Nghệ nhân Y Hòa với khát vọng đưa thổ cẩm Làng Teng vươn ra thế giới

NDO - Là người con đại ngàn Ba Tơ (Quảng Ngãi), chị Phạm Thị Y Hòa (33 tuổi), dân tộc Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành luôn khát khao nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình mãi mãi trường tồn, phát triển và vươn ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Y Hòa luôn trao trọn tình yêu vào nghề dệt thổ cẩm.
Nghệ nhân Y Hòa luôn trao trọn tình yêu vào nghề dệt thổ cẩm.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc H’rê ở miền núi Quảng Ngãi được hình thành từ rất lâu đời. Song, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê chỉ còn tồn tại duy nhất ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, với số lượng người biết dệt thổ cẩm ở trong làng chưa đến 100 người.

Để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Hrê, tháng 9/2019, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trao trọn tình yêu vào thổ cẩm

Dù còn trẻ tuổi và không theo học trường lớp thiết kế, hội họa nào nhưng bằng trí thông minh, bàn tay tài hoa, khéo léo và kỹ thuật tinh xảo, nghệ nhân Y Hòa dệt nên những sản phẩm thổ cẩm có hoa văn độc đáo, mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê.

Ngắm nhìn mỗi sản phẩm thổ cẩm do nghệ nhân Y Hòa dệt, với kỹ thuật tinh xảo, kết hợp độc đáo giữa hiện đại và truyền thống, toát lên tinh hoa văn hóa đặc sắc dân tộc Hrê, mọi người đều cảm nhận đây không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là sản phẩm tinh thần được Y Hòa trao trọn tình yêu qua từng sợi chỉ đầy ắp sắc màu cỏ cây, hoa lá, đất đai, sông núi đại ngàn.

Nghệ nhân Y Hòa với khát vọng đưa thổ cẩm Làng Teng vươn ra thế giới ảnh 1
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Là một người con cộng đồng dân tộc Hrê ở miền núi Ba Tơ và cũng là người dệt thổ cẩm ở Làng Teng, nghệ nhân Y Hòa hiểu rõ giá trị lớn lao của di sản thổ cẩm Hrê mà bao thế hệ đi trước đã để lại. Vì vậy, song song với việc thành lập cơ sở sản xuất mây tre đan lát và dệt thổ cẩm để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động trong vùng, từ đó góp phần bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống, nghệ nhân Y Hòa còn nỗ lực thêu dệt nên ước mơ cho riêng mình. Đó là khát vọng đưa thổ cẩm Làng Teng ra thế giới.

Nghệ nhân Y Hòa tâm sự, trong chuỗi các hoạt động mang đậm nét văn hóa Việt Nam tại sự kiện Triển lãm Thế giới-EXPO 2020 diễn ra tại Dubai (UAE) từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 có show thời trang thổ cẩm “Dòng chảy bất tận” thu hút nhiều du khách khắp thế giới về tham quan, chiêm ngưỡng. Ở đó, các trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam được sáng tạo, kết hợp độc đáo thành nhiều bộ sưu tập cùng tỏa sáng trên sân khấu thời trang hiện đại, chuyên nghiệp bậc nhất thế giới, mang đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc.

Nghệ nhân Y Hòa với khát vọng đưa thổ cẩm Làng Teng vươn ra thế giới ảnh 2

Y Hòa hạnh phúc với những nỗ lực đạt được của mình trong việc bảo tồn, phát huy di sản thổ cẩm Làng Teng.

“Lần đầu tiên, thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành, Ba Tơ được chọn trưng bày tại Triển lãm thế giới EXPO. Điều hạnh phúc là 7 sản phẩm trưng bày tại triển lãm, trong đó có 5 tấm thổ cẩm phục vụ thiết kế trang phục trình diễn thời trang của nhà thiết kế Lý Quý Khánh và ChuLa do chính bàn tôi, một cô gái H’rê thực hiện. Đây là niềm vinh dự, tự hào và là động lực to lớn không chỉ đối với bản thân tôi mà cả những người dệt thổ cẩm ở làng Teng trên con đường nâng tầm giá trị di sản”, Y Hòa chia sẻ.

Chị cho biết thêm, năm 2023 là một năm vô cùng rực rỡ đối với thổ cẩm Làng Teng và bản thân mình khi các sản phẩm thổ cẩm Làng Teng như: khăn choàng, khăn trải bàn, cà vạt và khăn lót bình hoa được các cơ quan của tỉnh lựa chọn là sản phẩm quà tặng trong các sự kiện đối ngoại của tỉnh ở 17 quốc gia trên thế giới.

Phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế

Theo nghệ nhân Y Hòa, hiện tại, thổ cẩm Hrê do những người thợ dệt ở Làng Teng dệt nên rất đa dạng về sản phẩm và mẫu mã như: khăn trải bàn, khăn choàng cổ, cà vạt, ví hộ chiếu, túi xách, váy áo, khố, khăn choàng, túi xách, cà vạt, sổ tay. Trong số các sản phẩm thổ cẩm Hrê, có 2 sản phẩm là cà vạt thổ cẩm và khăn choàng thổ cẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Ngoài ra, cà vạt thổ cẩm của Làng Teng cũng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực miền trung-Tây Nguyên năm 2024.

Nghệ nhân Y Hòa với khát vọng đưa thổ cẩm Làng Teng vươn ra thế giới ảnh 3

Cà vạt thổ cẩm Làng Teng đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Thông qua việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến các sự kiện quốc tế và trong nước, các sản phẩm thổ cẩm Hrê Làng Teng nhận được rất nhiều các đơn đặt hàng từ các đối tác. Chỉ tính riêng trong năm 2023 và 2024, cơ sở của nghệ nhân Y Hòa đã sản xuất và bán 1.300 cà vạt và 700 bộ váy áo khố nam với doanh thu trên 560 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình của nghệ nhân trẻ tuổi Y Hòa ngày càng phát triển và tạo việc làm cho 30 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.

“Văn hóa phi vật thể truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số khi được phát huy đúng giá trị sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình của đồng bào các dân tộc thiểu số”, nghệ nhân Y Hòa nhấn mạnh.

Nghệ nhân Y Hòa với khát vọng đưa thổ cẩm Làng Teng vươn ra thế giới ảnh 4

Thổ cẩm Làng Teng ngày càng phát triển và vươn xa.

Di sản nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng, xã Ba Thành là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ anh hùng. Để dệt thổ cẩm Làng Teng duy trì và phát triển, vươn xa hơn nữa, theo nghệ nhân Y Hòa, bà con Làng Teng mong muốn các cấp chính quyền hỗ trợ các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, có chính sách khuyến khích người dân tộc Hrê sử dụng trang phục truyền thống trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng và cuộc sống hàng ngày.

“Vấn đề cấp thiết là cần có chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm Làng Teng gắn với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Bởi lẽ, du lịch cộng đồng là một trong những con đường để giới thiệu các giá trị văn hóa đến với bạn bè trong và ngoài nước hiệu quả nhất”, Nghệ nhân Y Hòa kiến nghị.