Là một trong hai xã của huyện Lương Tài đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023, xã Lâm Thao đã triển khai nhiều biện pháp, huy động tối đa nguồn lực, tập trung vào các tiêu chí còn yếu và thiếu. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lâm Thao Vũ Văn Tuấn, địa phương này đang gặp không ít khó khăn về một số tiêu chí như: Tỷ lệ đường ngõ, xóm được cứng hóa; việc bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp còn thấp; tiêu chuẩn về văn hóa, vệ sinh môi trường và thu nhập chưa đáp ứng yêu cầu, hay tiêu chí về tiếp cận pháp luật còn thiếu,... Thêm vào đó, một số tiêu chí, mặc dù đã đạt ở giai đoạn trước, nhưng do yêu cầu tiêu chí mới nâng lên dẫn đến không đáp ứng theo bộ tiêu chí mới.
Cuối năm 2022, xã Chi Lăng (thị xã Quế Võ) đã đạt 17/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Thế nhưng, sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2022-2025, qua đánh giá, rà soát, Chi Lăng giảm ba tiêu chí so với trước. Các tiêu chí còn thiếu đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn như môi trường, cơ sở vật chất hạ tầng, các thiết chế văn hóa,…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chi Lăng Nguyễn Như Mật cho biết: Để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay, khó khăn lớn nhất của địa phương là về tiềm lực kinh tế, kinh phí đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí cũ và bổ sung các tiêu chí còn thiếu theo quy định mới. Nguồn lực tại chỗ chưa thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị cho nên cần sự hỗ trợ của thị xã, của tỉnh thì mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành với 19 tiêu chí. Trong đó, số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao tăng 62 chỉ tiêu so với giai đoạn trước, nhằm đưa nông thôn phát triển toàn diện, phù hợp với quá trình công nghiệp và đô thị hóa của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới. Các tiêu chí mới có những yêu cầu cao hơn trước, đòi hỏi khắt khe hơn khi đánh giá, nên dẫn đến thực trạng nhiều địa phương bị tụt giảm các tiêu chí, hoặc phát sinh những khó khăn trong hiện thực hóa việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thực tế, hầu hết trong số 8 xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023 đều gặp khó khăn, khiến lộ trình về đích nông thôn mới nâng cao có thể không đạt kế hoạch đặt ra.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lưu Văn Khải, đơn vị thường trực Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh: Qua rà soát, chúng tôi đã nắm được những khó khăn của các địa phương trong thực hiện bộ tiêu chí mới. Tuy nhiên, các tiêu chí đề ra chỉ là thước đo để hướng tới, phấn đấu đạt được; còn quá trình thực hiện với từng tiêu chí cụ thể chúng tôi sẽ phối hợp, hỗ trợ để có lộ trình phù hợp, linh hoạt.
Mục tiêu đến 2025 của tỉnh Bắc Ninh là mỗi huyện có ít nhất 50% số xã nông thôn mới nâng cao (trong đó, 30% xã nông thôn mới kiểu mẫu); hai huyện Gia Bình và Lương Tài đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để tháo gỡ những khó khăn mà các đơn vị đang gặp phải, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Vương Quốc Tuấn chỉ đạo: Các sở, ngành, địa phương bám sát chức năng, nhiệm vụ được phân công; chủ động rà soát, đánh giá, đối chiếu kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định. Từ đó, có kế hoạch thực hiện, duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện toàn bộ các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra. Phương châm trong thực hiện là bảo đảm các tiêu chí phải thực chất, nông thôn mới Bắc Ninh phải có những nét đặc sắc về bản sắc văn hóa, môi trường trong sạch, đời sống nhân dân được nâng cao... Ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cần huy động sự chung sức của các tầng lớp nhân dân, các nguồn lực xã hội; quá trình triển khai phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra đúng lộ trình, kế hoạch ■