Tiềm năng kinh doanh tín chỉ các-bon rừng

Bài 2: Chuẩn bị đầy đủ điều kiện để kinh doanh

Thị trường các-bon bao gồm rất nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thú y... Hiện Việt Nam đang triển khai thí điểm ở lĩnh vực lâm nghiệp, tuy nhiên kết quả chưa thật sự khả quan do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Do đó, để tín chỉ các-bon rừng trở thành hàng hóa thì vẫn còn nhiều việc phải làm…
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Bình Ðịnh chủ động phòng, chống cháy rừng. (Ảnh VŨ SINH)
Lực lượng kiểm lâm tỉnh Bình Ðịnh chủ động phòng, chống cháy rừng. (Ảnh VŨ SINH)

Việt Nam bắt đầu tham gia một số thỏa thuận quốc tế liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, ngoại trừ thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) giai đoạn 2018-2024 đã được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện hiệu quả, các thỏa thuận khác đến nay mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu khả thi…

Cũng như nhiều địa phương có rừng khác, thực tế tại tỉnh Tuyên Quang cho thấy, khả năng sẵn sàng tham gia ngay thị trường các-bon rừng từ REDD+ hiện nay là không cao. Bởi, đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thực hiện việc thương mại các-bon rừng, chưa có tín chỉ các-bon rừng được công nhận; chưa tìm được đối tác mua các-bon rừng và chưa có kinh nghiệm trong việc thương mại các-bon rừng từ REDD+ trong khi thị trường các-bon trong nước chưa hình thành.

Ngày 19/5/2023, tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, giúp đỡ và định hướng cho địa phương giải quyết theo quy định đối với đề xuất hợp tác của công ty nước ngoài về mua các-bon rừng từ REDD+ với các doanh nghiệp lâm nghiệp và Ban quản lý rừng phòng hộ của tỉnh Tuyên Quang.

Phúc đáp văn bản này, Cục Lâm nghiệp có ý kiến: dịch vụ "Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh" là một trong năm loại dịch vụ môi trường rừng được quy định tại khoản 3 Ðiều 61 của Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, đây là loại dịch vụ mới chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 156/2018/NÐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2018/NÐ-CP. Theo đó, sẽ có quy định về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng. Hy vọng thời gian tới, sẽ hoàn thành đầy đủ khuôn khổ pháp lý để đến hết năm 2027 có thể tham gia đầy đủ vào thị trường tín chỉ các-bon.

Các chuyên gia cho biết, thị trường các-bon quốc tế hiện rất đa dạng, trong đó có các-bon rừng. Tuy nhiên, quy định quốc tế theo Thỏa thuận Paris về thương mại các-bon toàn cầu đến nay chưa rõ ràng và đầy đủ. Các thị trường tự nguyện, thị trường thỏa thuận song phương, đa phương mới đang dần hình thành và phát triển.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Dự thảo Nghị định đưa ra mục tiêu và lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho giai đoạn đến hết năm 2025 và giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030. Trong đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, không tạo sức ép giảm phát thải đối với doanh nghiệp, từ năm 2026 đến hết năm 2030 sẽ thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch.

Như vậy, thị trường các-bon nội địa chưa thể hoạt động được từ nay đến hết năm 2025. Trên thực tế, việc thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng nhiều địa phương đến nay cũng chưa được thực hiện. Mặt khác, do Chính phủ chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh, cho nên dù các địa phương có tiềm năng rất lớn về các-bon rừng cũng chưa đủ cơ sở pháp lý và điều kiện để triển khai thực hiện.

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã nêu rõ: thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp điều kiện của nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính và công nghệ của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia vào thị trường các-bon toàn cầu.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với những quy định mới về mua bán tín chỉ và hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng lần đầu tiên chế định việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon như là công cụ kinh tế để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Nghị định số 06/2022/NÐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn cũng có một số quy định liên quan đến chuyển nhượng các-bon rừng. Mặc dù nội dung các-bon rừng đã được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Nghị định số 06/2022/NÐ-CP, tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại.

Ðể khắc phục bất cập này, cần "bịt" nhanh những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách có liên quan phù hợp, thống nhất. Chính phủ cần sớm ban hành bổ sung các quy định giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh về điều tra, đánh giá trữ lượng các-bon rừng; phân vùng các-bon rừng và lập bản đồ các-bon rừng toàn quốc, trong đó xác định vùng giảm phát thải các-bon từ rừng, vùng kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; bổ sung chỉ tiêu trữ lượng các-bon rừng trong công bố hiện trạng rừng toàn quốc hằng năm.

Mặt khác, Nhà nước cần có quy định ban hành quy trình, thủ tục cho lập dự án đầu tư kinh doanh tín chỉ các-bon rừng bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn các-bon rừng quốc tế; các quy định về thẩm tra dự án, xác minh tín chỉ các-bon bởi các tổ chức độc lập; phát hành tín chỉ; xây dựng cơ chế tài chính các-bon rừng và chia sẻ lợi ích phù hợp với các loại dự án. Ðây là các bước chuẩn bị cụ thể, bảo đảm đầy đủ năng lực và môi trường pháp lý để Việt Nam có thể sớm thực hiện việc kinh doanh tín chỉ các-bon rừng theo đúng lộ trình đã đặt ra...

Nghị định số 06/2022/NÐ-CP quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước. Vào năm 2025, thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Ðến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028. Cùng với đó là quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

---------------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 3/11/2023.