Không bán nước mắt cho khách hàng
Trong một lần tham dự hoạt động dành cho người khuyết tật tại Trung tâm văn hóa Pháp (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi đặc biệt chú ý đến người đàn ông ngồi trên xe lăn ở vị trí cao nhất của khán phòng. Anh tham dự từ đầu đến cuối và theo dõi rất chăm chú các tiết mục do người khuyết tật biểu diễn hôm đó. Tôi đã hẹn và được anh nhận lời trò chuyện tại KymViet cà-phê vào ngày cuối tuần.
Đúng hẹn tôi tìm đến địa chỉ mà anh nhắn 123 phố Trung Văn và hoàn toàn ngỡ ngàng vì ở đó là một không gian đầy sắc màu, đẹp lung linh. Tổng diện tích 400 m2, được bố trí hết sức hợp lý và đầy tính nghệ thuật. Tầng 1, phía ngoài là nơi giao dịch, gian trưng bày các sản phẩm của công ty, chếch sang bên phải là góc pha chế của quán cà-phê KymViet, với “tấm rèm" lớn buông ở cầu thang - là những chú cá heo bằng vải cực kỳ sinh động. Trên kệ, đàn gà, đàn trâu, chú mèo ngộ nghĩnh, bằng chất liệu tương tự, với đường may tinh xảo và đủ kích cỡ. Phía trước là thảm cỏ nhân tạo xanh mướt, với nhiều bộ bàn ghế dành cho khách đến thưởng thức đồ uống và nhâm nhi tách cà-phê. Phía trong ở tầng 1, là xưởng may chính, tất cả các nhân viên đều đang lúi húi làm việc. Tầng 2, khu làm việc của lãnh đạo và nơi nghỉ trưa của nhân viên. Không gian thoáng đãng, bày trí hợp lý và rất phù hợp cho các hoạt động trải nghiệm vào cuối tuần.
Như hiểu được những thắc mắc của tôi anh Phạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KymViet, một người có đôi mắt thông minh, gương mặt sáng, nụ cười rất duyên, một người khuyết tật có nghị lực sống mãnh liệt, dù đôi chân không khỏe mạnh, vóc dáng không hoàn hảo, nhưng anh Hoài là người khởi nghiệp luôn đầy năng lượng sống và đam mê kinh doanh, anh chia sẻ: “Tất cả khu vực này được dựng lên với mong muốn hình thành không gian kết nối của công ty với khách hàng, khách du lịch, sinh viên, học sinh cũng như các bạn nhỏ đến đây học tập, trải nghiệm cách làm ra sản phẩm của công ty mỗi cuối tuần. Các bạn sẽ thấu hiểu người khuyết tật hơn. Đợt này do các trường chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ I cho nên các cháu đến không được đông như mọi hôm, nhưng tuần sau chuẩn bị đón năm mới dương lịch chắc chắn sẽ đông”.
Anh Hoài kể: “Cuối năm 2013, tôi cùng hai người bạn khuyết tật vận động Nguyễn Đức Minh và Lê Việt Cường cùng góp vốn sáng lập công ty với ước mong “đi được bằng đôi chân vững vàng, có sẵn ở tâm hồn”, sản xuất các con thú nhồi bông chất lượng cao. Giai đoạn hai năm đầu khởi nghiệp đầy khó khăn. Sản phẩm làm ra nhiều khi không bán được, doanh số cả năm 2015 chỉ hơn 200 triệu đồng. Một trong những khó khăn lớn nhất của công ty là các sản phẩm của KymViet chưa có độ nhận diện cao, còn ít người biết đến, chủ yếu chỉ xuất hiện trong một số hội chợ. Thậm chí, những nhà sáng lập còn phải thay phiên nhau mang hàng đi hội chợ bán. Bước ngoặt đã đến khi công ty nhận được chứng nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp Chứng nhận cấp tem hợp quy Quacert. Toàn bộ nguyên liệu sản xuất đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chúng tôi đặc biệt chú trọng với tiêu chí bảo đảm an toàn sức khỏe, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu tự nhiên thuần Việt như: Cát biển Nhật Lệ (Quảng Bình), quế (Quảng Nam, Yên Bái), hồi (Lạng Sơn), để sản phẩm có mùi thơm dễ chịu”.
