Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tạo đột phá từ khâu "then chốt":

Bài 2: Tăng cường sức mạnh, nguồn sinh lực của Đảng

Quá trình triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền cấp ủy, chính quyền trong từng tỉnh, thành phố và toàn vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Nuôi trồng thuỷ sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Cồn Sơn, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Báo Cần Thơ)
Nuôi trồng thuỷ sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại khu du lịch Cồn Sơn, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã dồn sức khắc phục những hạn chế, bất cập; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện từng khâu trong công tác cán bộ gắn liền công tác phát triển Đảng, tạo nguồn sinh lực mới của Đảng...

Xây dựng đội ngũ cán bộ cả về "lượng" và "chất"

Sóc Trăng là tỉnh ven biển, có đông đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều tiềm năng, thế mạnh cần được tiếp tục khai thác, tạo thế phát triển. Trong giai đoạn mới, xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ và quản lý cán bộ, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, thể hiện tính khoa học và đổi mới trong công tác cán bộ. Tỉnh có Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 10/9/2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này tại 10 địa phương, đơn vị. Qua đó, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế, có chương trình phù hợp đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tỉnh cũng thường xuyên rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn và bổ sung những nhân tố mới, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp gắn với tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch cán bộ được Tỉnh ủy quan tâm triển khai nghiêm túc, đúng nguyên tắc. Nhiệm kỳ 2020-2025, cấp tỉnh đã quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 99 đồng chí; trong đó, nữ chiếm tỷ lệ hơn 30%; người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 19%. Quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy 30 đồng chí; trong đó, tỷ lệ nữ và người dân tộc thiểu số đều đạt 27%. Nhiệm kỳ 2025-2030, cấp tỉnh quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 71 đồng chí; trong đó, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi có 3 đồng chí (tỷ lệ 4,2%); nữ có 19 đồng chí (tỷ lệ gần 27%); người dân tộc thiểu số có 13 đồng chí (tỷ lệ hơn 18%). Quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy 19 đồng chí; trong đó, có 6 đồng chí nữ (tỷ lệ gần 32%); 5 đồng chí người dân tộc thiểu số (tỷ lệ hơn 26%)...

Tỉnh ủy Hậu Giang tạo đột phá trong thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, coi trọng thay thế cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bằng những cán bộ trẻ, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu mới. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Văn Huyến cho biết, tỉnh xây dựng chính sách đặc thù khuyến khích cán bộ không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tự nguyện tinh giản biên chế. Đồng thời, HĐND tỉnh có Nghị quyết hỗ trợ tiền đối với cán bộ thuộc diện tinh giản biên chế từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương phù hợp với quy định của Nhà nước.

Mặt khác, tỉnh thành lập Hội đồng cấp tỉnh để tuyển dụng được những cán bộ trẻ, chất lượng cao vào làm việc nhằm thay thế số cán bộ đã nghỉ hưu, thôi việc và tinh giản biên chế theo quy định. Trong quá trình này, tỉnh đã kiểm tra, chấn chỉnh nhằm khắc phục tình trạng một số cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về công tác quy hoạch cán bộ; việc nhận xét, đánh giá một số trường hợp cán bộ trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử thiếu chặt chẽ.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm cơ cấu, chất lượng toàn diện; ngăn chặn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, lối sống; việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương... vẫn là nhiệm vụ cấp bách, mang tính thách thức.

Tỉnh Cà Mau đã tập trung đổi mới khâu đánh giá cán bộ gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Tỉnh tăng cường các cuộc kiểm tra, giám sát nhằm sớm phát hiện yếu kém, đồng thời xử lý nghiêm những cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Cùng với công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, tập trung đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp.

Ba năm qua, tỉnh Cà Mau đã đào tạo lý luận chính trị cho 1.483 đồng chí; bồi dưỡng quản lý Nhà nước cho 167 đồng chí; bồi dưỡng chức danh cho 100 đồng chí; bồi dưỡng cập nhật kiến thức cán bộ lãnh đạo quản lý đối tượng 3, đối tượng 4 được 800 đồng chí; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ 4.343 lượt cán bộ. Tỉnh cũng đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, chỉ định, chuẩn y bổ sung cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy, giới thiệu nhân sự và hiệp y cho ý kiến về công tác cán bộ với cơ quan Trung ương, địa phương cho 336 đồng chí.

