Bắc Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững

NDO - Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có những bước đột phá, bước đầu hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Hiện, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, qua đó tạo ra những sản phẩm giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao tổng diện tích 160ha; trong đó, có 29 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 154ha, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích gần 30ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.

Những "trái ngọt" từ nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm, thôn Nhất Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của người nông dân với lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/năm.

Thành công của chị Trâm là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất. Năm 2012, chị đã quyết định bỏ công việc ổn định để “về làng” để làm nông nghiệp trong sự ngỡ ngàng của người dân nơi đây.

Bắc Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững ảnh 1
Hệ thống nhà màng, nhà lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Sau nhiều lần thất bại, chị Trâm đã chứng minh cho mọi người thấy hướng đi của mình là đúng. Qua nhiều lần trồng thử nghiệm các loại giống măng tây, chị Trâm đã nghiên cứu và phát triển thành công giống măng tây xanh Mỹ và trang trại của chị cũng một trong hai cơ sở sản xuất nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được cấp Giấy chứng nhận VietGAP.

Với thành công ban đầu, năm 2014, chị Nguyễn Thị Trâm đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế trang trại lên Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu nông sản Hải Phòng chuyên sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản

Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm sạch, nên ngay từ khi thành lập công ty, chị đã hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, sản phẩm của công ty dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường tại các siêu thị lớn như Vinmart, BigC. Đến nay, Công ty đã xây dựng được 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà lưới và mở rộng hơn 10ha chuyên trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao tại Bắc Ninh và Hà Giang, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động.

Nhằm giảm công sức, ngày công lao động, công ty đã đưa các thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, công ty có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, nổi bật nhất là dưa leo baby - mặt hàng luôn trong tình trạng thiếu hàng, nhờ chất lượng mẫu mã đẹp.

Ngoài sự thành công của chị Trâm, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Mô hình sản xuất lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản với quy mô 10ha nhà màng, nhà lưới của Công ty trách nhiệm hữu hạn May Hồ Gươm, tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài; mô hình chuyên sản xuất dưa lưới trong nhà màng để bán cho các siêu thị với quy mô 0,7ha của hộ ông Nguyễn Xuân Thám, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình; mô hình sản xuất nho hạ đen và một số loại cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao với quy mô 5ha tại Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Bình Dương, xã Bình Dương, huyện Gia Bình...

Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đối với một tỉnh có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông, nhưng lại có lợi thế về vị trí địa lý như tỉnh Bắc Ninh thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết. Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XX cũng đã xác định phương hướng của lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng, đó là: “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”.

Bắc Ninh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững ảnh 2
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức độ sản xuất và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn ít, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị, tại các bếp ăn lớn ở các khu công nghiệp, các trường học chưa cung cấp được nhiều bởi chưa cạnh tranh được về giá. Đây chính là "rào cản" lớn nhất trong việc phát triển thị trường và tạo thương hiệu riêng cho nông nghiệp của tỉnh.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh có nhiều giải pháp, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm. Trong đó, tỉnh tập trung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô lớn phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng. Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đứng ra tích tụ bằng các hình thức góp vốn chia theo lợi nhuận, cổ phần để... để tạo thành vùng hàng hóa tập trung đủ lớn phục vụ cho các chuỗi liên kết, xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vay vốn ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư, kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, rà soát, bổ sung các chính sách để khuyến khích hỗ trợ các tổ chức cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện để các cơ sở tham gia các loại hình bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường gây ra, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất.