Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Bài 2: Những “điểm nghẽn” và nguyên nhân

Mặc dù các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực biến những giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế, song những giá trị này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có, do nhiều nguyên nhân, trong đó có những “ điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Các bạn trẻ làm việc tại The XOAY, một không gian giao lưu, kết nối nghệ thuật, sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: MAI NGỌC)
Các bạn trẻ làm việc tại The XOAY, một không gian giao lưu, kết nối nghệ thuật, sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: MAI NGỌC)

Ở nước ta, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực kinh tế còn mới mẻ và do đó vẫn còn không ít khó khăn và bất cập trong triển khai thực hiện.

Còn “khoảng trống” về nhận thức và chính sách

Về thực trạng các ngành công nghiệp văn hóa, PGS, TS Trần Hoàng Ngân-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành công nghiệp văn hóa chưa được đầu tư đủ mạnh, chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô lớn, thị trường văn hóa phát triển còn manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp.

Lý giải vì sao ở nước ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật, nhưng lại chưa có các ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa, PGS, TS Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường vụ Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Các ngành công nghiệp văn hóa là những lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, vì vậy, việc tồn tại các ngành nghệ thuật không bảo đảm rằng các ngành này đương nhiên trở thành các ngành công nghiệp văn hóa.

Dẫn chứng dễ nhận thấy như ngành điện ảnh, lĩnh vực được chọn tiên phong trong đầu tư xây dựng công nghiệp văn hóa cũng mới chỉ có những bước tiến nhỏ. Dấu hiệu tăng trưởng được ghi nhận lớn nhất của ngành mới chỉ dừng lại ở số lượng hãng phim, cụm rạp..., trong khi thị phần phim Việt mới chiếm chưa đến 30%.

Hà Nội là nơi “đóng đô” của tất cả các cơ quan điện ảnh ở Trung ương; hệ thống rạp chiếu phim ở Hà Nội đứng thứ hai cả nước về số phòng chiếu. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã có tên trên “bản đồ” liên hoan phim quốc tế khi được tổ chức thường xuyên từ năm 2012.

Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ làm phim của Hà Nội vừa thiếu, vừa yếu. Để phát triển công nghiệp điện ảnh cần có nhiều phim sản xuất trong nước. Song, với thực tế hiện nay, Hà Nội rất khó sản xuất được những bộ phim có sức hấp dẫn khi ra rạp.

Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cơ sở vật chất của các nhà hát, địa điểm biểu diễn chưa đáp ứng được yêu cầu, sự đầu tư, quảng bá còn hạn chế, nội dung hoạt động chưa phong phú. Sự kiện âm nhạc Lễ hội Gió mùa (Moonsoon Music Festival) tại Hà Nội dù đã trở thành một thương hiệu quốc tế, thu hút hàng trăm nhà sản xuất âm nhạc, ca sĩ đến từ nhiều nước, tuy nhiên, nhà tổ chức sự kiện là nhạc sĩ Quốc Trung hầu như không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Nếu vì một lý do nào đó, nghệ sĩ Quốc Trung dừng tổ chức, Hà Nội cũng sẽ “mất” luôn một sự kiện âm nhạc tầm cỡ quốc tế. Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: “Chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh ở trong nước và nước ngoài. Việc đầu tiên là cần thay đổi cách tư duy, cần xây dựng những tác phẩm một cách nghiêm túc, có tầm nhìn, có đầu tư về mọi mặt để có sức sống lâu dài và thuyết phục mọi tầng lớp khán giả”.

Chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh ở trong nước và nước ngoài. Việc đầu tiên là cần thay đổi cách tư duy, cần xây dựng những tác phẩm một cách nghiêm túc, có tầm nhìn, có đầu tư về mọi mặt để có sức sống lâu dài và thuyết phục mọi tầng lớp khán giả.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho rằng: “Một dự án nghệ thuật đỉnh cao, muốn thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và nước ngoài, cần được đầu tư về mọi mặt và có tuổi đời hoạt động từ 10 năm đến 20 năm. Tuổi đời các dự án nghệ thuật ngắn khiến giá thành sản xuất cao, dẫn đến đầu tư qua loa, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm cũng như giảm sức hút tới công chúng”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sân khấu tư nhân như Hoàng Thái Thanh, sân khấu kịch Hồng Vân… đã không còn lịch diễn thường xuyên vào dịp cuối tuần mà chuyển sang tổ chức diễn theo mùa, hay lịch diễn không cố định.

Dù là trung tâm du lịch của cả nước, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có sản phẩm du lịch văn hóa nào đủ tầm vóc mang nét đặc trưng của thành phố để thu hút du khách. Gần đây, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt sản phẩm văn hóa về hát bội, là bước khởi động đáng khích lệ trong việc xây dựng sản phẩm văn hóa tiêu biểu của thành phố.

