Việt Nam kiên cường thực hiện mục tiêu kép

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch

NDO -

Vào những thời điểm cam go, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta lại được phát huy mạnh mẽ. Trong trận chiến với dịch bệnh Covid-19 lần này, những quyết sách với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của Đảng và Nhà nước được toàn dân hưởng ứng.

Tổ Covid cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". (Ảnh: Quốc Vinh)
Tổ Covid cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người". (Ảnh: Quốc Vinh)

Người dân chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ chống dịch cùng cấp ủy, chính quyền bằng việc tự nguyện tham gia các tổ Covid cộng đồng, nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, theo tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi: “Mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch Covid-19”.

Mỗi người dân là một chiến sĩ

Từ kinh nghiệm thực hiện khoanh vùng, truy vết trong các đợt dịch bệnh năm 2020, đầu năm 2021, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã “nâng tầm” thành một mô hình mới trong huy động sức dân vào kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng. Đó là mô hình cách ly ba lớp.

Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, triển khai mô hình này, ngoài đối tượng F0, F1 được đi chữa bệnh, cách ly tập trung, lực lượng chức năng khoanh vùng, cách ly tuyệt đối gia đình có trường hợp là F1, cách ly đối tượng F2 và người đến từ vùng dịch. Lớp thứ hai làm nhiệm vụ kiểm soát nội bộ ở các thôn xóm, tổ dân phố, đôn đốc, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Lớp thứ ba kiểm soát chung quanh xóm làng, tổ dân phố.

Để phục vụ cho mô hình ba lớp này, huyện đã lập khoảng 1.600 chốt kiểm soát. Trong đó, những lối đi không cần thiết tại các khu dân cư bị chốt cứng, không cho phép đi lại. Muốn ra vào buộc phải đi qua các chốt còn lại, có người kiểm soát. Bất cứ ai ra, vào khu dân cư, nếu không phải người địa phương đều phải khai báo y tế, cho biết điểm đến trong khu dân cư. Nếu không tuân thủ các biện pháp phòng dịch sẽ bị mời quay về.

Bí thư Chi bộ thôn Lỗ Giao (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh), Nguyễn Hữu Phan cho biết: “Ngay khi địa bàn thôn phát hiện ca bệnh, mô hình cách ly ba lớp được triển khai. Do khoá chặt các khu vực có nguy cơ dịch bệnh, cho nên việc làm ăn, sản xuất trong nội bộ khu dân cư được hạn chế ảnh hưởng”.

Đây là lý do khiến địa bàn xã Việt Hùng nói riêng, huyện Đông Anh nói chung sớm khoanh vùng, dập dịch thành công. Mô hình này được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, toàn huyện Đông Anh có 11.000 người tham gia. Các lực lượng phân công trực ba ca/ngày. Người dân đóng góp tiền của, vật chất để ủng hộ, giúp những người “giữ chốt” yên tâm với công việc. Vào những ngày cuối tháng 6, mặc dù dịch bệnh tại Hà Nội đã được khống chế, các điểm chốt kiểm soát tại Đông Anh vẫn được duy trì và sẽ chỉ dỡ bỏ khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lui.

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch -0
Cán bộ hưu trí phối hợp Công an xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ứng trực kiểm soát y tế phòng dịch Covid-19 tại thôn Linh Quy Bắc. (Ảnh: Đăng Anh)

Trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng, cả hệ thống chính trị của thành phố Hải Phòng luôn trong trạng thái sẵn sàng xử trí, ứng phó nhanh nhất với các tình huống của dịch bệnh. Chỉ cần một thông báo được đưa ra, sau mấy tiếng đồng hồ, các chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến giao thông huyết mạch ra, vào thành phố, hoặc tại các khu dân cư đã có thể đi vào hoạt động ngay. Các chi bộ khu dân cư, lực lượng cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên luôn là những lực lượng tình nguyện sát cánh cùng y tế, công an, quân đội trên mặt trận phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi những ngày tháng 6 nóng như lò nung, nhưng hàng chục đoàn viên, thanh niên tình nguyện trong những bộ quần áo bảo hộ cùng khẩu trang, găng tay kín mít vẫn miệt mài hướng dẫn hành khánh trên các chuyến bay đến Hải Phòng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Lực lượng thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ đắc lực cho Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng trong việc hướng dẫn hành khách khai báo y tế, phân loại, lấy mẫu xét nghiệm, tổng hợp… Phó ban Công tác thanh niên Thành đoàn Hải Phòng Hoàng Minh Hiếu chia sẻ, làm việc trong điều kiện như vậy chỉ khoảng một tiếng là người em đã sũng mồ hôi. Nhưng qua đó chúng em càng chia sẻ hơn với những khó khăn mà các bác sĩ, nhân viên y tế đang gắng sức tại các “tâm dịch”.

Phát huy hiệu quả của tổ Covid cộng đồng

Mỗi khi xuất hiện các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, các lực lượng chức năng sẽ triển khai ngay công tác tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp có nghi ngờ. Để làm được điều này nếu chỉ trông chờ vào lực lượng y tế là không đủ, mà cần phải huy động, vận dụng sức mạnh của toàn dân, nhất là các tổ Covid cộng đồng, tổ tự quản. Trong làn sóng dịch lần thứ tư, các địa phương có dịch xây dựng và triển khai đồng bộ mô hình này, nhờ đó, kịp thời ngăn chặn việc lây lan dịch, từng bước kiểm soát và đẩy lui dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng chí Đoàn Đình Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) cho biết: Cẩm Giàng là điểm nóng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ ba và phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đã thực hiện phong tỏa hàng chục khu dân cư một cách nghiêm ngặt, yêu cầu tất cả mọi người dân không được ra khỏi khuôn viên gia đình cho tới khi được gỡ bỏ phong tỏa.

Để làm được điều đó, tại các khu dân cư phải cách ly y tế, huyện thành lập bốn tổ chống Covid-19 gồm: tổ tuyên truyền; tổ tuần tra, kiểm soát; tổ cung ứng nhu yếu phẩm và tổ Covid cộng đồng. Mỗi tổ thực hiện nhiệm vụ riêng. Tổ tuyên truyền chuyển tải thông tin phòng chống dịch nhiều lượt trong khu dân cư bị cách ly y tế. Tổ tuần tra, kiểm soát thường xuyên túc trực, thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập tại khu cách ly.

Tổ Covid cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện cảm cúm, ho, sốt để theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm. Tổ cung ứng mua giúp các nhu yếu phẩm thiết yếu cho những gia đình có nhu cầu; chuyển đồ tiếp tế của các hộ dân vào từng gia đình.

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch -0
Tổ Covid cộng đồng phường Hải Tân (TP Hải Dương) đến từng hộ dân hướng dẫn ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Quốc Vinh)

Tỉnh Bắc Giang đã thành lập 10.643 Tổ Covid cộng đồng với tổng số 37.420 người. Trong đó, huyện Lục Nam là một trong những địa phương áp dụng thành công nhất công tác phòng, chống dịch theo phương châm “toàn dân, toàn diện” với 1.400 tổ, gần 4.000 người tham gia.

Chị Nguyễn Thị Toan (ở Thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam), một trong những thành viên tích cực nhất của Tổ Covid cộng đồng chia sẻ: “Công việc của thành viên tổ Covid cộng đồng đòi hỏi sự tỉ mẩn, nhất là không được chủ quan, lơ là. Chúng tôi quan tâm đặc biệt đối tượng là công nhân về từ vùng dịch đang cách ly tại nhà bằng cách thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu họ khai báo y tế. Tuy vất vả nhưng tôi thấy vui khi được góp một phần sức lực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.”.            

