồng trứng…

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Chị Hương đã mày mò nghiên cứu, chế biến kết hợp sắn dây với các loại dược liệu tốt cho sức khỏe.

Senka vẫn đang như đứa trẻ dò từng bước đi, thu nhập từ mô hình vườn rừng mới dừng ở mức “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Sống cuộc sống vắng lặng giữa đồi rừng, lao động nặng nhọc, khắc khổ hơn bất cứ người nông dân bản xứ nào; song, đó lại là những tháng ngày chị Hương thấy hạnh phục nhất. Chị bảo nhìn đồi trọc dần dần được phủ xanh, các loại cây trồng tươi tốt dần thay thế cho độc canh cây sắn - chị mới thực sự thấy cuộc đời mình có ý nghĩa.

Trên con đường làm kinh tế gắn với phát triển rừng bền vững của Ngọc Lặc nói riêng và xứ Thanh nói chung, những người tiên phong như chị Hương chắc chắn còn gặp nhiều cam khó; song tôi tin họ sẽ thành công và vươn xa, bởi đó cũng chính là con đường đúng đắn, lâu dài của nông nghiệp Việt.

Bài 4: Người đi tìm bình an trong màu xanh của rừng -0

Không phải làm phiên dịch, kỹ sư cho công ty nước ngoài nay đây mai đó; mà chính những vất vả, nhọc nhằn như thế này - cùng với ước mơ canh tác nông nghiệp bền vững đã cho chị Hương hạnh phúc và giúp chị tìm được ý nghĩa của cuộc sống.

HẾT

Bài 1: Đưa giấc mơ “mì ngô của người Nùng” ra quốc tế

Bài 2: Người phụ nữ bản Thổ khát vọng hồi sinh những cánh rừng và giấc mơ sinh kế bền vững

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại