Đổi mới công tác Mặt trận tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tiếp theo và hết)(*)

Bài 2: Những mục tiêu phù hợp thực tiễn

Nhiệm kỳ 2019-2024 đánh dấu nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động từ Mặt trận các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này góp phần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, sự đóng góp của các tổ chức thành viên, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống. Tuy vậy, trong thực tiễn hiện nay, công tác Mặt trận đang đặt ra nhiều vấn đề, nội dung cần có phương thức hoạt động hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện MTTQ huyện Bình Chánh và Quỹ Vì người nghèo trao máy may tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Đại diện MTTQ huyện Bình Chánh và Quỹ Vì người nghèo trao máy may tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thực tế cho thấy, với tinh thần chủ động, sáng tạo, công tác Mặt trận các cấp có nhiều cách thức hoạt động mới, sát với thực tiễn hơn, song trong quá trình triển khai, thực hiện công tác vẫn cho thấy những bất cập nhiều năm qua chưa được khắc phục triệt để.

Những hạn chế, bất cập

Thời gian qua, công tác đổi mới về sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế trong hệ thống Mặt trận thành phố tiếp tục được thực hiện theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tiếp tục được quan tâm. Mặt trận các cấp chủ trì xây dựng các chương trình phối hợp hành động gắn với các mục tiêu, nội dung, thời gian cụ thể để thực hiện một số chủ trương lớn của cả nước, thành phố và nhiệm vụ tại địa phương. Các phong trào, các cuộc vận động tạo sự lan tỏa và hiệu quả cao, phát huy được truyền thống nhân ái, nghĩa tình của đồng bào thành phố;...

Những thay đổi này đã tạo nên những kết quả cụ thể, tích cực. Nổi bật nhất là công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Thông qua vận động, khơi sức dân, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận gần 1.238 tỷ đồng tiền mặt; hàng hóa trị giá hơn 339 tỷ đồng; trang thiết bị y tế trị giá gần 3.191 tỷ đồng để kịp thời chuyển đến hỗ trợ các y, bác sĩ và lực lượng tham gia phòng chống dịch tại các bệnh viện;…

Từ thực tiễn công tác phòng chống dịch, hơn một nghìn mô hình, cách làm hay, sáng tạo của các tập thể và cá nhân đã được áp dụng và đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như mô hình "Cửa hàng an sinh", "Tổng đài SOS", "ATM gạo", "Tình nguyện viên chung tay phòng chống dịch Covid-19", "Đi chợ giúp dân", "Bếp yêu thương";...

Những hành động đẹp, hy sinh, chia sẻ của người dân không những giúp thành phố có thêm nguồn lực chống dịch mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố nỗ lực vượt qua khó khăn.

Tuy vậy, theo Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác Mặt trận vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền, triển khai các chủ trương, nghị quyết ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa có tính sáng tạo, chưa đồng đều, chưa phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Mặt trận nhiều nơi còn thiếu chủ động trong tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương để đề ra các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các cuộc vận động, phong trào thi đua ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên, chưa chú trọng nâng cao chất lượng; một số mô hình hiệu quả chưa cao, thiếu tính lan tỏa, bền vững...

Theo Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, một phần nguyên nhân của những bất cập đến từ những yêu cầu nhiệm vụ mới, vai trò trách nhiệm của Mặt trận ngày càng cao, tính chất phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn cao. Mặt khác, điều kiện hoạt động của Mặt trận còn hạn chế, chưa thu hút người có năng lực và trình độ tham gia công tác Mặt trận và đoàn thể, nhất là ở cơ sở; có nơi cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của Mặt trận, chưa bố trí cán bộ phù hợp.

Tại nhiều địa phương, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể về cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức hoạt động chưa được thực hiện thường xuyên; thậm chí năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ Mặt trận còn hạn chế, thiếu kỹ năng nên chưa đáp ứng yêu cầu mới đặt ra.

Xây dựng hình thức hoạt động sát thực tế

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, đông dân nhất nước, là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, nơi hội tụ 54 dân tộc Việt Nam sinh sống và làm việc, cũng là nơi tập trung đông đảo đội ngũ nhân sĩ, trí thức,... Bên cạnh nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội, thành phố cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trên nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trong bối cảnh đó, Mặt trận Tổ quốc thành phố luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền, kịp thời định hướng dư luận xã hội, ổn định tâm lý, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân cũng như kịp thời tham gia giải quyết "điểm nóng", tình huống, nhân tố có thể gây mất ổn định về tư tưởng, an ninh, trật tự, nhằm bảo đảm cuộc sống của nhân dân.

Với vai trò là tổ chức đại diện của nhân dân, một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh xác định, thời gian tới, công tác Mặt trận cần làm tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ tạo đồng thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của đất nước và thành phố. Với các mục tiêu đề ra thống nhất và xuyên suốt những năm qua, Mặt trận các cấp của thành phố đề ra nhiều mục tiêu phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Theo Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2024-2029, nhiều chương trình hành động kèm theo các giải pháp thực hiện đã được đơn vị đề ra. Nổi bật như, trong công tác giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận các cấp sẽ lựa chọn nội dung phù hợp thực tiễn địa phương, những vấn đề đông đảo nhân dân quan tâm; thực hiện giám sát các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù (Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội); nghiên cứu, đề xuất và xây dựng cơ chế động viên, khuyến khích các đối tượng, tầng lớp nhân dân; xây dựng các chính sách, pháp luật vượt trội nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Tương tự, đối với công tác thi đua, sáng tạo, Mặt trận các địa phương tuyên truyền lợi ích của các hoạt động, phong trào thi đua để khơi sức dân, góp phần vào việc xây dựng và phát triển thành phố. Tiêu biểu như công tác hiến đất làm đường, mở rộng hẻm; bảo vệ môi trường; hiến kế xây dựng thành phố;... Mặt trận xác định, công tác đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ là nội dung quan trọng trong thời gian tới.

Mặt trận Tổ quốc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác giữa Mặt trận với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước để tạo sự chủ động trong đề xuất, đóng góp ý kiến, thống nhất trong hành động; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới; trong đó, thực hiện hiệu quả Đề án bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp giai đoạn 2024-2029, gắn với xây dựng kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu Mặt trận các cấp để tạo nên bộ máy nhân sự năng động, bảo đảm triển khai hiệu quả công tác Mặt trận trong tình hình mới.

--------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31/7/2024.