Đổi thay tích cực ở vùng đồng bào Khmer Tây Nam Bộ

Bài 2: Phát huy văn hóa đồng bào Khmer

Nhờ sự quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện đối với vùng dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước, cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đang hiện diện ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, đồng bào tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu cùng các cấp, ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng bào Khmer biểu diễn nhạc cụ dân tộc. (Ảnh QUỐC TRINH)
Đồng bào Khmer biểu diễn nhạc cụ dân tộc. (Ảnh QUỐC TRINH)

Giá trị văn hóa được bảo tồn

Tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức thành công Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo Sóc Trăng, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 6 và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2024. Đây là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm và cũng là hoạt động hằng năm nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Lễ hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động hấp dẫn: Liên hoan ẩm thực đường phố, Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Khmer, Lễ cúng Trăng (Oóc Om Bóc), Hội thi Lôi Prôtip (Thả đèn nước) và trình diễn nhạc ngũ âm lớn nhất Việt Nam…

Từ năm 2013, Chính phủ quyết định nâng cấp Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo lên tầm quốc gia và tổ chức Festival Đua ghe ngo đầu tiên ở Sóc Trăng. Đến năm 2015, lễ hội được đổi tên gọi là Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2022, lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận Kỷ lục Guinness Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, năm 2024, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đạt được một số kết quả tích cực. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 7%, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân được quan tâm thực hiện, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy.

Tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, vừa diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ 16 đúng dịp Lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer, thu hút hàng trăm nghìn đồng bào các dân tộc Khmer, Hoa và Kinh. Sự kiện năm nay được tổ chức quy mô lớn, chất lượng hơn, khắc họa, tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Khmer với nhiều hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang; trưng bày hình ảnh, hiện vật đồng bào Khmer; hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương; các giải thể thao bóng đá, kéo co, đẩy gậy; giải đua ghe ngo...

Ngày hội cũng là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, đua ghe ngo luôn là sự kiện nổi bật của ngày hội. Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang Danh Tha chia sẻ, đua ghe ngo không chỉ là môn thể thao đặc sắc mà còn là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, là cầu nối giữa các thế hệ, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về truyền thống văn hóa.

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 15 trong số 75 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng Khmer hoạt động hiệu quả. Nghệ thuật truyền thống đồng bào Khmer ở Kiên Giang rất phong phú, đặc sắc như: Âm nhạc truyền thống gồm các dòng nhạc cưới, nhạc lễ, các điệu ru, làn điệu Àday đối đáp; chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer; múa truyền thống của người Khmer; sân khấu Dù kê; sân khấu Rô băm; nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, đồng bào Khmer Trà Vinh có kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng với hệ thống ngôn ngữ, chữ viết và các di sản nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đối với dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, tỉnh đã bố trí nguồn lực đầu tư cả giai đoạn 2021-2025 với kinh phí 86 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này hỗ trợ nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy đội ngũ kế cận; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; liên hoan các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số…

Phát huy tinh thần đoàn kết

Sóc Trăng là vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời; nơi sinh sống hòa thuận, đoàn kết, gắn bó của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và các dân tộc anh em khác. Những ngày qua, người dân tại các khu dân cư lại có dịp hòa mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của ngày hội lớn - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chùa Tum Núp thuộc ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành được chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của tỉnh Sóc Trăng. Ngay từ sớm, nhiều trò chơi dân gian đã diễn ra, thu hút đông đảo người tham gia. Đại đức Lâm Hiệp trụ trì chùa Tum Núp cho biết, đồng bào rất vui vì ngày hội cũng là dịp mừng công đội ghe ngo nam và nữ đã bảo vệ thành công ngôi vô địch tại Lễ hội Óoc Om Bóc - đua ghe ngo Sóc Trăng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 6 năm 2024. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giải đua ghe ngo ở Sóc Trăng, một ngôi chùa có hai lần vô địch cả đội nam và nữ.

Thời gian qua, việc chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức là người Khmer có trình độ chuyên môn, tư tưởng chính trị vững vàng gắn với xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang được thực hiện. Theo thống kê, đến năm 2024, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, trong đó có 3.117 người Khmer (năm 2019 là 2.541 người); có 4.070 trong số 62.658 đảng viên là đồng bào dân tộc, chiếm 6,5%; trong đó 277 đảng viên tham gia cấp ủy các cấp.

Phát huy vai trò đi đầu, cán bộ, đảng viên người Khmer chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp đồng bào luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Đặc biệt, nhiều người có uy tín trong đồng bào Khmer thường xuyên tham gia các buổi hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo, lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Điển hình như ông Danh Chương, cán bộ về hưu ở ấp An Bình, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành; không chỉ là người có uy tín trong đồng bào Khmer mà còn là trung tâm đoàn kết ở địa phương. Ông nguyên là Trưởng phòng An ninh Đối nội, Công an tỉnh Kiên Giang, từng quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Hòa, Danh Hứa Quốc Vương cho biết: “Đời sống của đồng bào Khmer ngày một nâng lên, nhiều hủ tục dần bị loại bỏ, từ đó an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, giữ vững. Đạt kết quả này, ngoài nỗ lực chung của toàn Đảng bộ xã còn có vai trò rất quan trọng của 12 người có uy tín (trong đó có 10 người Khmer), như ông Danh Chương”.

Ở ấp Sóc Cầu, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có ông Thạch So Vat Thy, người có uy tín luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương huy động các nguồn lực, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng ấp văn hóa, nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hưởng ứng tuyên truyền, vận động tích cực từ ông, người dân ấp Sóc Cầu hiến 800 m2 đất để làm đường nông thôn; 80% số hộ dân trong ấp đã là thành viên các tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần. Trong các dịp lễ, hội tại chùa Khmer, ông So Vat Thy tuyên truyền, vận động Phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp đồng bào dân tộc thiểu số thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao ý thức cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc gây chia rẽ, mất đoàn kết.

Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, các cấp ủy tăng cường chỉ đạo hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp, ngành thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Theo Bộ Công an, giai đoạn 2018-2024, 13 địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ đã xây dựng được 265 mô hình, nhân rộng 67 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 457 điểm. Hiện cả nước có hơn 4.700 mô hình và 945 điển hình, riêng khu vực Tây Nam Bộ có 891 mô hình và 260 điển hình.

Đến nay, tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer, tỷ lệ đảng viên người Khmer trong tổng số đảng viên của đảng bộ cấp tỉnh, huyện, xã ngày càng tăng; tỷ lệ cán bộ người Khmer tham gia ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy, giữ các chức danh chủ chốt cơ bản hợp lý. Công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo, người có uy tín ngày càng được chú trọng. Trong tổng số 1.871 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 1.600 người là dân tộc Khmer; đã và đang phát huy vai trò nêu gương, góp phần tích cực cùng đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ■
________________

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1/12/2024.
(Tiếp theo và hết) (★)