Khi được hỏi về mục tiêu và tiêu chí thành lập Công ty, anh Hoài cho biết: "Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định tiêu chí thành lập là Công ty cổ phần chứ không phải doanh nghiệp xã hội để kêu gọi hỗ trợ từ thiện từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Mục tiêu của KymViet bao gồm: Tạo việc làm cho những người khuyết tật còn khả năng lao động, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập với cộng đồng; tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội; đưa những câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt vào trong từng sản phẩm, góp phần truyền bá những giá trị truyền thống Việt đến cộng đồng trong nước và quốc tế".
Ngoài những thử thách như những start-up khác, anh Hoài cùng đồng nghiệp còn gặp thêm một trở ngại nữa. “Chúng tôi đi chào hàng, nhiều nơi tưởng bọn tôi đến tiếp thị, xin tiền. Có người bảo thẳng: “Tóm lại là các anh cần bao nhiêu tiền”. Tôi đáp: “Chúng tôi không bán nước mắt cho khách hàng; không để sản phẩm khuyết tật như thân thể người sáng tạo; không sống nhờ vả vào những gói tài trợ nhân đạo, các anh hãy nhìn sản phẩm, nếu thấy tốt và quan tâm đến thì hợp tác”, anh Hoài kể lại và cho biết, chính những đối tác này sau đó đã đến thăm xưởng và hợp tác rất sòng phẳng như những thương vụ kinh doanh bình thường khác.
Giữa năm 2015, KymViet may mắn được những người giỏi góp mặt, chung tay, là Tập đoàn Brothers tham gia cổ đông và đầu tư vốn. Cùng sự tham gia của hai họa sĩ chuyên nghiệp thiết kế mẫu là Nguyễn Viết Dũng và Kiều Tuấn. Sự chung tay của những tâm hồn mạnh khỏe, nhiệt tình, giỏi giang đã đem lại những thành công lớn vào năm 2016 (doanh thu chín tháng của 2016 gấp 8 lần cả năm 2015). Năm 2019, trụ sở chính thức của KymViet đã chuyển về đây, số 123 phố Trung Văn.
Một câu chuyện rất cảm động mà anh Hoài kể lại cho tôi nghe về sự ảnh hưởng to lớn của dịch Covid-19 trong năm qua. Vào giữa năm 2020, anh được tiếp một vị khách rất đặc biệt, đó là ông Hori Akihiko, Tổng Giám đốc Nhà máy Brother Việt Nam đơn vị đã tặng cho Công ty một số máy khâu khi mới khởi nghiệp. Ông nói: "Đây là nơi tôi đến và được trao tặng mà cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa nhất khi thấy sản phẩm của mình được đầu tư đúng mục đích và hiệu quả".
Ông quay lại KymViet để mua 300 sản phẩm rùa, được may rất tỉ mỉ bởi đôi bàn tay của các nhân viên công ty trên chính những chiếc máy khâu được tặng. Sản phẩm này ông mua để làm quà tặng cho công nhân của nhà máy ông trước khi chia tay về nước do Công ty bị phá sản. Nghĩ đến câu chuyện của Nhà máy Brother và thời điểm những ngày cuối cùng của năm 2020 mới thấy nỗ lực và quyết tâm chèo lái con thuyền của ban lãnh đạo KymViet thật ý nghĩa.
Khi tôi hỏi về bí quyết để tạo nên sự thành công của công ty và đem lại niềm vui, hạnh phúc tới bất kỳ ai qua đây dù ngắn hay dài. Anh Hoài trầm ngâm rồi chỉ tay hướng tôi nhìn tới khẩu hiệu của KymViet “Sản phẩm thay cho lời nói”, rồi cười hỏi lại: “Mọi thứ hiện ra đầy đủ trước mắt bạn đấy thôi. Bạn đã xem tận mắt, cầm tận tay và cảm nhận sản phẩm của chúng tôi chất lượng ra sao”.
Sản phẩm thay lời nói
Hiện nay, nhiều khách hàng biết đến KymViet qua Fanpage. Hiện, Facebook cũng là kênh chiếm tỷ trọng cao nhất trong các kênh bán hàng, dù ban đầu, họ xây dựng Fanpage không chỉ với mục đích bán hàng. Đó là nơi để KymViet có thể đem đến cho cộng đồng những câu chuyện về văn hóa, về hành trình cuộc sống của những người khuyết tật đã tạo ra và thổi hồn vào từng sản phẩm, mang lại giá trị cho xã hội. Nhiều người vốn từ nghi ngại, không biết người khuyết tật câm, điếc, thậm chí thiểu năng trí tuệ thì sẽ làm việc như thế nào, nhưng giờ đây, qua đôi bàn tay điêu luyện họ đã cho mọi người thấy cách tạo nên một sản phẩm của KymViet, từng công đoạn cắt, khâu kỹ lưỡng đã được thực hiện tỉ mỉ ra sao và người thợ nào đã làm ra sản phẩm ấy. Có thể nói khi cầm một sản phẩm của công ty trên tay thật khó để tìm thấy đâu là đường chỉ cuối cùng của sản phẩm, bởi các miếng ghép được các công nhân tay nghề kỹ thuật cao làm rất cẩn thận.
Câu chuyện của anh Hoài và những “chiến binh” KymViet đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khuyết tật khác trên khắp Việt Nam, giúp họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, KymViet đã tiếp nhận và tạo việc làm cho 22 người khuyết tật, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ với mức lương trung bình hơn 4 triệu đồng/người. Với những người ở xa, công ty cũng tạo điều kiện về nhà ở, hỗ trợ ăn trưa và được hưởng đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm, khen thưởng, xăng xe, đi lại... như những lao động bình thường.
Thông qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, tôi trò chuyện với bạn Hà Thị Mai Hoa, 32 tuổi, đến từ Nghệ An và đã làm ở đây được bảy năm rồi. Bạn hào hứng chia sẻ: "Trước khi đến đây, tôi được dạy nghề may ở Trung tâm khuyết tật thành phố Vinh, sau đó có đi làm nhưng cảm thấy không thoải mái và phù hợp. Sau đó bạn bè rủ ra Hà Nội làm việc vì là thành phố lớn, con người đông đúc có nhiều hội người điếc, có cơ hội giao lưu nói chuyện, ở đây thấy rất thích, vui và hứng khởi. Công việc ở KymViet rất tốt, ban lãnh đạo quan tâm đến nhân viên những lúc ốm đau mệt mỏi, môi trường làm việc ổn định, có hợp đồng, chế độ bảo hiểm như Nhà nước. Được hỗ trợ tiền thuê nhà 1,7 triệu đồng/tháng, cách đây 10 phút đi xe máy. Các nhân viên ở đây thân thiện hòa đồng, có nhân viên mới sẽ sẵn sàng giúp đỡ chỉ bảo, cầm tay chỉ việc, không có cãi nhau tị nạnh, luôn chào đón và bao bọc mọi người. Tôi đi làm xa nhà bố mẹ không muốn, nhưng vì tôi thích ra Hà Nội quá nên lại đồng ý. Ngoài các dịp nghỉ lễ, hằng tháng thu xếp về thăm nhà một lần”.
Theo anh Hoài, dù là doanh nghiệp đặc thù, tạo việc làm cho người khuyết tật, nhưng Công ty CP KymViet vẫn hoạt động và vận hành như một doanh nghiệp bình thường. Bởi, định hướng kinh doanh của công ty là phải sống bằng nền tảng sản phẩm, đạt yêu cầu mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận chứ không phải dựa vào sự thương cảm.
Nói về sự cạnh tranh, về sự tràn lan các sản phẩm thú nhồi bông và quà tặng bằng vải trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, anh Hoài chia sẻ: “Hiện nay trên thị trường có hai, ba sản phẩm của chúng tôi bị làm nhái. Điều này khiến chúng tôi vừa buồn, vừa vui. Buồn vì cùng là người Việt nhưng chúng ta không tạo điều kiện cho nhau phát triển mà lại cạnh tranh không lành mạnh, nhất là công ty đặc thù của chúng tôi. Ngược lại cũng thấy vui vì mặt hàng của mình khẳng định chỗ đứng trên thị trường và được mọi người quan tâm, cho nên họ mới làm nhái để kinh doanh. Nếu chọn vải rẻ, kém chất lượng, chúng tôi có lợi nhuận nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khoẻ của các cháu. Vì thế, chúng tôi tuyệt đối không làm”.
Bên cạnh những sản phẩm thủ công tinh xảo, có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ cao phục vụ xã hội, câu chuyện nhân văn và giá trị văn hóa Việt đã góp phần đưa sản phẩm của những người khuyết tật chinh phục cộng đồng trong nước và quốc tế. Không chỉ được lựa chọn là tặng phẩm du khách gần xa trên chuyến bay yêu thương của Vietnam Airlines hay tham dự các sự kiện tuần văn hóa, là tặng phẩm tặng bạn bè quốc tế... nhiều đối tác hay khách du lịch từng “lần theo” địa chỉ trên sản phẩm, tìm tới tận xưởng tìm hiểu và đặt mua sản phẩm.
Năm 2017 vừa qua, công ty xuất hàng đi Atlanta, Mỹ. Sắp tới, một vài khách hàng người Nhật Bản sẽ đặt mua sản phẩm. Một trong những may mắn để có thể duy trì hoạt động của Công ty trong năm Covid-19 vừa rồi là Công ty nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của các đơn vị trong nước sản xuất linh vật biểu trưng của công ty họ, với số lượng lớn. Một vấn đề nữa mà công ty đang phải tìm hướng giải quyết đầu ra đó là việc xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Có khá nhiều đơn đặt hàng gửi đến cho công ty, tuy nhiên do đặc thù các sản phẩm công ty sản xuất ra mẫu mã kích thước lớn cho nên khi ký gửi bị tính là hàng cồng kềnh, dẫn đến tiền cước cao. Khi đến tay khách nếu tính cả chi phí vận chuyển thì giá thành đội lên quá cao, khách hàng sẽ không có nhiều lãi cho nên họ không mặn mà lắm.
Trong hai năm liên tiếp (2015 và 2016) KymViet được nhận Giải thưởng về mẫu sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ Hanoi Giftshow: Bộ Dê An Khang giải khuyến khích năm 2015; Bộ Gà bông giải nhì năm 2016; Bộ Voi Bản Đôn giải khuyến khích năm 2016; Giấy chứng nhận hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2017-2018. Mới đây nhất tối 7-11 vừa qua, ban chỉ đạo cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã trao chứng nhận hai sản phẩm: Chuột Trạng Nguyên; Trâu Thịnh Vượng đạt tốp 3 hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích cho Công ty CP KymViet. Sản phẩm Trâu Thịnh Vượng 2021 đạt giải nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ Nghệ Hà Nội 2020. Đây là những ghi nhận đáng khích lệ của xã hội với những gì mà KymViet đã tạo ra trong suốt năm năm qua.
Khi được hỏi về những dự định và mong muốn trong năm tới cũng như tương lai. Anh Hoài cho biết: Sang năm mới, mong bản thân cùng mọi người trong xưởng có sức khỏe, tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, làm được nhiều điều có ý nghĩa cho cuộc sống. Mô hình này sẽ được nhân rộng ở các thành phố lớn và các địa điểm du lịch như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc để tạo việc làm cho cộng đồng người điếc, khuyết tật. Qua đó giúp họ có thu nhập ổn định nuôi bản thân, giúp đỡ gia đình, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Thông qua tâm sự của anh Hoài, chúng tôi muốn thay cho lời kết loạt bài này về những sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của Nguyễn Thái Thành, GS, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm cũng như anh Phạm Việt Hoài rằng: “Hiện nay vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị đối với người khuyết tật, chúng tôi vẫn còn rất nhiều khả năng để đóng góp những việc có ích cho xã hội. Khuyết tật mà chúng tôi đang mang chỉ là sự bất tiện chứ không phải là sự bất hạnh. Thay vì định kiến xã hội cần bình đẳng hơn với chúng tôi. Tôi vẫn luôn động viên các bạn trẻ của mình hãy biến khiếm khuyết trên cơ thể trở thành động lực vươn lên khẳng định với xã hội về những việc mà mình đã làm được”.