Kết hợp đa chuyên khoa cứu sống người bệnh có dị vật cắm sâu vào mắt trái

NDO - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa phẫu thuật cấp cứu người bệnh T.P.N (17 tuổi, Phú Thọ) bị vết thương sọ não, dị vật nội sọ, vết thương nhãn cầu trái do tai nạn giao thông xe máy, ô-tô.
0:00 / 0:00
0:00
Phối hợp đa khoa cứu sống người bệnh.
Phối hợp đa khoa cứu sống người bệnh.

Người bệnh được cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Trung ương sau đó chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng lơ mơ, nhiều vết thương xây xát, đặc biệt thanh dị vật cắm sâu vào mắt trái gây mất thị lực.

BSCKII Trần Sơn Tùng, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 2 - bác sĩ chuyên khoa thần kinh trực cấp cứu nhận định đây là trường hợp ca bệnh phức tạp, tổn thương sâu và có nhiều nguy cơ tổn thương mạch máu, thần kinh.

Người bệnh được các bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp đa dãy cấp cứu kịp thời để đánh giá tổn thương. Trên hình ảnh phim chụp cho thấy thanh dị vật dài 170x6mm, trong đó đoạn nằm trong sọ dài 120mm đi từ sát thành trong hốc mắt qua ngay dưới thành trên của xoang sàng sau bên trái xoang bướm.

Dị vật đi sát bờ trong của động mạch cảnh trong phải đoạn xoang hang, qua hố yên đi vào sâu trong nhu mô não và qua dưới cuống đại não, cạnh bờ phải cầu não và tận cùng ở hồi hải mã phải, cạnh động mạch não sau. Dị vật đi sát bờ trong của động mạch cảnh trong phải đoạn xoang hang.

Ngay sau khi chẩn đoán được chính xác thương tổn, dưới sự chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện, hội chẩn đa chuyên khoa được tổ chức với sự tham gia của các chuyên ngành: phẫu thuật thần kinh, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch lồng ngực.

Kết hợp đa chuyên khoa cứu sống người bệnh có dị vật cắm sâu vào mắt trái ảnh 1

Dị vật gây ra tổn thương cho bệnh nhân.

Tất cả các phương án cũng như các nguy cơ biến chứng được thảo luận kỹ lưỡng giữa các chuyên gia đầu ngành. Chỉ định được đưa ra là tiến hành rút bỏ dị vật dưới sự giám sát của chẩn đoán hình ảnh, kiểm soát chảy máu não dưới màn tăng sáng.

Người bệnh được chuyển từ khu vực hồi sức cấp cứu xuống phòng can thiệp mạch máu, gây mê nội khí quản, đặt ống thông từ động mạch đùi lên phía các động mạch não, kiểm soát các mạch máu nằm trên đường đi của dị vật.

Quá trình rút bỏ dị vật được tiến hành bởi ê-kíp Phẫu thuật Thần kinh do PGS, TS Ngô Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh 2 phụ trách; cùng với sự phối hợp của ê-kíp can thiệp mạch đứng đầu là TS, BS Lê Thanh Dũng - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh. Ca phẫu thuật đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của nhóm gây mê hồi sức do TS, BS Lưu Quang Thùy - Giám đốc Trung tâm Gây mê Hồi sức Ngoại khoa chịu trách nhiệm chính.

Với sự tập trung cao độ của tất cả các chuyên gia, các thao tác được tiến hành cẩn thận và tỉ mỉ nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ có thể xảy ra, dị vật được rút bỏ mà không ghi nhận có tổn thương mạch máu nào trên phim chụp kiểm tra ngay trên bàn can thiệp.

Người bệnh sau đó được tiếp tục theo dõi và hồi sức tại Trung tâm Gây mê Hồi sức Ngoại khoa, chỉ định mổ cấp cứu khâu vết thương củng mạc ngay khi tình trạng sọ não ổn định.