Hiện thực hóa tham vọng Net-Zero (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Giải “bài toán” từ cơ chế

Yêu cầu về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp tục là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đến nay, Chính phủ đã hai lần ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030, cùng với các kế hoạch hành động thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy sữa Sài Gòn-Vinamilk đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong quá trình sản xuất. (Ảnh: NGUYỆT BẮC)
Nhà máy sữa Sài Gòn-Vinamilk đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong quá trình sản xuất. (Ảnh: NGUYỆT BẮC)

Thị trường vẫn chờ đợi một “cú huých” từ cơ chế để những chủ trương, chính sách về kinh tế xanh được triển khai trong thực tiễn, đi xuống được tới cấp thi hành, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và địa phương. Chuyển đổi xanh chính là bước đột phá để tạo ra bước ngoặt về giá trị phát triển trong thời đại mới.

Tầm nhìn chiến lược

Khoảng 15 năm trước, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) triển khai đầu tư bài bản hàng loạt hạng mục như hệ thống xử lý nước thải, khử mùi cho các trang trại nuôi bò mà chưa nhận biết hoạt động đó chính là tiêu chí phát triển bền vững (SDG). Trong bối cảnh quản lý khí nhà kính, giảm thiểu dấu chân carbon (Carbon footprint - tổng lượng mức độ của khí thải nhà kính xuất phát từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp) lúc đó còn khá mơ hồ và xa lạ với nhiều doanh nghiệp thì hành động của Vinamilk, như chia sẻ của Giám đốc điều hành tài chính Lê Thành Liêm, chỉ đơn giản là trách nhiệm và sự tuân thủ về mặt pháp luật.

Qua thời gian, khi khái niệm SDG dần trở nên phổ biến hơn, doanh nghiệp tiên phong như Vinamilk đã hái quả ngọt, trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á được vinh danh trong Tốp 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu. Nhắc lại câu chuyện thành công của Vinamilk để khẳng định tầm nhìn của Việt Nam cho kinh tế xanh đã được vạch ra từ rất nhiều năm trước.

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đưa vào bộ tiêu chí quốc gia,…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, định hướng phát triển kinh tế xanh đã được lựa chọn thay cho mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống nhưng bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE cho biết, doanh nghiệp này vẫn phải chờ 18 tháng mới có thể xác định được địa điểm triển khai dự án nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày. REE sẵn sàng tham gia sản xuất năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và đầu tư xử lý nước sạch, xử lý rác thải cho thành phố, vấn đề là phải có cơ chế cho doanh nghiệp đầu tư.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương ghi nhận sự chậm chuyển đổi trong tư duy quản lý, điều hành đang là yếu tố cản trở bước phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đơn cử, một doanh nghiệp đầu tư dự án nuôi bò theo quy trình khép kín, tạo ra năng lượng sinh khối từ xử lý chất thải chăn nuôi nhưng bị chính quyền địa phương từ chối bố trí vào khu công nghiệp vì cho rằng, nuôi bò là ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng xử lý theo phương án dành cho doanh nghiệp một khu đất sạch thì vướng Luật Đất đai, nếu chờ hướng dẫn rõ ràng về mặt pháp lý phải mất không dưới 10 năm.

Sau hơn 2 năm làm việc với cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá, hiện có 3 nhóm doanh nghiệp: Nhóm 1 gồm rất ít doanh nghiệp đã xác định được chiến lược và bắt đầu có lộ trình chuyển đổi xanh, mô hình sáng kiến có thể thừa nhận ở cấp độ quốc tế; nhóm 2 là các doanh nghiệp đã xác định được danh sách những việc cần làm như đầu tư năng lượng áp mái, thay đổi máy móc thiết bị nhưng chưa có chiến lược cụ thể gắn với bài toán quản trị chung; nhóm 3 là số đông doanh nghiệp còn lại, tuy nhìn thấy cơ hội và thách thức, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhận định, nhận thức và năng lực xây dựng, thực thi chính sách về tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn rất hạn chế. Khó khăn, thách thức lớn đối với tăng trưởng xanh hiện nay là hành lang pháp lý thiếu đồng bộ, chặt chẽ, chưa xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn xanh quốc gia hoàn chỉnh, làm cơ sở để hình thành cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư hoặc triển khai các chương trình, dự án thí điểm xanh.

Mở kênh dẫn vốn xanh

Với xuất phát điểm từ một quốc gia đang phát triển, cam kết của Việt Nam tại COP26 giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu có phần “gây sốc” vì đây là cam kết đồng mức với các quốc gia phát triển dẫn đầu thế giới như Mỹ, Canada. Không những thế, bài toán khó đặt ra cho Việt Nam là duy trì tăng trưởng kinh tế từ 7,5-8%/năm để trở thành nước công nghiệp hóa nhưng lại phải hạn chế khí thải nhà kính, hướng đến phát triển bền vững.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong hành trình chuyển đổi xanh là vấn đề nguồn lực. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Tuy nhiên, khu vực công chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nguồn lực, 70% còn lại phải huy động từ bên ngoài, chủ yếu là từ khu vực kinh tế tư nhân thông qua thị trường tài chính xanh.

Trên thực tế, khó khăn nhất của doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiện nay vẫn là vấn đề tiếp cận vốn. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2023, đoàn chuyên gia và khách mời quốc tế tham quan thực địa nhà máy của Công ty TNHH Giấy Xuân Mai đã rất ấn tượng vì sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp theo định hướng phát triển bền vững từ hơn 20 năm trước, đến nay gần 90% công đoạn sản xuất đạt tiêu chuẩn xanh hóa.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho hay, hiện tại công ty có kế hoạch tiếp tục nâng cấp hệ thống thiết bị nhưng rất khó vay vốn. Công ty đã có lộ trình sản xuất xanh nhưng gặp khó khăn về vốn và công nghệ. Để đi đường dài, huy động vốn đến đâu công ty đầu tư đến đó, nhưng cũng chưa tiếp cận được vốn tín dụng xanh.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2017-2022, dư nợ tín dụng xanh có mức tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng xanh. Đây là mức tăng trưởng cao nhưng còn quá ít ỏi so với nhu cầu vì tính đến hết tháng 6/2023, dự nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh mới đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng. Nghịch lý trong dòng chảy tín dụng xanh hiện nay là ngân hàng thừa vốn nhưng không “bung” ra được, trong khi doanh nghiệp rất nóng lòng tiếp cận tài chính xanh để đáp ứng điều kiện tham gia “luật chơi mới” trong thương mại và đầu tư quốc tế.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2023, bà Michele We, Trưởng nhóm Công tác ngân hàng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chỉ rõ, điểm nghẽn của dòng chảy tín dụng xanh nằm ở việc thiếu hành lang pháp lý khiến các ngân hàng chưa có cơ sở, căn cứ cụ thể xác định và phân loại dự án xanh. Các cấu phần khác của thị trường tài chính xanh, bao gồm cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh tại Việt Nam cũng đang phát triển ở quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn cho tầm nhìn chiến lược.

Quy mô trái phiếu xanh của thị trường Việt Nam năm 2021 mặc dù đã tăng gấp 5 lần so với năm 2020, đạt 1,5 tỷ USD nhưng chỉ chiếm 2,2% tổng thị trường trái phiếu. Về cơ cấu, trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là trái phiếu chính quyền địa phương tài trợ cho các dự án xanh. Riêng vốn huy động trên thị trường chứng khoán chưa thật sự hiệu quả vì rất ít doanh nghiệp tham gia huy động vốn qua kênh này.

Để tài trợ cho một tương lai ít carbon, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững và tạo lập thị trường tín chỉ carbon,... Để mở kênh dẫn vốn xanh, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý, có định hướng chính sách ổn định, tránh rủi ro cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Hành trình hướng tới Net-Zero còn đánh dấu sự thay đổi có tính chất bước ngoặt về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế. Bên cạnh sự đồng thuận cao, cũng có những ý kiến hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết của Việt Nam, vì đây là mục tiêu rất thách thức và nhiều tham vọng, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ do phải giải quyết nhiều vấn đề lớn, trong đó có việc thay đổi căn bản cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, tất cả đều cảm nhận “sức nóng” các cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 đang “thấm” vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và từ đó lan tỏa mạnh mẽ đến toàn xã hội. Đưa ra “bài toán” xứng tầm, đủ để thách thức năng lực, trí tuệ của đất nước, biến thách thức thành cơ hội của doanh nghiệp Việt có sáng kiến và khát vọng, điều này thể hiện một tư duy mới, hành động mới về tầm nhìn xanh cho đất nước.

-----------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 28 và 29/11/2023.