Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông Vùng đồng bằng sông Hồng

Bài 3: Liên kết để cùng phát triển

Trước những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để triển khai hiệu quả các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Ðồng thời, các địa phương cũng đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan cơ chế, chính sách, cần được các bộ, ngành Trung ương sớm giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Bến Rừng kết nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5/2024.
Cầu Bến Rừng kết nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5/2024.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, thành phố định hướng tập trung phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị-dịch vụ-du lịch kết nối với khu vực và thế giới. Theo đó, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng luôn là một trong những lĩnh vực được quan tâm, chú trọng trong kế hoạch của thành phố nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị.

Thành phố Hải Phòng ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; xác định nguồn vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để đầu tư các công trình trọng điểm, động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng, kết nối các phương thức vận tải khác nhau. Hệ thống đường bộ sẽ tập trung các công trình giao thông đối ngoại kết nối liên tỉnh, liên vùng với việc chủ động đề xuất, phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan chấp thuận cho thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp toàn tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, Quốc lộ 17B đoạn đi qua địa bàn thành phố; triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn 2 tuyến Quốc lộ 37; đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng và hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận Hải Phòng; triển khai xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 2, vành đai 3…

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng cho biết, Hải Phòng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành các công trình kết nối với Quảng Ninh như: Cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; kết nối với Thái Bình như: cầu vượt sông Hóa và tuyến đường bộ Hải Phòng-Thái Bình; tiếp tục phối hợp với các địa phương trong khu vực thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải xuyên biên giới Việt-Trung; phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng kết nối các địa phương lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu kinh tế-xã hội của người dân.

Mặt khác, Hải Phòng cũng triển khai xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 thành phố; đề xuất với Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan để sớm cải tạo các tuyến hành lang đường thủy nội địa kết nối Hải Phòng-Quảng Ninh với Hà Nội-Việt Trì-Thái Bình-Nam Ðịnh-Ninh Bình; đề xuất cải tạo đường sắt Hà Nội-Hải Phòng kết nối với Lào Cai và nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt kết nối với khu vực cảng biển Hải Phòng; phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà ga hành khách T2 sân bay Cát Bi, mở rộng sân đỗ máy bay giai đoạn 2, Nhà ga hàng hóa và nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng…

Hiện nay, Quảng Ninh đã hoàn thiện và thông qua quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng đồng bộ, tăng cường kết nối các khu vực trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của tỉnh; khai thác hiệu quả các loại hình vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics... Từ định hướng này, tỉnh tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng giao thông, cả về cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường không, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế.

Quảng Ninh thực hiện phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực, có tính lan tỏa cao đã giúp tỉnh huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược, tạo sức lan tỏa, trọng tâm là hạ tầng giao thông, dịch vụ, du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh Hoàng Quang Hải cho biết: Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai một số tuyến giao thông chính như: Cao tốc Nội Bài-Hạ Long, cao tốc Lạng Sơn-Tiên Yên, đường sắt Hải Phòng-Hạ Long, đường sắt Hạ Long-Móng Cái... và đầu tư các công trình giao thông kết nối liên vùng gồm: Ðầu tư xây dựng các dự án cầu Lại Xuân; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B và Quốc lộ 279; dự án đường nối Quốc lộ 18 và đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu triển khai quy hoạch các tuyến đường sắt trọng điểm theo quy hoạch đường sắt quốc gia.

Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Chương trình hành động số 35-Ctr/TU ngày 15/2/2023. Tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả phù hợp với xu hướng phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, có tính lan tỏa, kết nối vùng, liên kết vùng như: Dự án đường vành đai 4, vành đai 3,5... Hưng Yên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như: Dự án đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình giai đoạn 2; Dự án xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình...

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên Trần Minh Hải: Tỉnh đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất Chính phủ phân cấp cho địa phương chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa hơn 10ha trong hạn mức chuyển đổi đất lúa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho địa phương trong 5 năm, 10 năm để thuận lợi trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa được phép chuyển mục đích sang mục đích khác để thực hiện các dự án quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội theo phương án Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh...

Ngày 8/2/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này nêu rõ: "...Ưu tiên huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò dẫn dắt nguồn lực khu vực tư nhân để đầu tư các công trình trọng điểm, động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng, kết nối các phương thức vận tải khác nhau; tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức, phát huy lợi thế về cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và các hành lang kết nối của vùng; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến Metro tại Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc...".

"Cần có biện pháp, lộ trình cụ thể kết nối nguồn lực các địa phương trong vùng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm có tính khớp nối, khắc phục các điểm nghẽn của "trục khuỷu giao thông" cản trở liên kết vùng. Ðây cũng là những dự án nhằm tăng cường kết nối nông thôn-thành thị, vùng thấp-vùng cao, công nghiệp-dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền; đồng thời nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch của Vùng...".

Ðồng chí NGUYỄN XUÂN KÝ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

---------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân, Trang Ðồng bằng sông Hồng số ra ngày 25/5 và 1/6/2023.