Tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật

Những bất cập, hạn chế của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đã gây khó khăn, vướng mắc, hình thành các "điểm nghẽn", khiến người dân, tổ chức và doanh nghiệp chậm trễ trong thụ hưởng các quyền lợi chính đáng, gây ra lãng phí rất lớn. Trước tình hình đó, việc đổi mới quy trình xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể đang trở thành một yêu cầu cấp bách hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bài 2: Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật

Tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, bất cập, có dấu hiệu sai quy định pháp luật hoặc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật những năm qua tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội, là một biểu hiện của lãng phí cần được ngăn chặn. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2016-2023, cả nước đã phát hiện và có kết luận kiểm tra đối với 4.294 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Còn theo báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023 cho biết, các cơ quan của Quốc hội phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 7 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hoặc còn những vướng mắc, bất cập, có thể tạo kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện.

Vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cụ thể như trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; trong đó văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22-25 tháng. Ngoài ra, có 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 1 pháp lệnh, 5 nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản. Kết quả trên đây đã chỉ ra một nghịch lý đó là trong khi thời hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật đang có xu hướng bị rút ngắn thì thời gian xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lại bị trì hoãn, chậm trễ, kéo dài so với kế hoạch dự kiến.

Một số quy định pháp luật đã có hiệu lực nhưng không thể thi hành vì tình trạng "luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư". Trong đó, có trường hợp nợ, đọng văn bản quy phạm pháp luật kéo dài đến hàng năm dù đã nhận được kết luận, kiến nghị hướng xử lý cụ thể trong kỳ giám sát trước. Mặc dù mất nhiều thời gian soạn thảo song một số lượng không nhỏ dự luật "vừa thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí chưa thi hành cũng phải sửa" vì lỗi thời, không thể đáp ứng trước sự chuyển biến nhanh chóng của đời sống kinh tế-xã hội. Ðiều này gây lãng phí rất lớn về nhân lực và các nguồn lực khác, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các cá nhân, pháp nhân chịu tác động của những chính sách, pháp luật đó.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nổi lên trong số đó là những vướng mắc ngay từ chính quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Dù chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật đã có sự cải thiện đáng kể từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) có hiệu lực nhưng không ít trình tự, thủ tục được quy định trong luật đã không còn phù hợp theo thời gian.

Một số nội dung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 từng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong tư duy lập pháp như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng lại không thể triển khai hiệu quả vì quá phức tạp. Ðiển hình là một số dự án, pháp lệnh, nghị quyết mà thực tiễn yêu cầu phải triển khai ngay để ứng phó với tình trạng khẩn cấp khi dịch Covid-19 xảy ra như chính sách giảm thuế, hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu, duy trì sản xuất an toàn, ổn định trong đại dịch… song vẫn phải tuân thủ nhiều quy trình được đánh giá là trùng lặp, máy móc.

Hay Nghị định số 02/2017/NÐ-CP Chính phủ ban hành ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đã phát huy hiệu quả trong thực tế nhưng qua thời gian đã bộc lộ một số bất cập trong mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục, phạm vi hỗ trợ cho đồng bào trong những vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai mà gần đây là bão Yagi. Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 02/2017/NÐ-CP nhằm khắc phục những bất cập trên vẫn đang tiếp tục được thẩm định.

Việc đổi mới quy trình xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với thực tế sinh động của đất nước, gắn quyền lợi chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm đang trở thành một yêu cầu cấp bách hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Ðảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính chất mở đường cho công tác xây dựng pháp luật mà điển hình là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Một trong các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đề cập trong Nghị quyết số 27-NQ/TW chính là "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Quy định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách, phân định rõ quy trình lập pháp và quy trình xây dựng văn bản dưới luật". Từ đó, góp phần vào "xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận".

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh "Ðổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể". Ngày 7/11, làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của ngành Tư pháp từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XIII của Ðảng đến nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra kết luận với nhiều nội dung có tính chất gợi mở, trong đó đáng chú ý là yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật với 3 bảo đảm: Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao "năng suất và chất lượng" xây dựng pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế chính sách và các quy định pháp luật.

Nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là những định hướng quan trọng để đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới. Theo đó yêu cầu đặt ra là cần phải thể chế hóa quan điểm đổi mới của Ðảng về quy trình xây dựng văn bản pháp luật trong Luật thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 theo hướng xóa bỏ những bất cập hiện tại; sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm rút ngắn thời gian xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản; đơn giản hóa, giảm tầng nấc, loại hình văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng của văn bản.

Thời gian qua, đề cương chi tiết dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật. Trong đó, có những điểm nổi bật như làm rõ quy định về xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn; giảm các trường hợp phải đánh giá tác động chính sách, lược bỏ bớt một số nội dung hoặc gộp nội dung đánh giá tác động về giới, thủ tục hành chính vào nội dung đánh giá tác động kinh tế-xã hội; đổi mới việc lập Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, quy trình đơn giản, rõ ràng, minh bạch, đáp ứng nhanh, kịp thời việc xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Tăng tính linh hoạt, giúp các tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận, lấy ý kiến trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bằng việc đề xuất sử dụng hệ thống dữ liệu pháp luật thông minh có khả năng trích xuất văn bản, trợ lý ảo, công cụ dịch thuật, trí tuệ nhân tạo; đồng thời rút gọn nhiều thủ tục, tiêu chí, quy trình đối với các văn bản dưới luật của bộ, ngành và chính quyền địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hơn đối với việc sử dụng kỹ thuật "một luật sửa nhiều luật" trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay bởi lẽ, ngoài những lợi ích đã được kiểm chứng như tiết kiệm chi phí, thời gian, kỹ thuật này cũng tiềm ẩn những rủi ro như nguy cơ tăng thêm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật nếu không được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng với quá trình rà soát, chống trùng lặp trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Ðồng thời cần nhận thức rằng những nội dung cải tiến trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chỉ thực sự phát huy tác dụng khi vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân, chủ thể trong đánh giá tác động chính sách, xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao. Quán triệt quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Nếu những yêu cầu nêu trên được giải quyết, việc đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới đạt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực do Ðảng ta và Tổng Bí thư Tô Lâm phát động.

(Còn nữa)

-------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13/12/2024.