Hà Nội từng có những không gian sáng tạo có tiếng như: Zone 9, 60s Thổ Quan… nhưng đều đã đóng cửa vì lý do mặt bằng. Hiện nay, thành phố đang có một số không gian sáng tạo với nhiều hoạt động phong phú như: Ơ kìa Hà Nội, Complex 01, 282 Design…, nhưng hầu hết cũng gặp khó khăn về mặt bằng. Ơ kìa Hà Nội liên tục phải đổi địa điểm trong mấy năm qua, hiện phải “lên tầng” trong một khu tập thể cũ.

Complex 01 không chỉ là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo, mà còn là một điển hình về tái thiết di sản công nghiệp (được xây dựng trên nền một nhà in cũ). Tuy nhiên, với hợp đồng thuê mặt bằng hai năm/lần, các chủ đầu tư luôn trong tình trạng lo lắng, bao nhiêu tâm huyết đầu tư thiết kế, tạo dựng không gian có thể biến mất “trong tích tắc”.

Doanh nhân Nguyễn Bùi Vũ, chủ đầu tư của Complex 01 cho biết: “Hiện nhận thức về công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ, do đó, lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi vẫn bị coi như hoạt động của một doanh nghiệp bình thường. Đầu tư vào công nghiệp văn hóa có yếu tố rủi ro khá lớn. Nếu có chính sách “đỡ đầu” thì công nghiệp văn hóa mở ra tiềm năng rất lớn”.

Đầu tư vào công nghiệp văn hóa có yếu tố rủi ro khá lớn. Nếu có chính sách “đỡ đầu” thì công nghiệp văn hóa mở ra tiềm năng rất lớn”.

Doanh nhân Nguyễn Bùi Vũ

Đầu tư ít

Một nhà nghiên cứu về văn hóa cho biết, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu năng động và linh hoạt, nhiều quy định hành chính mang tính quan liêu, chồng chéo, phức tạp, ảnh hưởng nhiệt huyết sáng tạo của những người làm nghề. Về tổng thể, đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn thấp, hiệu quả chưa cao, vẫn dựa chủ yếu vào nguồn lực nhà nước.

Theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa tại Đà Nẵng vẫn còn thụ động, chưa có quy mô lớn. Những năm qua, ngân sách thành phố đã quan tâm đầu tư cho các hoạt động phát hành phim, biểu diễn nghệ thuật. Ngoài đầu tư các hoạt động thường xuyên, các cơ sở vật chất trong lĩnh vực này đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, tuy nhiên còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Đầu tư của các đơn vị ngoài công lập còn hạn chế về quy mô và tính chuyên nghiệp. Hầu hết các đơn vị ngoài công lập đều khá non trẻ, quy mô vốn không nhiều, mặt bằng kinh doanh không ổn định, các đơn vị phát hành phim ngoài công lập chủ yếu đi thuê mặt bằng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh chỉ có rạp chiếu, chưa đầu tư sản xuất và phát hành phim; các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chưa sản xuất chương trình, thu âm xuất bản CD…

Nguồn nhân lực hạn chế về số lượng và chất lượng chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật mới chưa được đầu tư lớn trong công tác dàn dựng trước khi biểu diễn. Chính sách đãi ngộ đối với người làm văn hóa, nghệ thuật chưa có tính đột phá để có thể thu hút nhân tài.

NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) dẫn chứng: Phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống rất khó khăn. Trừ trường hợp Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội) hoạt động hiệu quả, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp hầu như chưa “thu lời”. Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương “sống” bằng đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số đơn vị khác thì đang bắt đầu khởi động việc xã hội hóa để thực hiện tự chủ từng phần, vì đây là xu thế tất yếu.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đã được thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Theo đó, đến năm 2025, thành phố sẽ cho Nhà hát thực hiện tự chủ khoảng 20% và sau đó mỗi năm tăng thêm 2% và đến một mức nào đó thì sẽ dừng lại (thí dụ 30 hoặc 35%). Theo lộ trình, Nhà hát phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm Tuồng của khu vực miền Trung. Đây là mục tiêu có thể đạt được, còn vấn đề tự chủ thì rất khó.

Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền xảy ra nghiêm trọng, làm tăng “điểm nghẽn” trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vi phạm bản quyền, quyền tác giả xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi ngành từ âm nhạc, phim ảnh cho đến thiết kế phần mềm, hàng thủ công mỹ nghệ, thời trang, đồ nội thất...

Theo báo cáo nghiên cứu thực thi quyền Sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa sáng tạo Việt Nam, các sản phẩm văn hóa bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất có thể kể đến là: âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình (76,9%), điện ảnh (71,6%); các ngành khác như xuất bản phẩm, chương trình máy tính đều có tỷ lệ hơn 50%.

(Còn nữa)

Bài 1: Biến tiềm năng thành nguồn lợi kinh tế