Nằm trong vùng Ðồng bằng sông Hồng, tỉnh Bắc Ninh có hệ thống công trình chống lũ trải dài bốn con sông bao gồm: Sông Cầu, sông Ðuống, sông Thái Bình và sông Cà Lồ với gần 196 km đê, 105 cống và 40 kè hộ bờ và chống sóng; 582 trạm bơm lớn nhỏ và hệ thống kênh mương dẫn nước từ đầu mối đến nội đồng.
Chủ động ứng phó
Những năm gần đây, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương, bề mặt các tuyến đê tại Bắc Ninh đã được thảm nhựa, đổ bê-tông gần 100%; các công trình kè, cống, trạm bơm cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp. Chỉ tính riêng năm 2023, Bắc Ninh đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng nhiều công trình, hạng mục sửa chữa, cải tạo gia cố đê; triển khai 13 hạng mục cứng hóa mặt đê, xây dựng dốc lên đê, làm đường hành lang chân đê và kho vật tư dự trữ phòng chống lụt bão.
Ðể chủ động đối phó với thiên tai bất thường có thể xảy ra, căn cứ hiện trạng công trình trước lũ năm 2024, tỉnh Bắc Ninh xác định 15 trọng điểm chính, trong đó có 6 trọng điểm cấp tỉnh và 9 trọng điểm cấp huyện. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các địa phương rà soát những điểm xung yếu và phân giao trách nhiệm cho các xã, phường ven đê dự kiến tình huống sự cố có thể xảy ra, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu, chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.
Ông Vương Chí Kiên, Hạt trưởng Quản lý đê Thuận Thành cho biết: Thị xã Thuận Thành hiện có khoảng 15 km đê hữu Ðuống và gần 10 km đê bối. Chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay, ngay từ đầu tháng 5, chính quyền và nhân dân thị xã Thuận Thành đã khẩn trương triển khai các giải pháp, xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ đến từng thành viên. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ thị xã Thuận Thành yêu cầu các cấp, ngành khi có bão, lũ phải ứng trực, tuần tra nghiêm túc, nắm chắc diễn biến từng đợt lũ, bão để phát hiện xử lý kịp thời; cùng với đó, thành lập đội xung kích với lực lượng hơn 1.000 người và các đội thông tin hỏa tốc tại 18 xã, phường trên địa bàn.
Xử lý nghiêm các sai phạm
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng vi phạm hành lang đê điều và công trình thủy lợi tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những hệ lụy khó lường. Vụ việc sụt lún, sạt lở đê sông Cầu tại địa phận khu phố Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh mới đây là một thí dụ. Chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 10/2023 đến tháng 4/2024), Ủy ban nhân dân tỉnh đã 2 lần phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại khu vực này do xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 6 ngôi nhà kiên cố và một số công trình phụ của nhân dân bị sạt xuống sông, 15 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời. Hậu quả này có một phần nguyên nhân do các công trình vi phạm xây dựng trái phép lấn ra mép sông làm thu hẹp dòng chảy kết hợp với tải trọng của công trình gây ra sạt lở.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh phát sinh 413 trường hợp vi phạm Luật Ðê điều, đã xử lý được 39 trường hợp, còn lại 374 trường hợp. Ngoài ra, số vi phạm tồn đọng giai đoạn từ năm 2020 trở về trước là 1.896 trường hợp. Toàn tỉnh cũng phát sinh 481 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi và 50 kênh tưới, tiêu bị ô nhiễm, 8 trạm trộn bê-tông trái phép trên bãi sông; 89 bãi tập kết vật liệu xây dựng chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép theo quy định nhưng vẫn hoạt động gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và an toàn đê điều. Mặt khác, tại một số tuyến đê, tình trạng các bến bãi tập kết quá chiều cao quy định và dùng xe quá tải trọng cho phép đi lại trên đê vẫn diễn ra tại một số địa phương tiềm ẩn nguy cơ gây hư hỏng mặt đê.
Ðiều đáng nói, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm Luật Ðê điều, Luật Thủy lợi cũng như các trường hợp vi phạm xây dựng lắp đặt trạm trộn bê-tông, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, trong đó có nguyên nhân chủ quan là sự thiếu quyết liệt từ chính quyền các cấp. Một số địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh. Cá biệt, tại một số địa bàn, vi phạm cũ chưa được xử lý đã phát sinh vi phạm mới.
Nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, với phương châm "chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các địa phương rà soát vi phạm để xử lý ngay, nhất là các trường hợp vi phạm ngoài bãi sông. Các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra các trường hợp vi phạm mới phát sinh trên địa bàn nhưng không chỉ đạo tổ chức xử lý ngay - lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.