Ở các huyện Việt Yên, Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), nơi có nhiều khu nhà trọ cho công nhân thuê còn thành lập những tổ Covid nhà trọ, tổ trưởng chính là chủ nhà trọ, thành viên là một số công nhân nhiệt tình đang trọ tại đó. Các tổ Covid nhà trọ đã điều chỉnh mẫu biểu ngắn gọn, hợp lý hơn trong khai báo y tế, giúp người dân khai báo nhanh và chính xác, đồng thời chủ động lập nhóm Zalo kết nối thông suốt giữa thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từ cấp huyện đến xã, thôn, tổ dân phố và đại diện các gia đình ở địa phương. Qua đó giúp việc truyền tải, cập nhật mọi thông tin liên quan được thông suốt.

Các thôn, khu phố ở Quảng Ninh thành lập tổ công tác tự quản, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn phức tạp, cao điểm. Thành viên mỗi tổ công tác gồm đại diện công an địa phương, chi hội cựu chiến binh, dân phòng, tự vệ, đoàn viên thanh niên, nhân viên y tế (do ngành y tế tăng cường).

Nhiệm vụ là kiểm soát mọi công dân ra, vào thôn, khu phố, biến động nhân khẩu trên địa bàn, nhất là người ở nước ngoài, ở các tỉnh, địa phương khác về địa bàn tạm trú, thuê nhà, thuê khách sạn; kiểm tra y tế, đo thân nhiệt tất cả các công dân vào địa bàn; giám sát y tế; cập nhật thông tin vào tờ khai y tế tất cả nhân khẩu trên địa bàn; kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền, cơ quan y tế những trường hợp có nghi ngờ và các phát sinh khác.

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch -0

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch -0

Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào tỉnh Quảng Ninh tại chốt kiểm soát Trạm thu phí cầu Bạch Đằng. Ảnh: Quang Thọ

Ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 4A , phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả cho biết: Tôi và toàn bộ các thành viên trong tổ đều sẵn sàng trực 24/24 giờ, đồng thời bảo đảm liên lạc thông suốt để khi cần huy động phối hợp là lên đường luôn.

Tự giác chấp hành quy định phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành công điện yêu cầu người dân thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng một số hoạt động, dịch vụ để ngăn ngừa sự lây lan của dịch. Hầu hết người dân các địa phương tự giác chấp hành nghiêm túc, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế, hy sinh lợi ích cá nhân để cùng Đảng, Chính phủ vượt qua dịch bệnh.

Từ 0 giờ ngày 31-5, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong hai tuần, do trên địa bàn có ổ dịch nguy hiểm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng. Trong những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm, công tác tổ chức của quận còn lúng túng, người dân vẫn men theo các con hẻm để đi ra ngoài một cách tự do. Tuy nhiên sau khi được sự chỉ đạo của UBND thành phố, các ban, ngành, việc thực hiện giãn cách đi vào nền nếp.

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch -0
TP Hồ Chí Minh trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Võ Mạnh Hảo)

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, quận đã thiết lập 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào quận, nhằm hạn chế tối đa việc di chuyển của các phương tiện từ các địa bàn khác vào quận, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Mỗi chốt trực có 10 thành viên và chia ra ba ca/ngày. Ngoài ra, UBND quận chỉ đạo 16 phường tổ chức lực lượng trực tại 233 điểm trực để bảo đảm tình hình an ninh trật tự và công tác phòng chống dịch tại các điểm phong tỏa của quận và tại một số đường hẻm kết nối với các quận lân cận.

Quận đã phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm khai báo y tế điện tử và tổ chức việc kiểm tra khai báo y tế của người dân ra, vào quận tại các chốt kiểm soát. Trong hai tuần giãn cách, có hơn 800 nghìn lượt người khai báo y tế điện tử, trong đó, quận phát hiện hơn tám nghìn trường hợp mẫu khai báo y tế có nguy cơ về dịch tễ, đã hướng dẫn người dân liên hệ các cơ quan y tế để được xác minh và thực hiện các bước điều tra dịch tễ.

