Ngày 18/8/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW (Chỉ thị 39) về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay. Chỉ thị xác định công tác bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp phải thường xuyên quan tâm đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, bảo đảm công tác bảo vệ chính trị nội bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, “lợi ích nhóm” và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ”. Từ đây cho thấy công tác chính trị nội bộ và bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, tại nhiều địa phương, bộ, ban, ngành, nội dung bảo vệ chính trị nội bộ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, và đạt những kết quả tích cực. Đáng chú ý hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được kịp thời bổ sung, sửa đổi nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiêu biểu có thể kể đến đó là ngày 8/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 58-QĐ/TW “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” (Quy định 58) thay thế Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị với nhiều điểm mới như việc bổ sung quy định mức giới hạn bố trí đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị phức tạp nhưng không vi phạm Quy định. Quy định số 58 cũng giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, khả năng nhận diện những vấn đề chính trị phức tạp đang diễn ra, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị của các cấp ủy đảng cũng như góp phần hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên.
Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW ngày 5/8/2022. Đồng thời Ban Tổ chức Trung ương thường xuyên phân công cán bộ lãnh đạo báo cáo các chuyên đề, trao đổi, tập huấn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ cho các địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã có những cách làm hiệu quả nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm thực hiện chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị.
Hoạt động nổi bật trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ năm 2024 tại nhiều cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị là việc tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39, trên cơ sở đó chủ động rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra yêu cầu, nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới. Đánh giá chung cho thấy nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ từng bước được nâng lên; nội dung, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, việc rà soát, thẩm định, kết luận tiêu chuẩn chính trị được thực hiện khá đồng bộ, có nhiều chuyển biến tích cực và đi vào nền nếp ở hầu hết các cấp ủy, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch và phòng, chống “diễn biến hòa bình”; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, do nhiều nguyên nhân, công tác bảo vệ chính trị nội bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập. Là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, Tiến sĩ Phan Thăng An - Ủy viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương phân tích: Một số quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa cụ thể, chưa bao quát hết những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Công tác nắm tình hình, cập nhật thông tin về chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên. Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, phân cấp chưa rõ ràng. Công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, kịp thời, còn sơ hở, mất cảnh giác.
Trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ đối với cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Định, Phó Cục trưởng Bảo vệ chính trị nội bộ đánh giá: Một số địa bàn hiện nay chưa quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh móc nối, mua chuộc, lôi kéo, tác động vào lập trường chính trị, tư tưởng, khống chế với các thủ đoạn tinh vi. Do chịu tác động của nhiều yếu tố, như điều kiện, môi trường sinh sống, làm việc, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật nước sở tại, đặc biệt là các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, khiến tình hình chính trị nội bộ trong cán bộ, đảng viên học tập, làm việc ở nước ngoài nảy sinh một số vấn đề phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình nhận diện, đấu tranh, xử lý.
Lợi dụng một số hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng trong nội bộ Đảng đang nảy sinh tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết; sự tranh giành địa vị, phe nhóm, bè phái; sự suy thoái về lý tưởng, niềm tin, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ; tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,... đang ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các đối tượng triệt để khai thác những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên để rêu rao đó là hậu quả của chế độ độc đảng, là sự yếu kém của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các đối tượng kích động người dân đứng lên đòi đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng ra sức móc nối với bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái, phai nhạt lý tưởng cách mạng làm “chân rết” trong nội bộ để thực hiện các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Thực tiễn này đòi hỏi công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong thời gian tới cần chú trọng và làm tốt hơn nữa. Cần xác định rõ trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ bao gồm: bảo vệ tư tưởng chính trị; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó cần tiếp tục quán triệt và nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.
Nhận thức rõ nguy cơ, thách thức lớn nhất hiện nay trong công tác này là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên và âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Do đó các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động nắm chắc tình hình nội bộ, phát hiện sớm những vấn đề mới nảy sinh, nhất là diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và dư luận quần chúng nhân dân. Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác quản lý cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhận diện kịp thời những biểu hiện tiêu cực để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Trong năm 2025 cả nước sẽ diễn ra đại hội đảng các cấp, do đó các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu, cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2025-2030. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, tăng khả năng tự phòng, chống, tự bảo vệ trước những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung, dân chủ; ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất đoàn kết nội bộ, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm,…
Đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa và tổ chức phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế thực thù địch, nhất là trên không gian mạng. Kiên quyết ngăn chặn, bóc gỡ các thông tin xấu độc, xuyên tạc, tác động tiêu cực tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội. Song song đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan tham mưu về bảo vệ chính trị nội bộ các cấp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc nắm tình hình và giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ.