Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Làm gì để "cất cánh"?

Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Ðây chính là thách thức lớn đòi hỏi cần tập trung triển khai những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn.
Tiết mục biểu diễn âm nhạc dân tộc phục vụ du khách đến tham quan Bảo tàng áo dài (TP Hồ Chí Minh).
Tiết mục biểu diễn âm nhạc dân tộc phục vụ du khách đến tham quan Bảo tàng áo dài (TP Hồ Chí Minh).

Ðể "mở đường" cho công nghiệp văn hóa phát triển, Hà Nội, Ðà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Ðó là nền tảng để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, thể hiện sự đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo về một lĩnh vực kinh tế còn mới mẻ.

Đổi mới tư duy về công nghiệp văn hóa

Tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% GRDP của thành phố. Nghị quyết cũng đưa ra những giải pháp cụ thể như hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái cho công nghiệp văn hóa... Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND triển khai thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030" nhằm xây dựng Ðà Nẵng trở thành một trong những trung tâm văn hóa phát triển của đất nước, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế, phấn đấu trở thành một trong những thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Nâng cao ý thức văn hóa trong tất cả lĩnh vực kinh tế-xã hội; phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa ít nhất 2% tổng chi ngân sách hằng năm.

Vấn đề là làm thế nào để biến những chủ trương này thành các chính sách cụ thể? Ðể đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Hà Nội, Ðà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp, vì vậy, cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này. Ðây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá... Vì vậy, tạo môi trường sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo là một giải pháp quan trọng. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa cũng là giải pháp căn bản phát triển ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh giải pháp khác.

Nhà nghiên cứu không gian sáng tạo Trương Uyên Ly đề xuất, để phát triển lành mạnh thị trường văn hóa, cần định hướng hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa bằng những cơ chế chính sách kiến tạo, như: Miễn giảm thuế, cho thuê ưu đãi dài hạn mặt bằng, tăng cường bảo hộ bản quyền...; tập trung cho những dự án tiềm năng có thể mang lại hiệu quả cao để hoàn thành mục tiêu chung là phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, cần những giải pháp để tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thế mạnh như: Thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế... hay "đón đầu" các làn sóng mới.

Chính quyền thành phố Ðà Nẵng đã có những động thái đặc biệt đối với phát triển công nghiệp văn hóa, tập trung vào lợi thế của thành phố là du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn. Thành phố bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo điều kiện chuyển giao các hình thức nghệ thuật biểu diễn phổ biến trên thế giới vào Ðà Nẵng để tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho ngành công nghiệp văn hóa Ðà Nẵng; đồng thời tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống. Bảo tồn và phát huy biểu diễn nghệ thuật truyền thống là nghệ thuật tuồng xứ Quảng và nghệ thuật hô hát Bài Chòi; tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trong bước hoàn tất cuối cùng để có thể ban hành Ðề án phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố đến năm 2030. Dù yếu tố con người giữ vai trò quan trọng, nhưng theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của Ðề án phải hướng đến một nền "văn hóa đỉnh cao" mà một thành phố lớn cần phải có. Ðó là đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất và trình độ nguồn nhân lực. Do đó, Ðề án cần chú trọng các loại hình văn hóa điển hình, đặc trưng mang bản sắc của Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ, như Ðờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương,...

Xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích các hoạt động sáng tạo

Ðể có các ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta cần hội tụ và kết nối đầy đủ bốn thành tố là tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa cần sự vận hành theo cơ chế của kinh tế thị trường và cũng rất cần vai trò "bà đỡ" và quản lý của Nhà nước. Cần thực hiện các chính sách về đất đai, thuế, giá, Nhà nước đặt hàng... để khuyến khích công nghiệp văn hóa phát triển. Cần hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, mà trước hết là tạo địa vị pháp lý cho các ngành công nghiệp văn hóa. Thực tế vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp và thực tiễn cuộc sống, nhiều khoảng trống pháp lý chưa được pháp luật điều chỉnh, nhất là trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số.

Trên vai trò quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ðà Nẵng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ có cơ chế chính sách phù hợp để các địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực hiện kế hoạch trong các giai đoạn tiếp theo. Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam liên quan chức năng của nhiều bộ, ngành Trung ương, vì vậy đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, thống nhất quan điểm chỉ đạo về chức năng quản lý để hướng dẫn văn bản pháp lý, tạo điều kiện về mọi phương diện để địa phương thực hiện thành công kế hoạch đã đề ra. Ðồng thời cần tổ chức các lớp tập huấn trên cơ sở mẫu điển hình trong quá trình triển khai thực hiện để các tỉnh, thành phố học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Ở khối làng nghề thủ công mỹ nghệ, GS, TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) cho biết: "Thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội nói riêng, trong nước nói chung hoàn toàn có cơ sở trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Công việc này, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ sở sản xuất, các làng nghề, sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp, thì rất cần sự hỗ trợ, quản lý, điều tiết vĩ mô thống nhất, sự liên kết phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng". Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho rằng, Hà Nội nên xây dựng một nguồn quỹ để hỗ trợ các bạn trẻ học nghề truyền thống, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo ở các làng nghề.

Ðối với những không gian sáng tạo-động lực quan trọng để phát triển nhiều ngành công nghiệp văn hóa, ông Lê Quang Bình, điều phối viên của mạng lưới "Vì một Hà Nội đáng sống" đề nghị thành phố có cách tiếp cận mới, xây dựng cơ chế đặc thù để khuyến khích hoạt động của các không gian sáng tạo. Hiện nay, Hà Nội đang di dời nhiều cơ sở công nghiệp khỏi nội đô, đây là cơ hội để thành phố tái thiết các di sản công nghiệp thành những không gian sáng tạo, đặc biệt là cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng các không gian sáng tạo.

Về lĩnh vực du lịch văn hóa, Ðà Nẵng khuyến khích phát triển du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch gắn với các hoạt động lễ hội truyền thống và hiện đại ở địa phương, đa dạng hóa các chương trình nghệ thuật, sô diễn, các hoạt động dịch vụ tại các nhà hát, bảo tàng trên địa bàn thành phố... Khôi phục và bảo tồn các ngành nghề, làng nghề truyền thống như: Nhà truyền thống nghề cá phường An Hải Tây, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Làng dệt chiếu Cấm Nê, Làng thúng rái Phước Hưng, Làng chè xanh Phú Thượng, Làng bánh tráng Túy Loan... Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình phát triển văn hóa, du lịch với các dự án phát triển kinh tế-xã hội khác; khuyến khích đóng góp từ thu nhập du lịch của các doanh nghiệp cho hoạt động bảo tồn, phục hồi các giá trị về văn hóa, sinh thái, bảo đảm phát triển du lịch theo hướng bền vững.

***

Thời gian qua, bức tranh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có nhiều điểm sáng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Ðể công nghiệp văn hóa ở Việt Nam phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đề ra trong thời gian tới thì khối lượng công việc tiếp theo còn rất nhiều, trong đó hình thành đồng bộ các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển là nhiệm vụ rất quan trọng.

-------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 7 và 8/12/2022.