Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành ngày 8/9/2016 kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Chiến lược văn hóa) đã triển khai được gần 10 năm. Tuy nhiên, thực tế ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn coi phát triển công nghiệp văn hóa là hoạt động của riêng ngành văn hóa; chưa coi công nghiệp văn hóa là hoạt động liên ngành; chưa coi công nghiệp văn hóa chính là phát triển kinh tế và cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành. Từ những nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ khiến cho việc phát triển công nghiệp văn hóa hiện còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.
Công nghiệp văn hóa có những đặc thù riêng, với chủ thể chính là những nghệ sĩ, nghệ nhân, người làm trong chuỗi kinh tế của công nghiệp văn hóa. Bản thân các đơn vị văn hóa vốn của nhà nước hiện nay cũng đang chuyển đổi hình thức sở hữu sang cổ phần hóa, hoặc chuyển sang tự chủ về tài chính. Do đó, đối với phát triển văn hóa, chính quyền đóng vai trò kiến tạo hành lang pháp lý, điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, các nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, nhà sáng tạo… có cơ hội để phát huy tối đa khả năng, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi nhận thức hiện nay ở một số cấp, ngành, địa phương diễn ra vẫn còn chậm, không đồng đều. Tư duy “Nhà nước làm”, với cách hiểu phải có dự án cụ thể thì mới phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Trong khi đó, thực tế đòi hỏi chính quyền các cấp cần chủ động phát huy vai trò của một cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với nhận thức chưa “thông”, việc thiếu đồng bộ về hệ thống chính sách khung cho công nghiệp văn hóa, việc chậm hoàn thiện thể chế văn hóa nói chung, trong đó có thể chế công nghiệp văn hóa nói riêng so với thể chế chính trị và xã hội vô hình trung tạo nên những “barie vô hình” khiến công nghiệp văn hóa khó bứt tốc.
Từ thực tiễn này cho thấy rất cần phát huy tính chủ động của các ngành, các địa phương thì mới thật sự tạo ra “đòn bẩy” để công nghiệp văn hóa phát triển đáp ứng được mục tiêu đề ra. Điển hình như Đà Nẵng đã tận dụng lợi thế của một thành phố du lịch biển để mở rộng phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa. Từ tháng 11/2017, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 9585/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Chính phủ ban hành.
Trên cơ sở đó, Đà Nẵng tập trung nâng cao chất lượng các chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật; khuyến khích tài trợ tư nhân cho các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các dự án công nghệ thông tin, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng (cải thiện chất lượng các cơ sở văn hóa, như: nhà hát, rạp chiếu phim và các trung tâm văn hóa). Trên cơ sở cách tiếp cận đổi mới, chủ động này của chính quyền thành phố, số lượng các doanh nghiệp và không gian sáng tạo đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại địa phương. Hiện tại Đà Nẵng đang trở thành một trung tâm thu hút nhiều nghệ sĩ tới sinh sống và làm việc. Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng đã trở thành một thương hiệu quốc tế mạnh. Thành phố đã đạt danh hiệu Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á do World Travel Awards trao tặng năm 2022.
Một trong những địa phương cũng gặt hái nhiều thành công nổi bật nhờ sự năng động, sáng tạo là Thủ đô Hà Nội. Năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn Thủ đô. Nhận thức được giao lưu, hội nhập quốc tế là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa, năm 2019, Hà Nội đã lập hồ sơ ứng cử và trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực Thiết kế. Mạng lưới này ra đời nhằm thúc đẩy sự giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành phố trong khai thác nguồn lực văn hóa để phát triển đô thị bền vững ở bảy lĩnh vực, gồm: thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống và âm nhạc. Tuy không hoàn toàn trùng khớp với 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, nhưng việc xây dựng Thành phố Sáng tạo có tác dụng tương hỗ rất cao trong phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố.
Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa: Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngoài 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa theo Chiến lược của Chính phủ ban hành, Hà Nội chủ động bổ sung thêm lĩnh vực thứ 13 là ẩm thực để tận dụng lợi thế về sự giàu có, phong phú, tinh tế của văn hóa ẩm thực Hà thành, vốn được mệnh danh là “kinh đô ẩm thực”. Đây chính là bước ngoặt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền khi Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương đối với từng phần việc.