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch -0
 Người dân chấp hành việc đo thân nhiệt và khai báo y tế khi ra vào quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Mạnh Hảo)

Chị Cao Nguyễn Dương Đông, khu phố 14, phường 12, quận Gò Vấp, chia sẻ, người dân trên địa bàn quận thực hiện khá nghiêm túc Chỉ thị 16 của thành phố. Người dân mỗi khi ra vào quận đều khai báo y tế, không còn cảnh tìm đường tắt để đi “chui” như những ngày đầu.

Đồng chí Nguyễn Trí Dũng chia sẻ, nhờ sự hợp tác của người dân mà quận Gò Vấp đã vượt qua những ngày khó khăn nhất. 14 ngày thực hiện giãn cách trên địa bàn theo Chỉ thị 16/CT-TTg, UBND quận đã tập trung lãnh đạo, huy động các lực lượng thực hiện công tác dập dịch, truy vết, khoanh vùng để kịp thời phát hiện xử lý các ca nhiễm.

Những ngày đầu, tốc độ lây nhiễm cao ở quận vẫn còn cao, nhưng đến ngày thứ 11 tốc độ đã chậm lại. Sau hai tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phần lớn số ca bệnh mới phát hiện chủ yếu trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm liên quan đến ổ dịch nhóm “Truyền giáo Phục hưng” đã được kiểm soát.

Cuối tháng 5-2021, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực tập trung đông dân, ngày 24-5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND, yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại chỗ, các cửa hàng cắt tóc, gội đầu, dừng hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại các địa điểm công cộng, 30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã nhanh chóng triển khai trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát các vi phạm.

Ngay trong sáng 25-5, lực lượng chức năng tiến hành đặt thông báo, bố trí lực lượng nhắc nhở người dân tạm dừng tụ tập, tập thể dục, thể thao tại các công viên, vườn hoa, khu vui chơi tại các khu tập thể… Ðồng thời, các Tổ Covid cộng đồng gửi thông báo, tổ chức cho các quán ăn, cơ sở kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Bài 2: Huy động sức mạnh toàn dân chống dịch -0
Cửa hàng ăn trên phố Nam Đồng (Hà Nội) treo biển chỉ bán mang về. (Ảnh: Đăng Anh)

Hà Nội là địa bàn kinh doanh sầm uất, giờ đây phải dừng bán hàng tại chỗ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của người dân, nhưng mọi người nghiêm túc thực hiện. Chị Nguyễn Thu Hằng, chủ cửa hàng cà-phê trên phố Ðặng Tiến Ðông (phường Trung Liệt) cho biết, việc chỉ bán hàng mang đi làm doanh thu cửa hàng giảm một nửa so với trước, nhưng cửa hàng nghiêm túc chấp hành, không thể vì cái lợi trước mắt của mình, mà làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Việc tạm dừng hoạt động thể dục thể thao tại các địa điểm công cộng gây không ít xáo trộn, nhưng nhìn chung người dân vẫn nghiêm túc thực hiện.

Khi dịch bệnh xảy ra, những hoạt động tập trung đông người, nhất là việc hiếu, việc hỷ của các gia đình rất dễ trở thành nơi “siêu lây nhiễm”. Thành phố Hà Nội ban hành quy định dừng các hoạt động tập trung đông người, đồng thời vận động người dân chuyển tổ chức tiệc cưới sang báo hỷ, tổ chức tang lễ văn minh và được người dân đồng thuận, tự giác chấp hành.

Qua cả bốn đợt dịch, tính đến giữa tháng 6-2021, thành phố có đến 13 nghìn đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, hoặc chuyển sang hình thức báo hỷ; 2.400 cặp uyên ương lùi thời gian tổ chức hôn nhân. Đối với tang lễ, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố có 21.653 người qua đời, thì có đến 20.382 gia đình tổ chức việc tang ma gọn gàng, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Những nét đẹp văn hóa của người dân Thủ đô nói riêng, người dân nước ta nói chung đã trở thành một nhân tố đặc biệt “tham gia” hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch, giúp đất nước ta nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép