Gỡ nút thắt, tạo đòn bẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Bài 3: Kiến tạo thị trường cho công nghiệp văn hóa

Để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, một yếu tố không thể thiếu đó là thị trường. Chỉ khi kiến tạo được thị trường năng động, hiệu quả thì các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp văn hóa mới phát huy giá trị, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, xây dựng thương hiệu công nghiệp văn hóa của quốc gia và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình "Hòa nhạc ánh sáng - chào năm mới 2025" do Báo Nhân Dân, UBND TP Hà Nội, quận Tây Hồ phối hợp tổ chức.
Chương trình "Hòa nhạc ánh sáng - chào năm mới 2025" do Báo Nhân Dân, UBND TP Hà Nội, quận Tây Hồ phối hợp tổ chức.

Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33), Đảng ta xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện đó là “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 33 đi vào cuộc sống, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

Trong các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, Chiến lược đề ra yêu cầu về việc phát triển thị trường với những điểm nhấn cụ thể đó là: từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước; sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường văn hóa trong nước và quốc tế; huy động các nguồn lực trong xã hội để hình thành và phát triển 3 trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm gắn với các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tham gia và phát triển thị trường quốc tế. Mới đây, ngày 29/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó tiếp tục chỉ rõ yêu cầu về việc phát triển thị trường theo hướng từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế.

Với dân số hiện xấp xỉ 100 triệu người, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để kiến tạo một thị trường trong nước giàu tiềm năng cho ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên thị trường này mang tính đặc thù cho nên việc xác định giá trị không thể áp dụng theo những tiêu chuẩn “cân-đo-đong đếm” như thông thường. Thay vào đó các yếu tố như bản sắc văn hóa của địa phương, vùng miền, dấu ấn của văn hóa quốc gia, tính sáng tạo của các chủ thể tham gia,... phải được đề cao giúp tạo ra được ưu thế cạnh tranh, nhất là khi hội nhập với thế giới. Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng văn hóa hết sức đa dạng với những yêu cầu ngày càng khắt khe. Chưa kể với nhiều người, các sản phẩm/dịch vụ văn hóa không được xếp vào loại nhu cầu thiết yếu cho nên việc sử dụng/tiêu dùng không thường xuyên cũng đặt ra những thách thức, áp lực không nhỏ cho thị trường này.

Kể từ khi Nghị quyết 33 và Chiến lược văn hóa được phê duyệt và triển khai trên thực tế, thị trường công nghiệp văn hóa đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên xét về tổng thể vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, chưa xứng với tiềm năng. Dù có nhiều nỗ lực song nhìn chung, các sản phẩm công nghiệp văn hóa hiện nay ở nước ta vẫn chưa thật sự đa dạng, chất lượng chưa đồng đều, thiếu những sản phẩm có dấu ấn riêng đặc sắc cho nên thiếu tính cạnh tranh và khó thu hút được người tiêu dùng để tạo nên nhu cầu thường xuyên mà mới chỉ hình thành trào lưu có tính nhất thời. Sự hình thành cộng đồng người tiêu dùng trong lĩnh vực văn hóa thiếu bền vững. Nhiều đơn vị công lập lâu nay vốn hoạt động theo cơ chế bao cấp, từ đó hình thành tâm lý ngại thay đổi, hầu như chỉ tập trung khai thác những sản phẩm/dịch vụ truyền thống với nội dung, hình thức khá đơn điệu, nghèo nàn cho nên dần trở nên kém hấp dẫn với công chúng. Trong khi thiếu những sản phẩm mới có tính đột phá thì thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài, sản phẩm đạo nhái, vi phạm bản quyền,... đe dọa sự phát triển lành mạnh của công nghiệp văn hóa.

PGS, TS Vũ Trọng Lâm đánh giá: Việt Nam chưa hình thành được hệ thống thị trường công nghiệp văn hóa hiện đại, thống nhất, cạnh tranh lành mạnh gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thị trường công nghiệp văn hóa còn non yếu, hàm lượng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, phân phối, lưu thông sản phẩm văn hóa còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh ở cả trong nước và trên thị trường quốc tế; nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của thị trường công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế. Dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền thông, marketing, ông Lê Quốc Vinh phân tích: Ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam muốn phát triển phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành kinh tế thị trường, với 6 thành phần gồm: (1) nhà đầu tư; (2) nhà quản trị kinh doanh; (3) nhân lực sáng tạo; (4) khâu trung gian (nhà thầu, nhà phân phối...); (5) người tiêu thụ; (6) nhà quản lý. Tuy nhiên, theo ông Vinh hiện nay, mọi cơ sở pháp lý, văn bản luật về công nghiệp văn hóa đều chỉ đang hướng tới các nhóm (3), (5), (6), phần nào đó hỗ trợ cho nhóm (4), còn hoàn toàn chưa quan tâm đến lợi ích của nhóm số (1), (2) - tức các nhà đầu tư, nhà quản trị kinh doanh.

Mặt khác, các sản phẩm văn hóa sáng tạo là loại sản phẩm đặc biệt, có tác động sâu sắc đến xã hội cho nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, do đó rào cản để ra với thị trường cũng lớn hơn so với sản phẩm ở các ngành, lĩnh vực khác. Đối với nhiều nhà đầu tư, điều này đặt ra nguy cơ rủi ro cao, do đó sự nhập cuộc vào chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa còn dè dặt và chưa hiệu quả. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Đầu tiên, cần kiến tạo môi trường kinh doanh văn hóa lành mạnh, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế thị trường, cải thiện hệ thống chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa. Song song đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giá cả phù hợp với nhiều đối tượng; không ngừng đa dạng nguồn cung ứng cho thị trường. Khuyến khích, mở rộng văn hóa tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng mới trong cộng đồng. Đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu,... Bên cạnh đó, cần tiếp tục chú trọng công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm văn hóa Việt; quan tâm đầu tư, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp văn hóa; ban hành cơ chế chính sách để thu hút sự tham gia của các thành phần trong xã hội vào các hoạt động sản xuất-tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ văn hóa.

Thời gian qua, tại một số địa phương, ban, ngành, và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã quan tâm đầu tư, xây dựng, mở rộng thị trường cho công nghiệp văn hóa. Không chỉ khai thác các thị trường truyền thống, nhiều đơn vị đã tận dụng thế mạnh của công nghệ số, mạng xã hội để hướng đến các thị trường mới. Song có lúc, có nơi sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, người đứng đầu cơ quan đơn vị đối với công nghiệp văn hóa chưa được đầy đủ, kịp thời, sự liên kết, phối hợp giữa các đầu mối còn lỏng lẻo. Hệ quả là người dân trên địa bàn thờ ơ với các sản phẩm/dịch vụ của công nghiệp văn hóa; thị trường cho công nghiệp văn hóa vì vậy chưa được hình thành đúng nghĩa. Thực trạng này đặt ra yêu cầu thời gian tới phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển công nghiệp văn hóa như lĩnh vực có tầm quan trọng trong sự phát triển của quốc gia, góp phần hình thành năng lực cạnh tranh quốc tế; từng bước xây dựng thói quen sử dụng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa thay cho tâm lý “sính ngoại”. Không chỉ tập trung phát triển thị trường công nghiệp văn hóa ở các thành phố lớn mà cần mở rộng đến khu vực nông thôn, nơi đang tập trung hơn 60% dân số Việt Nam; đồng thời cần nhanh chóng định vị sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế...
-----------------
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra các ngày 14, 17/1/2025.
(Tiếp theo và hết) (★)