Trước mục tiêu phát triển đột phá để tương xứng là đô thị trung tâm, tạo động lực phát triển của toàn vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ triển khai các chương trình, giải pháp thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bài bản, có chiến lược, tầm nhìn lâu dài, cơ cấu phù hợp; bảo đảm sự liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương với công tác quy hoạch của cấp trên. Cần Thơ đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, thành phố ban hành nhiều chính sách, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhanh yêu cầu phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, đô thị thông minh... Hằng năm, thành phố có tỷ lệ cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 97,94%; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt gần 21%.

Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL cũng cho thấy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm cơ cấu, chất lượng toàn diện; ngăn chặn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, lối sống; việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương... vẫn là nhiệm vụ cấp bách, mang tính thách thức.

Nguồn sinh lực mới của Đảng

Với đặc thù xã hội về dân số, dân tộc, tôn giáo, dân trí cùng tình hình tổ chức cơ sở đảng, nhiều năm qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL luôn coi trọng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới.

Tại Cà Mau, đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ, nhất là với những địa phương đảng viên bị xóa tên trong danh sách còn nhiều, có xu hướng tăng, đặt ra những yêu cầu cho công tác phát triển đảng trên địa bàn. Nhiều giải pháp, chương trình được triển khai đã tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này của toàn Đảng bộ. Năm 2022, toàn tỉnh kết nạp 1.041 đảng viên mới, đạt 104% chỉ tiêu; năm 2023 kết nạp 1.038 đảng viên, đạt 103,8% chỉ tiêu. Đến hết tháng 5/2024, toàn Đảng bộ kết nạp 566 trên tổng chỉ tiêu là 1.505 đảng viên mới. Điều đáng nói là số đảng viên mới kết nạp là người lao động trong khu vực nông thôn, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tăng nhanh.

Tại Hậu Giang, trong năm 2023, toàn tỉnh đã kết nạp 1.991 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 48.739 đồng chí. Đảng bộ thành phố Cần Thơ có 642 tổ chức cơ sở đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp 5.205 đảng viên mới, bảo đảm năm sau cao hơn năm trước. Theo Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ, những năm gần đây, Thành ủy Cần Thơ cùng với chương trình kế hoạch trong lĩnh vực này đã phát huy trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu nhằm bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng trong học sinh, sinh viên và nhân tố khu vực ngoài nhà nước.

Tại tỉnh Trà Vinh, theo tổng hợp từ năm 2011 đến nay đã kết nạp 23.474 đảng viên. Tỷ lệ đảng viên trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo được kết nạp vào Đảng tăng đều qua hằng năm.

Cùng đặc thù như tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng là địa bàn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (gần 31%), thanh niên đi làm xa xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cấp ủy, người đứng đầu các cấp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp 6.913 đảng viên mới. Trong đó, nữ 3.183 đồng chí, tỷ lệ hơn 46%; người dân tộc thiểu số 1.842 đồng chí, tỷ lệ 26,7%; 555 đồng chí theo các tôn giáo, đạt tỷ lệ 8%. Kết quả cho thấy, số lượng đảng viên mới kết nạp ở tỉnh vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Khảo sát tại huyện Cù Lao Dung, với 41 tổ chức cơ sở đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp 460 đảng viên mới, trong đó đảng viên trẻ khu vực nông thôn tăng 30%. Tại xã An Thạnh 1, xã nông thôn mới nâng cao thuộc huyện Cù Lao Dung, Bí thư Đảng ủy xã Võ Hoàng Long trao đổi, khi các cấp ủy giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, các đoàn thể cùng vào cuộc, phong trào quần chúng mạnh sẽ tạo nhiều nhân tố tích cực để bồi dưỡng, kết nạp Đảng; qua đó tác động trở lại với sự phát triển của địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhìn nhận, kết quả phát triển Đảng, nhất là trong thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo và các thành phần kinh tế được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm cải thiện cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Nhiều năm qua, các Tỉnh ủy, Thành ủy trong vùng ĐBSCL cũng coi trọng chỉ đạo, tăng cường công tác giáo dục, quản lý đảng viên, đồng thời tập trung rà soát, sàng lọc đưa đảng viên ra khỏi Đảng theo Điều lệ Đảng và Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư với quyết tâm và kết quả đáng ghi nhận.

Thực tiễn và trước những yêu cầu, thách thức mới về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL hiện nay và trong giai đoạn mới, đòi hỏi các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trọng tâm là nghiêm túc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Đây là những nhiệm vụ, nội dung công tác thường xuyên, với yêu cầu cao hơn, đồng bộ, hiệu quả hơn của các cấp ủy, tổ chức đảng tại các địa phương hiện nay.

--------------------------------

>> Bài 1: Đổi mới, tạo động lực từ cơ sở