Nghị quyết cũng nêu những lĩnh vực thành phố chú trọng đầu tư trong từng giai đoạn, với những mục tiêu cụ thể. Những hoạt động này đã tạo xung lực mới cho công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 200 không gian sáng tạo; hàng trăm làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ mới; hàng loạt di tích khai thác du lịch văn hóa có chiều sâu thông qua các tour trải nghiệm. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo - một trong những hoạt động chính của hành trình xây dựng Thành phố Sáng tạo được cộng đồng hưởng ứng và liên tục mở rộng về quy mô. Sau khi Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn các thành phố tiếp theo tham gia Mạng lưới gồm: Cần Thơ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hạ Long, Hải Phòng, Hội An, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Trong đó, Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tích cực triển khai lập hồ sơ ứng cử và lần lượt gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO ở các lĩnh vực âm nhạc, thủ công và nghệ thuật dân gian năm 2023.
Có những địa phương tuy không nằm trong danh sách những tỉnh, thành phố được xem xét phát triển thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, nhưng lại rất năng động trong cách thức triển khai. Khánh Hòa là một thí dụ điển hình. Những năm qua, Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển hoạt động điện ảnh. Tỉnh đã hợp tác với Hội Điện ảnh Việt Nam và doanh nghiệp để tổ chức sự kiện lễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng. Nhiều đoàn phim lựa chọn Khánh Hòa là bối cảnh quay phim vì được chính quyền quan tâm, ủng hộ, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi. Những sản phẩm văn hóa như lễ hội cồng chiêng, hát bài chòi, biểu diễn nghệ thuật đường phố, các chương trình nghệ thuật truyền thống... tổ chức trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, mang lại những hiệu quả kinh tế tích cực.
Tuy nhiên nhìn chung, các lĩnh vực công nghiệp văn hóa hiện vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, cũng như việc hình thành những doanh nghiệp mạnh. Nguyên nhân chính là nhiều lĩnh vực của công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ, đồng thời phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm quốc tế, trong khi đó nguồn nhân lực trong nước còn thiếu chuyên nghiệp cho nên việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa được xếp vào nhóm các ngành đầu tư có độ rủi ro cao. Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp văn hóa vẫn được xếp chung với các loại hình đầu tư khác, thiếu những ưu đãi cho ngành nghề đặc thù.
Mới đây, tháng 6/2024, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô, chính thức mở ra cơ chế, chính sách ưu đãi, phần nào lấy lại khí thế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Tiêu biểu như Điều 43 quy định: Dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và các ngành công nghiệp văn hóa theo danh mục chi tiết do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sẽ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Luật Thủ đô cho phép hợp tác công-tư trong lĩnh vực văn hóa; cho phép ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý các công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao; công trình kiến trúc có giá trị.
Những quy định này mở hướng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân phát huy tiềm năng, kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho công nghiệp văn hóa Thủ đô. Tuy nhiên, từ thực tế những lợi ích to lớn mà công nghiệp văn hóa đem lại, cơ chế ưu đãi này cần được xem xét nhân rộng, nhất là những địa bàn trọng điểm khác trên cả nước trong phát triển công nghiệp văn hóa, tạo sự chuyển dịch của kinh tế địa phương từ những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên sang công nghiệp văn hóa. Bởi hiện nay, ngay cả khi dành quan tâm và muốn tập trung phát triển, nhiều tỉnh, thành phố cũng không thể “xé rào” để tạo những ưu đãi thu hút nhà đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nếu chưa được luật hóa. Trong khi cần có thời gian để tháo điểm nghẽn thể chế về văn hóa, thì những kinh nghiệm của Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Lạt (Lâm Đồng)… cần được các tỉnh, thành phố tham khảo, nhằm tăng tính chủ động trong phát triển công nghiệp văn hóa tại địa phương, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để công nghiệp văn hóa cất cánh khi bộ khung chính sách được hoàn thiện.
(Còn nữa)