Công nghệ cho hành chính công (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tìm hướng giải quyết hiệu quả từ cơ sở

Mấy năm gần đây, chủ đề năm của Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến công tác nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đây là đòn bẩy để kích hoạt các ngành, các lĩnh vực khác tăng tốc, phát triển. Vì vậy, các giải pháp cải cách hành chính cần được triển khai đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch hành chính qua nền tảng công nghệ tại UBND huyện Nhà Bè. (Ảnh THẾ ANH)
Đoàn viên, thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện giao dịch hành chính qua nền tảng công nghệ tại UBND huyện Nhà Bè. (Ảnh THẾ ANH)

Thực tế cho thấy, để hoạt động thực thi công vụ, quản trị hành chính vận hành hiệu quả thì con người, công nghệ và tư duy là các trụ cột cần phải khơi thông và thay đổi góc nhìn.

Tìm hướng tiếp cận mới

Với những số liệu thống kê liên quan khối lượng, áp lực mà các lãnh đạo, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đang thực hiện, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Tại các địa phương cơ sở đang tồn tại một thực tế là, trong khi khối lượng công việc hằng ngày rất lớn, phức tạp, liên quan nhiều bộ phận, ngành; nguồn lực về con người, kinh phí hoạt động luôn tồn tại những bất cập, hạn chế thì quá trình triển khai các giao dịch hành chính xã hội lại yêu cầu các vấn đề phải được giải quyết thật nhanh, chính xác, minh bạch.

Yêu cầu đó là chính đáng, song với các nguồn lực còn nhiều hạn chế như hiện nay tại địa phương thì nhiệm vụ đó đang trở nên hết sức khó khăn, phức tạp. Quá trình quản trị, vận hành bộ máy, các trụ cột phục vụ cho công tác giải quyết hành chính công vụ gồm: Con người, công nghệ và tư duy cũng đang gặp thách thức.

Về con người, nhiều địa phương luôn thiếu người, nhất là ở các vị trí về công nghệ, am hiểu về chuyển đổi số; về công nghệ, các địa phương luôn đối mặt với vấn đề không đồng bộ cơ sở dữ liệu, đường truyền không ổn định...

Đối với quy trình thực hiện, hiện nhiều địa phương vẫn chưa được tối ưu hóa, chưa có sự xuyên suốt từ trên xuống. Điều này một phần lý giải vì sao các cấp cơ sở phải tổ chức rất nhiều cuộc họp để thống nhất các nội dung.

Về giải pháp, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đề xuất "đi ngược chiều" so với cách làm truyền thống lâu nay.

Cụ thể, thành phố đang triển khai theo hướng từ cấp thành phố xuống, Sở đề xuất nghiên cứu mô hình chuyển đổi số theo hướng từ dưới đi lên, tức triển khai nghiên cứu tại một phường cụ thể dựa trên việc phân tích mối quan hệ giữa phường với người dân, doanh nghiệp và quận, huyện. Kết quả này sau đó sẽ được bàn giao cho cấp quận, huyện triển khai.

Những người nghiên cứu phương án này kỳ vọng đến năm 2030, thành phố sẽ có rất nhiều phường là "Phường thông minh". Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng chương trình đào tạo về kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho cán bộ, công chức địa phương cơ sở cũng là điều rất cần thiết, giúp họ trang bị kiến thức để phát hiện các vấn đề trong quá trình thực thi công vụ.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông từng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là câu chuyện dám hay không dám đổi mới sáng tạo, chấp nhận cái mới. Và vì thế, chuyển đổi số phụ thuộc vào một người, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không có quyết tâm chính trị thì chuyển đổi số sẽ không diễn ra".

Khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo

Trao đổi cùng chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Thành phố ghi nhận những nỗ lực, những mô hình, sáng kiến, giải pháp tiêu biểu trong chỉ đạo, điều hành tại địa phương, qua đó tạo nên hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy vậy, việc một cán bộ, công chức cấp cơ sở vẫn có tâm lý e dè, ngại khó là vấn đề cần phải sớm được thay đổi. Bộ Chính trị đã đưa ra Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về bảo vệ cán bộ. Điều này cho phép chúng ta tìm cách để các giải pháp phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề về phát triển đặt ra trong thực tiễn. UBND thành phố mong muốn lãnh đạo các địa phương sẽ khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo và thúc đẩy các đề án, sáng kiến từ cơ sở.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, chính quyền cơ sở chính là tuyến đầu triển khai các chủ trương, nhiệm vụ phát triển. Đây cũng là nơi sâu sát, lắng nghe đầu tiên các ý kiến của người dân, xử lý sớm những phát sinh từ cơ sở. "Mỗi cán bộ, công chức nếu luôn nắm địa bàn, tình hình, giữ mối mật thiết với người dân; cộng với việc cầu thị lắng nghe, tiếp thu và kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của người dân là một trong những cách thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình", đồng chí Phan Văn Mãi nêu thí dụ.

UBND thành phố cũng có kế hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại khu vực công, cán bộ cấp cơ sở nghiên cứu thực hiện, làm sao khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ dám làm, thúc đẩy các sáng kiến từ cơ sở. Thành phố cũng sẽ triển khai đề án tổng thể về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gồm năm thành phần: Tuyển dụng, đào tạo, bố trí, chính sách (nhà ở), thu nhập tăng thêm và nhiều chính sách khác nữa để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức tiêu biểu, đóng góp trực tiếp vào xây dựng và phát triển thành phố.

-------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân, Trang Thành phố Hồ Chí Minh từ số ra ngày 16/5/2023.