“Loạn” thủy điện Sa Pa: Được mờ mịt, mất nhãn tiền

Bài 2: “Nếu mang ra kiện, văn hóa chỉ có thua” (!)

NDO - NDĐT- Đó là tuyên bố của nhà đầu tư công trình thủy điện Sử Pán 1 (dự định nằm ngay bãi đá cổ di sản) trong một cuộc họp trước đầy đủ chuyên gia, các sở, ban, ngành liên quan. Khi luật định mới chỉ khoanh vùng từng viên đá, và cảnh quan du lịch chưa được xem như tài sản quý giá cần bảo vệ, thì thật cám cảnh khi nhà đầu tư vẫn có cớ để nói như vậy.
Dòng suối đã thế này, liệu có cần thêm một thủy điện?
Dòng suối đã thế này, liệu có cần thêm một thủy điện?

Cần thêm không một thủy điện giữa vùng du lịch

Dự án thủy điện Sử Pán 1 (qua ba xã Hầu Thào, Tả Van, Bản Hồ), đơn vị đầu tư là Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long, đang trình điều chỉnh quy hoạch, di chuyển lòng hồ đến sát bãi đá cổ Sa Pa và nâng độ cao lên thành 953m. Dự án này chỉ đang bị ách lại khi Sở VHTT&DL chưa đồng ý phương án điều chỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hinh Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa khẳng định rằng: “Trước đây cũng như hiện nay, thế mạnh của Sa Pa là du lịch, chiếm 60% kinh tế toàn vùng. Theo quy hoạch, năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành khu du lịch cỡ quốc gia và quốc tế”.

Thế nhưng, cái việc cái gì cũng muốn, khiến Sa Pa vừa làm du lịch, vừa gồng mình với thủy điện. Tại Sa Pa, ngoài thủy điện Sử Pán 2 đã hoàn thành, các thủy điện Nậm Toóng – hiện vẫn đang gặp khó khăn, theo người dân ở đây thì từ Tết đến giờ chưa thi công tiếp, thủy điện Nậm Cang (xã Thanh Phú) đang vấp phải sự phản đối dữ dội của người dân nên phải đình lại.

Bản thân UBND tỉnh Lào Cai cũng xác định, “Đối với huyện Sa Pa, do hoạt động thi công thủy điện có ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch. Trước mắt chỉ cho năm dự án thi công là Séo Chung Hô (đang tiến hành -PV), Sử Pán 2 (đã hoàn thành - PV), Nậm Củn, Nậm Toóng, và Lao Chải; dự án Nậm Cang 1A giải quyết xong đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) thì cho thi công” (Báo cáo ngày 13-4-2011).

Vậy thì có cần thiết hay không thêm một thủy điện Sử Pán 1 ngay giữa lòng suối, sát bãi đá cổ Sa Pa - vùng đã rất nhạy cảm về cảnh quan? PGS –TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng: “Đừng nghĩ chỉ ảnh hưởng nhỏ. Nhiều cái nhỏ cộng dồn lại thì không lường hết được hậu quả đâu”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng không nên tuyệt đối hóa rằng thủy điện là phá hoại, nhưng “Trong việc xây dựng 123 thủy điện trên địa bàn tỉnh chúng ta đã xem xét lại quy hoạch chưa?”. Ông Quốc cũng lưu ý rằng thủy điện có thời gian sử dụng 50 năm, kế hoạch sau đó cần phải tính đến khi mà “50 năm ngắn lắm”. Nếu 50 năm sau, trên dòng Mường Hoa có 5 khối bê tông chết thì sẽ là một thảm họa cho du lịch Sa Pa.

Sở Công thương bảo “có tham vấn”- Sở Văn hóa bảo, “10 năm không ai hỏi”

Về nguyên tắc, với những khu vực có trữ lượng văn hóa lớn như ở Sa Pa, khi tiến hành xây dựng các công trình thủy điện phải có sự khảo sát điều tra văn hóa, khảo cổ học.

PGS- TS Đặng Văn Bài, – nguyên Cục trưởng Cục di sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam cho hay ở các công trình thủy điện lớn, thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, Cục di sản cũng đều tiến hành khảo sát rất kỹ. Phó Giám đốc Sở Công thương Lào Cai Nguyễn Ngọc Hưng cũng cho hay quy hoạch các thủy điện của Lào Cai dựa trên sự tham vấn với nhiều ban ngành.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Sơn lại nói rằng, trong 10 năm ông làm Giám đốc Sở Văn hóa TT &DL, chưa một thủy điện nào người ta hỏi ý kiến ông, nói gì đến việc tiến hành khảo sát, khảo cổ các khu vực làm thủy điện. Chỉ đến khi Sở kêu quá, thì hiện nay mới có hai thủy điện nhớ đến Sở là thủy điện Văn Bàn và thủy điện Bắc Hà. Còn dự án thủy điện Sử Pán 1, do gần sát Di tích cấp quốc gia, nên Bộ VHTT&DL chỉ định Sở thẩm định và báo cáo, ông Sơn mới có thể lên tiếng. Dự án thủy điện Sử Pán 1 có theo điều chỉnh cao trình đỉnh đập 953m, đập nằm ở vị trí xã Hầu Thào – ngay đường xuống cho khách du lịch tham quan bãi đá cổ. Theo khoanh vùng của Luật di sản văn hóa, công trình này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các viên đá cổ, cụ thể là viên đá HT-050, HT-046, HT 040, HT-041, HT-042. Theo đó, viên đá HT-050 sẽ ở vị trí gần hồ thủy điện dự kiến nhất, cách hồ 22,19m, viên đá HT-042 cách chân hạng mục đập đầu mối 24m.

Theo tính toán của Sở VHTT&DL, khoảng cách từ chân hạng mục đập đầu mối tới sát mép khu vực bảo vệ II của viên đá cổ chỉ còn khoảng 2-3m, một khoảng cách đầy lo ngại khi các viên đá nằm bên lở của dòng suối.

TS người Pháp Phillippe La Failler, Viện viễn đông bác cổ, người đánh số và nghiên cứu bãi đá cổ nhiều năm, khi tính toán và xem xét tọa độ của đập nước cũng rất kinh ngạc rằng với khoảng cách như vậy thì quá gần, “Thế thì chết rồi”, ông chỉ có thể thốt lên như vậy. Ông Nguyễn Duy Hùng, Trưởng phòng tài nguyên nước, Sở Tài nguyên- Môi trường cũng nhận định: “Khu vực lòng hồ do địa chất xấu nên khi đưa vào vận hành gây sạt lở ảnh hưởng đến bãi đá cổ, cụ thể viên đá HT-050”.

Mặc dù theo Luật di sản văn hóa, phạm vi bảo vệ chỉ khoanh vùng từng viên đá đã được đánh số, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng bãi đá cổ Sa Pa là một quần thể đá rộng trên tám cây số, các viên đá nằm rải rác dọc thung lũng Mường Hoa. Đến thời điểm hiện tại, người ta mới chỉ đánh số và nghiên cứu 185 viên đá. Mới gần đây, trong một cuộc khảo sát nhỏ của Sở VHTT&DL, đã có hơn 700 viên đá được phát hiện mới khu vực trên núi. Điều đó đồng nghĩa với việc còn rất nhiều bí ẩn ở đây, mà cần một sự nghiên cứu tổng thể.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, trong cuộc làm việc với Sở VHTT&DL Lào Cai ngày 23-9-2010 cũng chỉ đạo cần phải bảo tồn khu bãi đá chạm khắc cổ Sa Pa gắn với bảo tồn ruộng bậc thang là một bộ phận cấu thành của di tích và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực bãi đá cổ. Nhưng sẽ ra sao nếu một thủy điện tiếp tục mọc lên, và dòng suối lại bị thay đổi, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng? Chưa kể cam kết của các nhà đầu tư, thực tế ngay tại Sa Pa đã chứng minh, độ tin cậy còn phải bàn?

TS Trình Năng Chung, Viện khảo cổ học bày tỏ sự lo lắng rằng, “Liệu đã có hay không một khảo sát tổng thể trữ lượng văn hóa ở đây, để biết có những cái gì, cái gì cần phải giữ, cái gì có thể hy sinh”.

Hẳn nhiên, đây là một bài toán quá tầm với một địa phương như Lào Cai, cần một cấp rộng hơn và sự thẩm định từ phía Hội đồng di sản quốc gia.

Và nếu tính rộng hơn, ngoài bãi đá cổ, hình như, những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp để làm du lịch ở Sa Pa, chưa bao giờ được coi như một di sản để bảo vệ cả. Cho nên nhà đầu tư mới có thể thản nhiên rằng, “Việc bây giờ đang quan tâm thì chỉ là di tích bãi đá cổ như thế nào thôi, vấn đề du lịch đó thì nó không phải là di sản” (lời ông Phạm Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Việt Long).

Cột điện thủy điện Séo Chung Hô xâm phạm bãi đá cổ

Ngày 5-6, Sở VHTT&DL Lào Cai đã có công văn gửi Sở Công thương về việc Công ty TNHH đầu tư điện lực Việt - Trung đã thực hiện không đúng quy trình xin ý kiến của các sở, ban, ngành trong việc xác định ảnh hưởng của tuyến đường dây 110KV trong dự án thủy điện Séo Chung Hô vào đường dây 110kV Lào Cai – Phong Thổ. Khi kiểm tra Sở VHTT&DL mới phát hiện công ty Việt – Trung đã đặt một cột điện nằm trong địa điểm khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia bã đá cổ khi chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Theo công văn, việc xây dựng cột điện trước vị trí ngắm cảnh của khu du lịch làm cản trở tầm quan sát của khách, gây mất mỹ quan khu danh thẳng ruộng bậc thang, suối Mường Hoa. Tuy nhiên, phía công ty Việt- Trung đề nghị xin thêm một năm nữa mới di dời cột điện này.