Bắc Ninh khai phá tiềm năng, kiến tạo thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản Quy hoạch tổng thể toàn diện với các mục tiêu dài hạn, tầm nhìn chiến lược là "đòn bẩy" quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, là thành phố xanh, thông minh, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Ðây là nền tảng pháp lý quan trọng để Bắc Ninh hoạch định chính sách, tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực chất lượng cao, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực chất lượng cao, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Ngày 8/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1589/QÐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định rõ mục tiêu: Ðến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc; một trong những cực phát triển của vùng Ðồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

3 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá phát triển

Trong những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã đoàn kết, đột phá, năng động, đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt những kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Ðáng chú ý 10 năm trở lại đây, tỷ trọng kinh tế của tỉnh trong cơ cấu GDP toàn quốc đã tăng thêm 1% từ mức 2,3% năm 2011 lên 3,3% năm 2020, khẳng định vững chắc cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuy nhiên, Bắc Ninh cũng đang phải đối mặt với những hạn chế khi cơ sở hạ tầng xã hội chưa phát triển xứng tầm với kinh tế; nguy cơ ô nhiễm môi trường ở một số cụm công nghiệp và làng nghề. Kinh tế tư nhân phát triển chưa tương xứng với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước (822,7 km2), Bắc Ninh không còn nhiều dư địa về lãnh thổ, quỹ đất để phát triển.

Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 670 ngày 21/5/2020, qua nhiều lần tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, cũng như ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, Bắc Ninh đã chọn và luôn bám sát 3 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá phát triển trong thực hiện. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù để tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Xác định giáo dục đào tạo là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững, Bắc Ninh thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, tiếp cận chuẩn mực của thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, vùng và cả nước, nhất là đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động.

"Tỉnh sẽ thu hút mạnh mẽ các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học lớn đạt chuẩn quốc tế vào hai khu đô thị đại học và diện tích đất quy hoạch giáo dục đào tạo; thúc đẩy sớm hình thành các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế như công nghệ thông tin, điện tử, sản xuất bán dẫn, công nghiệp chế biến, chế tạo thông minh, công nghiệp dược phẩm, y tế, logistics, du lịch…", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Đồng hành cùng phát triển

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Ðình Xuân, đến thời điểm này, công tác quy hoạch và phát triển đô thị được tập trung cao, Bắc Ninh đã hoàn thành 25 trên tổng số 26 Ðồ án Quy hoạch phân khu, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho tỉnh. Trong đó có thể kể đến Khu công nghệ thông tin tập trung tại Tiên Du và thành phố Bắc Ninh với diện tích hơn 260 ha, Khu phức hợp cấp vùng về y tế tại Thuận Thành với diện tích khoảng 200 ha, Khu đô thị Ðại học I và II tại Tiên Du và thành phố Bắc Ninh với tổng diện tích khoảng 500 ha... Bên cạnh đó, tỉnh vừa công bố công khai danh mục 167 dự án thu hút đầu tư năm 2024, định hướng đến năm 2030, với diện tích sử dụng đất 11.638 ha, các quy hoạch, góp phần tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của tỉnh.

Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Hiện Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.271 dự án FDI còn hiệu lực. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxconn, Goertek,… đặc biệt thu hút thành công các dự án công nghệ cao, công nghệ mới như sản xuất chíp bán dẫn, bản mạch điện tử như: Amkor Technology…

Trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư FDI với mức hơn 3,2 tỷ USD. Ðây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng. Tỉnh Bắc Ninh cũng đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư FDI trong năm 2024.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đánh giá: Thành công lớn nhất của Bắc Ninh là thu hút được các dự án đầu tư lớn, có thương hiệu mạnh trong châu lục và trên thế giới, xây dựng được đặc trưng của mỗi khu công nghiệp, kéo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo lập khu công nghiệp chuyên ngành và công nghiệp hỗ trợ. Môi trường đầu tư an toàn, chính sách sau đầu tư hấp dẫn, Bắc Ninh đang phát triển với đầy đủ tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Là thủ phủ công nghiệp phía bắc, hiện Bắc Ninh có 15 khu công nghiệp tập trung, một khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch khoảng 7.000 ha; thu hút hơn 2.300 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 28 tỷ USD, tỷ lệ lấp đầy khoảng 60%.

Theo Quy hoạch tỉnh mới được phê duyệt, trong tương lai tỉnh có 25 khu công nghiệp gồm bốn vùng: Thung lũng công nghệ điện tử - huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp - thị xã Quế Võ; Khu công nghiệp mới - thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao - huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư là dịp để tỉnh công bố, công khai rộng rãi quy hoạch; gặp gỡ đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, tổng thể hơn về tiềm năng thế mạnh cũng như khát vọng của Bắc Ninh; đồng thời đóng góp ý kiến, đề xuất kiến nghị giúp tỉnh phát triển. Bắc Ninh luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư, quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong quá trình tìm hiểu, thực hiện đầu tư.