Bác sĩ 8X và hướng đi mới đầy triển vọng trong điều trị cận thị ở trẻ nhỏ

NDO - Là một trong những Tiến sĩ nhãn khoa đầu tiên ở Việt Nam, vừa có đề tài nghiên cứu được giới chuyên môn toàn cầu đánh giá sẽ gây chấn động cả giới nhãn khoa và thần kinh, nhưng ít người biết rằng, bác sĩ Trần Đình Minh Huy từng thất bại nhiều tới mức chán nản và chỉ nghĩ đến 2 chữ “từ bỏ”.
0:00 / 0:00
0:00
TS, BS Trần Đình Minh Huy (bên trái) chăm sóc, giải đáp thắc mắc của người bệnh.
TS, BS Trần Đình Minh Huy (bên trái) chăm sóc, giải đáp thắc mắc của người bệnh.

Con đường học vấn trong lĩnh vực y khoa của Tiến sĩ, bác sĩ (TS, BS) Trần Đình Minh Huy khởi đầu không hề dễ dàng. Bởi anh đã theo học hệ tiếng Pháp suốt quãng thời gian trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng đến khi ngồi ghế giảng đường Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, toàn bộ giáo trình lại yêu cầu khả năng sử dụng thành thạo... tiếng Anh chuyên ngành.

Làm quen với ngoại ngữ mới đã khó, để viết được các công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh trên những ấn phẩm khoa học quốc tế lại càng đòi hỏi sự chuẩn mực về ngữ nghĩa, cú pháp để thông điệp có thể truyền tải đến người đọc một cách cụ thể, dễ hiểu nhưng vẫn bảo đảm tính toàn vẹn của khoa học.

Con đường đầy chông gai

Với sự “khởi đầu nan” đó, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chàng sinh viên Trần Đình Minh Huy đã không khỏi ngạc nhiên khi chỉ sau thời gian ngắn, từ chỗ chỉ “bập bẹ” vài câu tiếng Anh giao tiếp, anh đã có thể tự tin học tập, cập nhật nhiều tài liệu y khoa chuyên ngành, thậm chí viết nghiên cứu bằng tiếng Anh cho nhiều ấn phẩm khoa học.

Thế nhưng, đích đến của chàng trai trẻ không chỉ là tiếng Anh. Như những gì anh chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, đây chỉ là chất xúc tác rút ngắn khoảng cách với chân trời kiến thức y khoa nói chung, nhãn khoa nói riêng.

Tất nhiên, chặng đường đi tới chân trời đầy hoài bão đó luôn có vô số chông gai. Anh còn nhớ như in việc từng bị từ chối tới 3 lần khi bảo vệ luận điểm trước các giáo sư chuyên ngành, thậm chí bị chính giáo viên hướng dẫn phản đối về việc đăng tải 1 bài báo nghiên cứu về việc sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine trong kiểm soát cận thị của hơn 6 nghìn trẻ em trên thế giới.

Quá chán nản, anh đã tính tới việc từ bỏ hoàn toàn đề tài nghiên cứu trên để dành thời gian cho những công trình khác. Tuy nhiên, từ những lời động viên của thầy cô, đồng nghiệp đi trước, anh nhận ra những lỗ hổng quan trọng trong đề tài như số liệu tổng kết chưa sát chủ đề, quy trình phân tích có quá nhiều kẽ hở, ngay cả vấn đề nghiên cứu cũng chưa đủ sức hút. Trong đó, có Giáo sư Clare Fraser, chuyên ngành Thần kinh nhãn khoa (Viện Save Sight, khoa Y, Trường đại Học Sydney, Australia)

Bác sĩ 8X và hướng đi mới đầy triển vọng trong điều trị cận thị ở trẻ nhỏ ảnh 1

TS, BS Trần Đình Minh Huy (bên phải) và cộng sự tại nơi làm việc.

Sự nỗ lực không ngừng đã mang đến cho TS, BS Trần Đình Minh Huy thành công vang dội: bài báo về tác động của Atropine lên đồng tử và lực điều tiết khi dùng hằng ngày trong kiểm soát tiến triển cận thị của trẻ nhỏ đã được chọn làm điểm tin những công bố khoa học nổi bật lĩnh vực nhãn khoa khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên Tập san khoa học của Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ - một trong những tổ chức khoa học về nhãn khoa uy tín nhất toàn cầu.

Vì người bệnh, không bao giờ dừng nghiên cứu

Cho đến nay, sau hơn 4 năm bắt tay vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, TS, BS Trần Đình Minh Huy đã trở thành tác giả chính, đồng tác giả của hơn 15 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín tầm cỡ thế giới của lĩnh vực nhãn khoa.

So với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác, đây có thể là 1 con số khiêm tốn. Nhưng thực tế, đối với nhãn khoa nói chung và đặc biệt là lĩnh vực vô cùng mới mẻ là kiểm soát cận thị ở trẻ em, thành công của anh có thể đánh giá là rất tích cực, đáng khích lệ.

Chia sẻ về nguồn động lực lớn lao, tình yêu cháy bỏng đối với lĩnh vực nhãn khoa, TS, BS Trần Đình Minh Huy trầm ngâm kể lại: “Cách đây không lâu, tôi đã khám cho một bác gái đã 72 tuổi, thị lực cả 2 mắt rất kém do không được kiểm tra kịp thời, điều trị đúng thời điểm, tới mức đi lại hay sinh hoạt cá nhân cũng đều phải có người hỗ trợ...”

Sau hội chẩn, anh và các đồng nghiệp quyết định phẫu thuật cho người bệnh. Ca mổ thành công tốt đẹp. Ngày tháo băng, trước những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má người bệnh khi bà ôm chầm lấy “vị cứu tinh”, TS, BS mới 37 tuổi đã không kìm nén được xúc động, thầm nhủ sẽ không bao giờ dừng lại trên con đường nghiên cứu y học.

Nói về những dự định trong tương lai, anh Huy cho biết đang theo đuổi ước mơ về việc ứng dụng triển khai kiểm soát cận thị ở trẻ em bằng nhiều phương pháp song song như: điều chỉnh thói quen sinh hoạt, sử dụng tròng kính đặc biệt, thuốc nhỏ mắt đặc trị...

“Hầu hết các quốc gia có nền y tế phát triển tại châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đều có chương trình hành động cấp quốc gia để kiểm soát tỷ lệ phát triển, tốc độ tiến triển cận thị ở trẻ em. Dẫu biết vẫn còn rất nhiều thử thách, nhưng tôi muốn Việt Nam cũng sở hữu 1 chương trình tương tự nhằm kéo giảm gánh nặng điều trị các bệnh lý suy giảm thị giác trong cộng đồng”, TS, BS Trần Đình Minh Huy nói.

Năm 2021, TS, BS Trần Đình Minh Huy từng vinh dự được chọn làm Đại sứ Viện Cận thị thế giới (International Myopia Institute) khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2022, anh là 1 trong 14 nghiên cứu viên trẻ của Hiệp hội Nghiên cứu về thị giác và nhãn khoa (Association for Research in Vision and Ophthalmology) dành cho các nước đang phát triển.

Đáng chú ý, anh còn là tác giả người Việt Nam trong danh sách gồm nhiều giáo sư y khoa nổi tiếng trên thế giới thực hiện 1 nghiên cứu về chẩn đoán, phân loại viêm thần kinh thị giác, đã được đăng tải trên tuần san y khoa The Lancet Neurology. Nghiên cứu được giới chuyên môn toàn cầu đánh giá “sẽ gây chấn động cả giới nhãn khoa và giới thần kinh”.

Hiện, TS, BS Trần Đình Minh Huy là thành viên danh dự Hội Nhãn khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Hội Nhãn khoa Việt Nam. Ngoài ra, anh Huy còn tham gia vào công tác giảng dạy tại Bộ môn Mắt của Trường đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.